TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 14/11: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHAI MẠC PHIÊN HỌP GIỮA 02 ĐỢT CỦA KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV

14/11/2023

Thực hiện chương trình làm việc, 14h00 chiều 14/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp giữa 02 đợt của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 17/10: BẾ MẠC PHIÊN HỌP THỨ 27 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp  

Sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) (1); Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) (2).

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật nội dung thông tin:

16h19 - 17h00: Theo Chương trình phiên họp, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo đó, trước khi tiến hành thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo về vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong quá trình thảo luận, đại diện các cơ quan sẽ phát biểu ý kiến; cuối phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận về nội dung này.

16h10: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung thảo luận

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ các ý kiến thảo luận và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra và chủ trì soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Đến nay các nội dung tiếp thu giải trình cơ bản đồng thuận, thống nhất cao. Dự thảo Luật đến nay có chất lượng tốt, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với 5 nhóm đề tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời đề nghị tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội để có nghiên cứu hoàn thiện thêm một số nội dung. 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với quy định cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với hoạt động khai thác nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp, đề nghị 2 cơ quan trao đổi thêm để đảm bảo được tính công bằng, hợp lý, có thể linh hoạt hơn.

Đối với Điều 70 dự thảo Luật, đề nghị tiếp tục rà soát để quy định chặt chẽ, cụ thể hơn điều kiện, năng lực của các tổ chức, cá nhân khi xã hội hóa, bảo đảm các quyết định điều hòa, phân bổ nguồn nước, các quyết định chỉ đạo vận hành các hồ chứa liên hồ chứa theo thời gian thực để tối ưu hóa hiệu quả lợi ích sử dụng nước. Đồng thời cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng, tài sản của Nhân dân các vùng hạ du. 

Về Điều 34 quy định phục hồi nguồn nước suy thoái, cạn kiệt, Điều 72 và Điều 74, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ hơn, đảm bảo tính khoa học, khả thi, ưu tiên nguồn lực cho việc phục hồi nguồn nước suy thoái, cạn kiệt.

Đề nghị làm rõ nội hàm hơn về vai trò, nội dung của kịch bản nguồn nước, bởi đây là xương sống cho điều hòa phân phối nước, để từ đó, các bộ ngành, địa phương có phương án cân đối, thực hiện chủ động sử dụng hiệu quả. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải cố gắng tập trung tối đa để rà soát để đảm bảo thống nhất các điều khoản có liên quan tới các luật như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

16h08: Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu

Báo cáo tại phiên họp liên quan đến khoản 2 Điều 68 về giá tính thuế tài nguyên nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, dự thảo quy định theo hướng, giá căn cứ vào yếu tố là mục đích sử dụng, mức độ khan hiếm, mức độ căng thẳng của tài nguyên nước, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế - xã hội trong khu vực.

Quan điểm của Bộ Tài chính về hoàn thiện chính sách thuế tài nguyên đó là hạn chế các quy định liên quan đến mục đích sử dụng. Nếu quy định như dự thảo sẽ phức tạp và rủi ro trong quá trình tính giá đối tài nguyên nước, phức tạp không kém khi nói về giá đất trong dự thảo Luật Đất đai. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị chỉ quy định giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

16h05: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, vấn đề dòng chảy tối thiểu là vấn đề không chỉ là vấn đề thủy điện mà còn là vấn đề liên quan đến tài nguyên nước. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần rút kinh nghiệm từ các dự án thủy điện khi chuyển nước từ sông này sang sông khác mà không đảm bảo dòng chảy tối thiểu…

Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này cần phải quy rõ về dòng chảy tối thiểu, nhất là các sông hồ liên quan đến các dự án thủy điện lớn. 

Liên quan đến nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng cũng cần phải nghiên cứu tiếp. “Các công ty khai thác công trình thủy lợi cần tái sản xuất, cần vốn để hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết hiện nay các công trình của ta xuống cấp vì không có gì để tái sản xuất, nâng cấp kênh mương…. Do vậy trong chừng mực chính sách thủy lợi, có nên nghiên cứu để kinh tế sản xuất nông nghiệp có đóng góp, nhằm nâng cao trách nhiệm của những người sử dụng nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, về vấn đề nước mặt, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, nên nghiên cứu đến các vùng nước nuôi tôm hoặc trồng thủy sản để đảm bảo toàn diện hơn.

