THAM KHẢO KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG TỔ CHỨC, VẬN HÀNH HỘI ĐỒNG ĐIỀU PHỐI VÙNG KINH TẾ XÃ HỘI

14/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS.Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng cho rằng, giữa mô hình bộ máy điều phối vùng ở Việt Nam và một số nước trên thế giới có một số điểm khác biệt.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Tham gia đóng góp ý kiến vào tình hình kinh tế xã hội, TS. Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng cho biết, giữa mô hình bộ máy điều phối vùng ở Việt Nam và một số nước trên thế giới có một số điểm khác biệt.

Thứ nhất, về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy điều phối vùng. Xuất phát từ sứ mệnh, mục đích thành lập mà việc thiết kế chức năng, nhiệm vụ của bộ máy điều phối vùng ở các nước cũng khác nhau. Tuy vậy, kinh nghiệm của các nước cho thấy, để đảm bảo bộ máy vùng có đủ thẩm quyền trong việc điều phối liên kết, điều phối hoạt động của các địa phương trong vùng thì thông thường bộ máy điều phối vùng được giao chức năng, nhiệm vụ sau: đưa ra chương trình tổng thể phát triển vùng, định hướng ưu tiên phát triển vùng và thậm chí phê duyệt các khoản ngân sách cho các dự án/chương trình phát triển vùng; hủy bỏ các quyết định và các kế hoạch hành động của các thành viên trong vùng nếu xét thấy không phù hợp với kế hoạch, chính sách của hội đồng vùng. Xây dựng tầm nhìn, định hướng và lập kế hoạch phát triển vùng, ngành; quản lý và đánh giá chính sách phát triển vùng và dự án phát triển vùng; quản lý Tài khoản đặc biệt về phát triển vùng (bộ máy vùng cấp Trung ương hay còn gọi là Hội đồng Tổng thống về phát triển vùng) và xây dựng kế hoạch kinh tế vùng 5 năm và kế hoạch hành động hàng năm; và phân bổ tài chính cho các dự án liên kết giữa các địa phương trong vùng.

Trong khi đó, ở Việt Nam, mặc dù 04 Hội đồng điều phối (HĐĐP) vùng KTXH (gồm: vùng BTB&DNMT, vùng ĐNB, vùng ĐBSH và vùng tây Nguyên) mới được thành lập gần đây (tháng 7/2023) đã được Thủ tướng Chính phủ giao chức năng “Huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước (FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân), thúc đẩy đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP), nhất là trong phát triển hạ tầng chiến lược, quan trọng của vùng”. Tuy nhiên, hiện nay chức năng “điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công” chưa thực sự được diễn giải rõ nghĩa trong các văn bản về thành lập HĐĐP vùng. Việc điều phối này được thực hiện qua cơ chế nào? Liệu HĐĐP vùng có thẩm quyền phân bổ tài chính cho các dự án liên kết giữa các địa phương trong vùng như Ủy ban phát triển kinh tế vùng ở Hàn Quốc; hay quyết định việc sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án mang quy mô vùng?

TS.Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng

Như vậy, về cơ bản, HĐĐP vùng KTXH chưa được giao chức năng, thẩm quyền như: buộc các địa phương phải dừng thực thi chính sách nếu các quyết định và các kế hoạch hành động của các địa phương thành viên trong vùng không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, chính sách của vùng; hay phân bổ tài chính cho các dự án/chương trình hay kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm và trung hạn của vùng. Đây chính là những chức năng, thẩm quyền cốt lõi nhằm tăng vai trò điều phối hoạt động liên kết vùng của HĐĐP vùng.

Thứ hai, về nguồn lực tài chính độc lập cho bộ máy điều phối vùng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để đảm bảo bộ máy vùng có đủ thực quyền trong việc điều phối hoạt động vùng, đảm bảo thực quyền trong việc ra quyết định và thực thi quyết định liên quan tới quy hoạch/kế hoạch phát triển toàn vùng, bộ máy điều phối vùng cần phải có nguồn kinh phí đủ lớn, không chỉ đảm bảo chi trả cho các hoạt động sự vụ hàng ngày của bộ máy mà còn phải đảm bảo chi trả cho các dự án lớn mang tính liên địa phương, dự án cấp vùng. Thậm chí nguồn kinh phí còn phải đảm bảo như một khoản vốn “mồi” trong việc thu hút khu vực ngoài nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh doanh vùng,…

Trong khi đó, theo các Quyết định thành lập HĐĐP vùng KTXH, kinh phí hoạt động của Hội đồng “được tổng hợp trong dự toán ngân sách hằng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ nguồn tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế (nếu có) và được quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan”. Trên thực tế, quy định này chưa đảm bảo ưu tiên cho HĐĐP vùng có đầy đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy liên kết, điều phối phát triển vùng. Để bảo đảm nguồn kinh phí đủ để hiện thực hóa các Chương trình/Kế hoạch/Dự án mang tính vùng, đòi hỏi HĐĐP vùng phải nỗ lực rất lớn trong việc tìm kiếm thêm nguồn tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế.