16h03: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, liên quan đến khoản 4 Điều 4, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi trong tích trữ nước, nhưng nội dung dự thảo chỉ thể hiện được ý khuyến khích. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế bày tỏ quan điểm cần có chính sách rõ ràng trong vấn đề này, vì nguồn nước đang ngày càng khan hiếm, nhu cầu sử dụng nước thì ngày càng tăng. Cho rằng quy định trong dự thảo luật chưa đủ sức nặng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi tích trữ nước để có đủ nước phục vụ hoạt động kinh doanh, sản xuất và sinh hoạt của người dân. 

Về khoản 9 Điều 52, các đại biểu đề nghị cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, để các thủ tục phải thật thuận tiện, nhưng báo cáo tiếp thu giải trình chưa đảm bảo được yêu cầu này. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy định liên quan đến các nội dung này.

15h55: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu

Giải trình làm rõ một số vấn đề của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, trong quá trình tiếp thu chỉnh lý luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp rất chặt chẽ. Qua các ý kiến, các nội dung giải trình đã được hai cơ quan tiếp thu vào trong dự thảo Luật này. Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thống nhất các ý kiến như trong báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Về đề xuất của Chủ tịch Quốc hội kiến nghị bỏ thu tiền cấp nước khai thác tài nguyên đối với hoạt động khai thác nước mặt, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc triển khai thực hiện thu thủy lợi phí này thì cần thực hiện theo lộ trình. Do đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về quy mô. Vì trong tương lai có nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, tích tụ ruộng lúa, sử dụng nhiều hệ thống trữ nước, khai thác nước, trong đó nhiều doanh nghiệp kinh doanh tốt, sử dụng nguồn nước này rất lớn.

Bộ trưởng cũng hiểu rằng quan điểm của Chủ tịch Quốc hội về vấn đề này là hướng dẫn đến người dân sản xuất nông nghiệp, từ thủy lợi phí, cho đến thuế… Vì vậy, Bộ sẽ rà soát lại, tránh sự hiểu nhầm là thu phí cả của người dân sản xuất nông nghiệp, không đúng với chính sách ưu đãi về phí, lệ phí, thuế…

Về xã hội hóa thu gom, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc xử lý nước thải  trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã yêu cầu quy định. Do đó, cần ưu tiên bố trí nguồn lực để cải tạo các dòng sông chết. Nếu Chủ tịch Quốc hội và UBTVQH đồng ý, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn phục hồi các dòng sông chết vì Luật Bảo vệ môi trường chưa rõ các nội dung này, ưu tiên bổ sung nguồn lực để xử lý, từ đó Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ.

Liên quan đến một số ý kiến góp ý về từ “moong” khoáng sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, trong Luật Khoáng sản, quy chuẩn, tiêu chuẩn khoáng sản có từ “moong”. Thực tế kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh sử dụng lại các moong, mỏ than, mỏ đá… để giữ làm nguồn nước. Do đó, từ “moong” cũng rất phổ quát, quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn trong Luật Khoáng sản

Liên quan đến ý kiến của Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh về điều tra cơ bản nước và hệ thống cung cấp thông tin, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết sẽ xem xét nghị định, thông tư có hướng dẫn về việc đăng ký, hướng dẫn cung cấp thông tin. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn có hệ thống quản lý thông tin, biết được đồng bộ và cập nhật điều phối lượng nước (nước ngầm, nước mặt…) và tổng hợp được lượng tiêu thụ nước trong quá trình chuyển đổi số để có thể điều phối chính xác nguồn nước.

15h47: Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu bày tỏ đồng tình, đánh giá cao báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, về điều tra cơ bản tài nguyên nước, dự thảo dành 2 Điều quy định về nội dung này. Trong đó, Điều 9 quy định về hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, Điều 10 quy định về tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, điều tra cơ bản tài nguyên nước là nội dung quan trọng của luật, tương tự như chế định điều tra cơ bản về dầu khí trong Luật Dầu khí. So với dự thảo của Chính phủ trình, đến nay, dự thảo đã được bổ sung thêm nhiều nội dung về điều tra cơ bản tài nguyên nước, tuy nhiên vẫn thiếu quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên nước. 

Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị tham khảo thêm Luật Dầu khí để quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước. Vấn đề quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân phải do luật định, tránh việc chỉ có 2 Điều đều giao Chính phủ quy định chi tiết như trong dự thảo luật hiện tại. 

Về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia tài nguyên nước, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, khoản 8, Điều 7 có quy  định: Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước và số liệu quan trắc theo quy định tại Điều 51 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan thông qua Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. 

Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị xem xét, đánh giá thêm về tính khả thi của quy định này. Nếu áp dụng quy định này với các cá nhân sử dụng nước, nhất là cá nhân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cân nhắc tính khả thi trong việc áp dụng quy định này đối với cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước, qua đó có điều chỉnh phù hợp.

15h29: Nghỉ giải lao (15 phút)

15h17: 15h17: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý nội dung tập trung thảo luận

Gợi ý một số nội dung thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 cơ bản đã được tiếp thu, giải trình đầy đủ; đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến vào một số nhóm vấn đề chính.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, các ý kiến đã phát biểu, góp ý đến 5 nhóm vấn đề chính, trong đó, nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước tại Chương 3, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các quy định mang tính kỹ thuật như bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, phòng chống ô nhiễm nước biển, khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt, thu gom xử lý nước đã qua xử lý trong sản xuất công nghiệp, phòng chống xâm nhập mặn, phòng chống sụt lún đất, phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi đối với sông hồ.

Nhóm vấn đề chính thứ hai về điều hòa phân phối tài nguyên nước được quy định tại mục 1 của Chương 4 của dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý quy định những nội dung: ưu tiên đầu tư, tìm kiếm thăm dò khai thác nguồn nước; có chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân, các vùng khan hiếm nước; khuyến khích thực hiện các hoạt động tích trữ nước; phát triển hoạt động khoa học, công nghệ trong tích trữ nước; khuyến khích các tổ chức cá nhân nghiên cứu giải pháp thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất; giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
Nhóm vấn đề thứ ba là khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại mục 2 Chương 4, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý để quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt của các cơ quan; về khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt; quan trắc, giám sát tài nguyên nước; quy định về giao Chính phủ quy định chi tiết về quan trắc.

Nhóm vấn đề thứ tư là việc kê khai đăng ký cấp phép vượt tài nguyên nước, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục kê khai đăng ký cấp phép thăm dò khai thác sử dụng tài nguyên nước; đồng thời quy định chuyển tiếp việc hoàn thành thủ tục đăng ký cấp phép khai thác tài nguyên nước cho các công trình.

Nhóm vấn đề thứ 5 là các công cụ kinh tế chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước ở Chương 6, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự thảo luật đã được chỉnh lý, bổ sung về các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, tích trữ nước, và phục hồi nguồn nước. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc cho ý kiến, còn vấn đề gì cần bổ sung, sửa đổi; đề nghị cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến giải thích từ ngữ, phục hồi các nguồn nước suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm; kịch bản nguồn nước; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước…

Liên quan đến Điều 69, Chủ tịch Quốc hội cho biết, một số đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bỏ quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với hoạt động khai thác nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp, vì có thể làm tăng thêm chi phí cho người dân, nhất là nông dân. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho biết,  thuế sử dụng đất nông nghiệp đã ban hành từ lâu và có các nghị quyết miễn tiền sử dụng thuế sử dụng đất nông nghiệp, nếu quy định trong luật có mâu thuẫn với các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta đối với sản xuất nông nghiệp hay không? Đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Chính phủ nghiên cứu thêm.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, liên quan đến phục hồi các nguồn nước suy thoái cạn kiệt ô nhiễm, qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu đề nghị khắc phục hậu quả công trình trên lưu vực sông, vấn đề nguồn lực, xã hội hóa như thế nào để đảm bảo tính khả khi khi Luật được thông qua…

15h09: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Về cơ bản, ý kiến các đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường đều tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý số 669/BC-UBTVQH15 ngày 25/10/2023 và dự thảo Luật mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình Quốc hội, đồng thời có thêm một số ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật. Chính phủ cũng tán thành với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cơ quan chủ trì soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật.

Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các quy định mang tính kỹ thuật như: bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy tại Điều 25; phòng, chống ô nhiễm nước biển tại Điều 33; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt tại Điều 43; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản tại Điều 47; phòng, chống xâm nhập mặn tại Điều 64; phòng, chống sụt, lún đất tại Điều 65; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ tại Điều 66… 

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý quy định về ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước (khoản 2 Điều 4); khuyến khích thực hiện các hoạt động tích trữ nước (khoản 4 Điều 4); phát triển hoạt động khoa học và công nghệ trong tích trữ nước (điểm h khoản 1 Điều 6); khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 3 Điều 39), đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 3 Điều 39).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật cũng đã được rà soát, chỉnh lý quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt của các cơ quan tại khoản 3, 4 Điều 43 về khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt; quan trắc, giám sát tài nguyên nước tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 và giao Chính phủ quy định chi tiết việc quan trắc tại khoản 3 Điều 51 dự thảo Luật. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 9 Điều 52 về trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đồng thời, quy định chuyển tiếp việc hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước cho các công trình thuỷ lợi là sau 03 năm, quy định tại khoản 5 Điều 86 dự thảo Luật…

Liên quan đến đề nghị cần xác định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng cho từng dự án cụ thể để tăng cường trách nhiệm của chủ dự án khi lựa chọn áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và xử lý nước thải, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Điều 59 dự thảo Luật đã quy định việc tuần hoàn, tái sử dụng nước theo 3 cấp độ: (1) Khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng nước có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước thải (khoản 1); (2) Có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi tương ứng theo quy định của pháp luật (khoản 5, 6); (3) Bắt buộc áp dụng đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực có nguồn nước không còn khả năng chịu tải (khoản 4). Đồng thời, khoản 5 Điều 59 dự thảo Luật đã quy định giao Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi theo quy định của pháp luật. Theo đó, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng đối với từng dự án. Do đó, xin được giữ như dự thảo Luật.

Đối với đề nghị nghiên cứu bỏ quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với hoạt động khai thác nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp vì có thể làm tăng thêm chi phí cho người nông dân, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo công bằng giữa các đối tượng khai thác, sử dụng nước, góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí tài nguyên nước.

Ngoài ra, việc triển khai thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp được thực hiện theo lộ trình và chỉ thu khi nhà nước thu thủy lợi phí, được quy định tại khoản 3 Điều 86. Theo báo cáo của Chính phủ, quá trình xây dựng Luật đã có đánh giá tác động, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của chính sách đối với việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại nội dung đánh giá chính sách về tài nguyên nước. Đồng thời, dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại khoản 6 Điều 69. Do đó, xin được giữ như dự thảo Luật.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện văn phong, kỹ thuật văn bản dự thảo Luật. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật có bố cục gồm 10 Chương, 86 Điều, bổ sung 07 Điều, bỏ 04 Điều, tăng 03 Điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội.

15h08: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Điều hành nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tiếp tục nội dung chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh; lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.

Tiếp đến, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội báo cáo về vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

14h55: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ về cơ bản hồ sơ dự án Luật trình UBTVQH tại phiên họp này được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Ghi nhận việc rà soát tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến trao đổi giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm. Các ý kiến giải trình, tiếp thu cơ bản hợp lý. Đến nay cơ bản đạt đồng thuận cao về những vấn đề lớn. Dự thảo Luật có chất lượng tốt đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của các cơ quan và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo. Trong đó có cả những nội dung mà đã được tiếp thu, chỉnh lý như vấn đề tài nguyên viễn thông. 

Một số nội dung mà qua ý kiến phát biểu và qua nghiên cứu đề nghị tiếp tục rà soát để làm rõ thêm như: nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý quy định tại Điều 50 về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông; về đấu giá quyền sử dụng tên miền quốc gia để quy định rõ đấu giá là theo phương thức trả giá lên và đồng thời bảo đảm việc xử lý tài nguyên viễn thông là tài sản công trong trường hợp đấu giá không thành công để bảo đảm thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Đấu giá tài sản. Về thu phí, lệ phí cho số hiệu mạng cần rà soát để đảm bảo tương thích giữa Luật này với Luật Phí, lệ phí và Luật Quản lý thuế. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất có bổ sung thêm khái niệm cơ yếu liên quan đến quốc phòng, an ninh; đồng thời lưu ý có hướng dẫn phải đồng bộ với Luật Giao dịch điện tử, báo cáo tiếp thu giải trình cần làm rõ hơn. Đề nghị tiếp tục rà soát các chi phí tuân thủ pháp luật, các điều khoản chuyển tiếp…

14h54: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Trao đổi thêm tại phiên họp về quy định phí, lệ phí, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại khoản 1, Điều 11 Luật Phí và lệ phí quy định: Phí, lệ phí theo quy định tại Luật này là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, không chịu thuế.

Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thống nhất điều chỉnh trong Luật Viễn thông nhưng không điều chỉnh trong Luật Phí và lệ phí vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và lệ phí.