Ở Mỹ và Hàn Quốc, nguồn tài chính cho bộ máy điều phối vùng có xu hướng tăng qua các năm và luôn được ngân sách Trung ương đảm bảo. Trong khi đó, hiện nay, nguồn kinh phí cho HĐĐP vùng vẫn chủ yếu chỉ đủ để duy trì hoạt động sự vụ hàng ngày của bộ máy.

Thứ ba, về thành viên của bộ máy điều phối vùng. Thành viên tham gia bộ máy điều phối vùng rất đa dạng và khá khác nhau giữa các quốc gia. Kinh nghiệm về thành phần của bộ máy điều phối vùng ở Hàn Quốc không chỉ giới hạn trong phạm vi đại diện của chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương mà còn mở rộng cả giới chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức xã hội nghề nghiệp. Sự tham gia của giới doanh nhân trong bộ máy điều phối vùng sẽ giúp cho việc định hướng phát triển kinh tế toàn vùng theo hướng thị trường hơn và giúp huy động thêm nguồn tài chính ngoài nhà nước cho phát triển vùng. Trong khi đó, ở Việt Nam, ngoại trừ vùng ĐBSCL và vùng TD&MNPB, trong HĐĐP vùng có thêm 01 đại diện chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu và 01 đại diện có uy tín của cộng đồng doanh nghiệp trong vùng; 04 vùng KTXH còn lại, thành viên của HĐĐP vùng vẫn chủ yếu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ tư, về cấu trúc bộ máy điều phối vùng. Hiện nay, mô hình HĐĐP vùng KTXH được thiết kế theo hai cấp, gồm: cấp vùng là HĐĐP vùng và cấp bộ, ngành, địa phương là Tổ điều phối. Việc thiết kế này về mặt lý thuyết và thực tiễn dường như vẫn còn thiếu 01 cấp quản lý (cấp Trung ương) có chức năng chỉ đạo và điều phối phát triển kinh tế - xã hội mang tính tổng thể ở tầm quốc gia và mang tính liên vùng. Chính vì vậy, HĐĐP vùng có thể chỉ thực hiện được chức năng điều phối hoạt động liên kết trong phạm vi nội vùng, còn hoạt động liên kết ngoại vùng có thể gặp nhiều hạn chế do thẩm quyền, chức năng của các HĐĐP vùng KTXH khá giống nhau và hiện cũng chưa có HĐĐP vùng nào có chức năng điều phối các hoạt động liên kết giữa các vùng.

Trong khi đó, hiện nay ở Hàn Quốc, Tổ chức quản lý vùng được thành lập theo 03 cấp, đó là: Hội đồng Tổng thống về phát triển vùng (PCRD - cấp Trung ương); Ủy ban phát triển kinh tế vùng ở từng vùng (ERDC - cấp vùng); và Hội đồng đổi mới vùng ở từng địa phương (RICs - cấp địa phương). Tuy Hàn Quốc là nước đi sau trong việc xây dựng bộ máy điều phối vùng nhưng lại được OECD đánh giá là quốc gia rất thành công trong việc phát triển vùng, và bộ máy điều phối vùng của Hàn Quốc được đánh giá cao bởi tính hiệu quả, năng động trong hoạt động của tổ chức.

Trong mô hình Tổ chức quản lý vùng ở Hàn Quốc, Hội đồng Tổng thống về phát triển vùng (cấp Trung ương) được giao một số chức năng, nhiệm vụ quan trọng, trong đó có xây dựng tầm nhìn, định hướng và lập chiến lược phát triển vùng, ngành, kế hoạch hành động ngành ở tầm quốc gia; điều phối các chính sách có liên quan đến các vùng; quản lý Tài khoản đặc biệt về phát triển vùng;... Các Uỷ ban phát triển kinh tế vùng (cấp vùng) có thể tiếp cận nguồn ngân sách từ Tài khoản đặc biệt về phát triển vùng nếu kế hoạch phát triển vùng được Uỷ ban phát triển kinh tế vùng đệ trình phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển vùng, ngành của quốc gia. Các đề xuất kế hoạch phát triển từng vùng do ERDC đệ trình PCRD được lựa chọn theo cơ chế cạnh tranh.

Minh Hùng