14h53: Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu

Giải trình thêm về phí, lệ phí mà Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng đã nêu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, Điều 3 của Luật Phí và lệ phí đã quy định rõ phí là gì, lệ phí là gì và không phải quy định ở Luật Ngân sách. “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao, cung cấp dịch vụ được quy định trong danh mục phí và lệ phí kèm theo luật này”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu rõ.

Còn lệ phí là khoản tiền được ấn định và các tổ chức, cá nhân phải nộp khi các cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công phục vụ công việc quản lý Nhà nước được quy định trong danh mục phí và lệ phí ban hành theo luật này.

Do đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, nếu chúng ta không quy định phí và lệ phí trong luật này để điều chỉnh danh mục lệ phí thì sẽ không thu được. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhận thấy vẫn cần quy định nội dung này trong dự thảo Luật, qua đó mới có nguồn để trả cho quy định Internet Châu Á - Thái Bình cũng như quốc tế.

14h51: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu

Cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình và dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị báo cáo giải trình cần đưa phần bổ sung nội dung từ “cơ yếu”, để giải trình rõ với các đại biểu Quốc hội. Về vấn đề này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thể hiện rõ quan điểm ngay từ đầu. 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu quan điểm, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã rất có trách nhiệm trong việc góp ý với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, trong đó hầu hết các ý kiến đã được tiếp thu, còn riêng một ý liên quan đến từ “cơ yếu”, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu. 

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm bổ sung từ “cơ yếu” như phân tích của các đại biểu đã phát biểu.

14h47: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Cơ bản tán thành với các nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ quy định về phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng và phí duy trì. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và  Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm rõ thêm phí này chúng ta thu hộ tổ chức quản lý địa chỉ Internet, số điện thoại khu vực châu Á Thái Dương Thái Bình Dương hay thu nộp vào ngân sách?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, nếu thu hộ sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phí, lệ phí, bởi Luật Phí lệ phí quy định rất rõ: phí lệ phí quy định tại Luật này là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước và không chịu thuế. Nếu Luật Viễn thông quy định thực hiện đúng cam kết quốc tế khi chúng ta sử dụng kho số tài nguyên được được phân bổ, chứ không phải nộp ngân sách thì không cần sửa trong Luật Phí, lệ phí. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng quan tâm đến quy định về hạ tầng công trình viễn thông. Theo đó, dự thảo luật quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 63 lại giao Chính phủ quyết định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch hạ tầng này. Như vậy chưa rõ theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông hay quy định của Chính phủ, có cần phải quy định chi tiết thẩm quyền phê duyệt nữa không?

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị thống nhất về thời điểm có hiệu lực của ba dịch vụ mới, có sự chưa thống nhất giữa báo cáo của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và cơ quan soạn thảo, đề nghị làm rõ nội dung này.

14h44: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đồng tình với báo cáo của Bộ Thông tin truyền thông và ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại phiên họp Chính phủ về vấn đề “cơ yếu”. Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phải nghiên cứu rất kỹ vấn đề này. Bởi đây không chỉ là 1 từ mà là cả một phạm trù rất lớn. Cơ yếu thuộc về an ninh là lĩnh vực đặc biệt thuộc về an ninh quốc gia, an ninh quốc gia toàn diện chứ không phải chỉ có quốc phòng an ninh theo nghĩa hẹp. 

Không nên hiểu máy móc cơ yếu thuộc thuộc Bộ Quốc phòng giúp nhà nước quản lý thì đây là lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Vì vậy phải giải trình, giải thích rõ điểm này, nếu không ngay trong chính Báo cáo tiếp thu giải trình mâu thuẫn. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dẫn chứng Điều 7 và Điều 19 và chỉ rõ tất cả này cơ yếu không chỉ có của quốc phòng mà tất cả các lĩnh vực đều bảo đảm an ninh quốc gia về kinh tế, xã hội, về an ninh của các tổ chức đảng,…Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ thêm.

14h41: Phó Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Khắc Định phát biểu

Cho ý kiến về Điều 5 của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) về Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin mạng và an ninh thông tin, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết tại khoản 1 và khoản 5 chưa có sự thống nhất về phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông.

Tại Điều 17 về Doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị giải thích trong báo cáo rõ hơn việc giao Chính phủ quy định tiêu chí xác định thị trường dịch vụ viễn thông.

Tại Điều 69 về Trách nhiệm quản lý nhà nước về viễn thông, tại khoản 2: Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện quản lý nhà nước về viễn thông. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị sửa lại thành: Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối, giúp Chính phủ trong chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện quản lý nhà nước về viễn thông.

14h40: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang bày tỏ thống nhất với các nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Chính phủ cũng đề nghị tách riêng nội dung về cơ yếu trong dự thảo luật, vì có hai cách hiểu, cơ yếu nằm trong an ninh quốc phòng và cách hiểu thứ hai là hoạt động cơ yếu. Vì vậy, cơ quan soạn thảo đề nghị quy định riêng trong dự thảo luật, bởi trong dự thảo luật có nội dung ghi: quốc phòng an ninh, cơ yếu vì vậy, đề nghị ghi riêng để đảm bảo thống nhất.

14h37: Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu

Phát biểu về các vấn đề liên quan đến phí và lệ phí trong dự thảo luật, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, các vấn đề liên quan đến phí và lệ phí trong lĩnh vực viễn thông đã được quy định chung trong Luật Phí và lệ phí. 

Tại dự thảo luật Viễn thông (sửa đổi), Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung số liệu mạng, gồm cả phí cũng như lệ phí tại khoản 4, 5 Điều 71 trong dự thảo luật. Bộ Tài chính đã tham gia, báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng như Chính phủ, thống nhất với nội dung này cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, giải trình của Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Về việc hướng dẫn, quy định chi tiết, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong Luật Phí và lệ phí đã có quy định rõ về thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm ra văn bản hướng dẫn liên quan đến phí, lệ phí trong nội dung này. Khoản 5 Điều 69 của dự thảo luật hiện đang quy định Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu nộp, miễn giảm lệ phí… Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng quy định như vậy là thừa, đề nghị bỏ nội dung này trong dự thảo luật.

14h27: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long bày tỏ cảm ơn sự phối hợp nhiệt tình, góp ý nghiêm túc của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi)…

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, đến hiện tại, dự thảo Luật cũng đã cơ bản đạt được sự thống nhất với các vấn đề lớn như Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đã trình bày. 

Giải trình về nội dung liên quan đến thu phí, lệ phí sử dụng số hiệu mạng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, trong danh mục phí, lệ phí được ban hành kèm theo Luật Phí với lệ phí chưa có quy định về loại phí và lệ phí này. Do vậy, cần kiến nghị đưa nội dung này vào Luật Viễn thông (sửa đổi) và bổ sung vào Luật Phí với lệ phí. 

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã báo cáo vấn đề này với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Phó Thủ tướng cũng đã kết luận thống nhất với đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật nội dung này, để quy định về các loại phí và lệ phí đối với số hiệu mạng của các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã hoàn thành nghĩa vụ về phí và lệ phí theo điều lệ quốc tế.

14h22: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp

Điều hành nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm rõ thêm về đấu giá kho số viễn thông tại Điều 50, đối với Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã tương thích hay chưa? 

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu thảo luận thêm chính sách mới về phí, lệ phí cho số hiệu mạng. Qua báo cáo của Ủy ban KHCNMT, phí này do Tổ chức Châu Á - Thái Bình Dương liên quan đến Internet dự kiến thực hiện từ 1/1/2025. 

Trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua chính sách này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu báo cáo làm rõ thêm: Việc xác định thu phí việc sử dụng số hiệu mạng của Tổ chức quản lý địa chỉ Internet số liệu mạng khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APNIC) thực hiện như thế nào? Có thông qua cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam hay không?

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) lần này quy định thời hạn có hiệu lực của Luật này cũng từ 1/1/2025, tất cả các tổ chức, cá nhân được phân bổ kho số viễn thông Internet là đối tượng có trách nhiệm nộp phí duy trì số hiệu mạng theo Điều 50 của dự thảo Luật này. Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, đề xuất và đánh giá tác động của Ủy ban KHCNMT và Bộ Thông tin và Truyền thông đã có báo cáo, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội băn khoăn đối tượng nộp phí, miễn giảm phí, mức phí… có cần quy định cụ thể trong dự án luật này hay không? Hoặc ai quy định, có bổ sung nội dung này vào chính sách mới hay không? Đánh giá như vậy đã đầy đủ hay chưa? Nếu đồng ý bổ sung thêm chính sách này thì các vấn đề cụ thể như đối tượng nộp phí, nguyên tắc miễn giảm mức phí… quy định ở đâu? Đồng thời Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nội dung này liên quan đến Luật Phí, lệ phí.

Ngoài ra, khoản 4, khoản 5 Điều 71 quy định riêng hai loại phí và lệ phí: phí duy trì sử dụng số hiệu mạng và lệ phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn tính thống nhất, tương thích của Điều 71 với Điều 50 như thế nào? Vấn đề đánh giá tác động nội dung này?

Trước khi Quốc hội bấm nút, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cho ý kiến thêm về các nội dung này.

14h18: Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn phát biểu

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn đánh giá cao dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, đồng thời bày tỏ sự đồng thuận với nhiều quy định trong dự thảo luật cũng như cách tiếp cận với những vấn đề mới như data center, internet vệ tinh, OTT… Tuy nhiên, dự thảo hiện tại có một số điểm VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần lưu ý thêm. 

Cụ thể, Điều 29 trong dự thảo luật quy định nghĩa vụ của các nhà cung cấp dịch vụ, trung tâm dữ liệu, có tham chiếu tới những điều khác quy định về dịch vụ viễn thông truyền thống, gồm cả những quy định về đăng ký hợp đồng mẫu, quản lý giá cước dịch vụ. Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng quy định này còn cứng nhắc, ảnh hưởng tới sự phát triển của một số ngành giàu tiềm năng. 

Phân tích về việc đăng ký hợp đồng mẫu, Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết, dự thảo quy định phải đăng ký hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng việc dẫn chiếu tới Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là không cần thiết vì tất cả các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đều phải tuân thủ luật này. 

Phó Tổng Thư ký VCCI cũng cho biết, Điều 59 của dự thảo luật yêu cầu trình Bộ Thông tin và Truyền thông phương án giá cước, việc xác định giá thành theo quy định, báo cáo kiểm toán phục vụ hoạt động quản lý giá cước viễn thông. Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng quy định như vậy không phù hợp với các nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, do bản chất dịch vụ này thường cung cấp tới các doanh nghiệp chứ không phải người tiêu dùng phổ thông như viễn thông truyền thống. Quy định như vậy đã can thiệp quá sâu vào công việc kinh doanh, cung cấp dịch vụ, làm tăng chi phí, thời gian triển khai dịch vụ. Phó Tổng Thư ký VCCI đề nghị nghiên cứu kỹ để có những quy định phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

14h16: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung thảo luận

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận dự án Luật đã được chuẩn bị một cách công phu, kỹ lưỡng. Dự án Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhiều lần. Khi trình ra Quốc hội, cơ bản các đại biểu Quốc hội đồng tình với dự thảo Luật. Theo đó có 11 ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu thêm 1 ý kiến góp ý bằng văn bản. 

Qua báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy đến nay có nội dung tiếp thu và có nội dung giải trình, có nội dung đề nghị đánh giá thêm tác động.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các cơ quan tiếp tục cho ý kiến, qua báo cáo, theo dõi và nghiên cứu nhận thấy có nội dung gì cần báo cáo thêm. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là cơ hội để có được dự án luật chất lượng tốt nhất.

14h04: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn liên quan đến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết: Ngày 25/10/2023, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đã có 11 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến và 01 ĐBQH gửi ý kiến bằng văn bản. Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) đã chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cơ quan chủ trì soạn thảo), Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, rà soát tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. 

Về dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (khoản 8 Điều 3 và Điều 28), Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng tên gọi “dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet” đã thể hiện được các đặc tính của dịch vụ này. Do vậy, xin giữ tên gọi này như trong dự thảo Luật. Lý do: Dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet cung cấp các tính năng tương đương với dịch vụ viễn thông cơ bản (tin nhắn, thoại, hội nghị truyền hình), cung cấp tính năng chính là gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông trên Internet. Các dịch vụ giống nhau cần được điều chỉnh bởi cùng một Luật, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã quy định dịch vụ này là dịch vụ viễn thông và được quản lý theo pháp luật về viễn thông. Do đó, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là một loại dịch vụ viễn thông, được điều chỉnh trong Luật Viễn thông. Tuy nhiên, dịch vụ này có đặc điểm là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng, không được phân bổ tài nguyên viễn thông nên dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quản lý dịch vụ này theo phương thức “quản lý nhẹ”, chỉ phải tuân thủ một số quy định về nghĩa vụ như tại Điều 28 dự thảo Luật.

Về cung cấp và sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây (Điều 29), nghiên cứu tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã chỉnh lý khoản 3 Điều 29 theo hướng làm rõ nghĩa vụ thực hiện công bố về sự phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chỉ áp dụng đối với các trung tâm dữ liệu sử dụng để kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây cho công cộng; đồng thời, chỉnh lý khoản 4 Điều 29 theo hướng chỉ điều chỉnh đối với việc sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp. Do đó, các trung tâm dữ liệu phục vụ cho hoạt động quốc phòng, an ninh, trong đó có cơ yếu không thuộc đối tượng điều chỉnh của các quy định này.

Về quản lý hoạt động viễn thông công ích (Điều 31), có ý kiến đề nghị không quy định đối tượng được miễn, giảm đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để đảm bảo công bằng và minh bạch giữa các doanh nghiệp viễn thông.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT xin báo cáo như sau: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định Nhà nước có chính sách “khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia”. Việc miễn, giảm đóng góp tài chính của doanh nghiệp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt nam sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực để tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước có quy định miễn đóng góp cho doanh nghiệp viễn thông vào quỹ phổ cập dịch vụ viễn thông công ích trong một số trường hợp. 

Do vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị được giữ quy định về quản lý hoạt động viễn thông công ích như Điều 31 dự thảo Luật; đồng thời, Luật giao Chính phủ quy định cụ thể việc miễn, giảm đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ (điểm b khoản 2 Điều 31). 

Về một số vấn đề về tài nguyên viễn thông (Chương VI), các biện pháp để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá kho số viễn thông, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị được giữ quy định về đấu giá kho số viễn thông như trong dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị làm rõ việc các tổ chức quốc tế, khu vực hiện nay thu phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng có làm ảnh hưởng đến các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam không; Việt Nam có thu phí số hiệu mạng không, nếu có đề nghị đánh giá tác động bổ sung.

Nghiên cứu tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng có cơ sở để xem xét việc quy định bổ sung về lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng, đã bổ sung, chỉnh lý nội dung này và thể hiện tại điểm d khoản 9 Điều 50 và khoản 4, khoản 5 Điều 71 dự thảo Luật. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức và báo cáo UBTVQH về nội dung này dựa trên cơ sở đánh giá tác động đầy đủ. 
Về điều khoản thi hành (Chương X), có ý kiến đề nghị rà soát quy định hiệu lực thi hành đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet cho phù hợp với thực tế và các quy định về dịch vụ này tại dự thảo Luật.

Về nội dung trên, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị được giữ quy định hiệu lực thi hành đối với 03 dịch vụ này là từ ngày 01/7/2025 như dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 để bảo đảm việc hướng dẫn của Chính phủ theo quy định tại khoản 2 Điều 28, khoản 4 Điều 29 dự thảo Luật, không ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan đến các dịch vụ này. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT trân trọng đề nghị Chính phủ báo cáo UBTVQH làm rõ thêm về vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa quy định thủ tục cấp đổi giấy phép, đề nghị rà soát, hoàn thiện quy định chuyển tiếp để phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã chỉnh lý điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo Luật theo hướng không yêu cầu cấp đổi giấy phép. Các tổ chức, doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng Giấy phép viễn thông đã được cấp theo Luật Viễn thông năm 2009. Trường hợp doanh nghiệp có Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có thời hạn ngắn hơn thời hạn của Giấy phép thiết lập mạng viễn thông đã được cấp thì Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông được kéo dài thời hạn bằng thời hạn của Giấy phép thiết lập mạng. 

Ngoài các vấn đề nêu trên, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật như các nội dung nêu trong dự thảo Báo cáo của UBTVQH về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

14h00: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo chương trình công tác dự kiến từ chiều 14/11 đến hết ngày 16/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp để cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình các dự án luật, dự thảo nghị quyết sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết kinh nghiệm từ Kỳ họp thứ 5 đã cho thấy các làm việc này đã có những kết quả rất tốt. Do đó, tại Kỳ họp này, Quốc hội thống nhất với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bố trí giữa hai đợt của kỳ họp Quốc hội có khoảng 1 tuần để các cơ quan làm việc. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, chiều 14/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với các dự thảo luật gồm: dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi); dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan sẵn sàng để tham dự phiên họp để bảo đảm yêu cầu đề ra. Đồng thời đề nghị  Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo các cơ quan sớm có văn bản thông báo kết luận các nội dung để các cơ quan có căn cứ để triển khai thực hiện.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội