GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CHẤT VẤN ĐỂ KỊP THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH TỔ CHỨC VÀ THỰC THI CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

05/11/2023

Chia sẻ trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, một số đại biểu đánh giá, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội ngày càng được đổi mới thiết thực hiệu quả hơn. Đại biểu cũng kỳ vọng, sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ đưa ra những giải pháp kịp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức và thực thi các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề.

ĐBQH MA THỊ THÚY: CHẤT VẤN ĐỂ ĐI ĐẾN CÙNG VẤN ĐỀ, THÁO GỠ NÚT THẮT, KIẾN TẠO CÁC GIÁ TRỊ TỐT ĐẸP

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội dành 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề.

Theo chương trình, bước sang tuần làm việc thứ 3 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày làm việc ở hội trường, nghe các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4; Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về nội dung trên.

Sau đó, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Không giống như những kỳ họp trước, Quốc hội sẽ lựa chọn một số ngành, lĩnh vực để tiến hành chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành. Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 được nhiều đại biểu Quốc hôi, cử tri và Nhân dân rất quan tâm. Bởi đây là phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ, tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề. Do vậy, đây sẽ là phiên chất vấn rất sôi nổi, trách nhiệm, toàn diện, bởi tất cả các thành viên Chính phủ sẵn sàng trả lời chất vấn.

Chia sẻ trước phiên chất vấn, và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, một số đại biểu đánh giá, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội ngày càng được đổi mới thiết thực hiệu quả hơn. Đại biểu cũng kỳ vọng, sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ đưa ra những giải pháp kịp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức và thực thi các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, việc chất vấn lại những vấn đề lớn tại một phiên họp giữa nhiệm kỳ, chắc chắn sẽ gây áp lực lớn đối với các thành viên Chính phủ, bởi đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn tất cả các vấn đề, không chỉ riêng một ngành, lĩnh vực. Thành viên Chính phủ trả lời phải căn cứ vào thực tế đã tổ chức triển khai trong thời gian vừa qua; việc lấy phiếu tín nhiệm vừa được tổ chức cũng là một hình thức đánh giá năng lực, khả năng điều hành của các thành viên Chính phủ.

Đại biểu cho rằng, phiên chất vấn này sẽ giúp cho các đại biểu có cơ hội chất vấn các thành viên Chính phủ về những việc đã làm được; đối với công việc chưa làm được Chính phủ cũng có nhìn nhận nghiêm túc quá trình chỉ đạo, điều hành để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ từ nay đến cuối nhiệm kỳ; đặc biệt là trong kế hoạch 5 năm.

Đây là cuộc chất vấn tổng thể, chất vấn lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các nghị quyết đã được Quốc hội thông qua về chất vấn và giám sát chuyên đề, không phải là giám sát tất cả các vấn đề trong cuộc sống. Chủ tọa điều hành có quyền yêu cầu đại biểu Quốc hội chất vấn riêng về những vấn đề không thuộc nghị quyết của Quốc hội ở chương trình khác. Như vậy, phiên chất vấn sẽ vừa đảm bảo tính tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, vừa đảm bảo tính toàn diện, bao quát.

Mỗi một đại biểu sẽ quan tâm đối với từng lĩnh vực khác nhau, là Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, những lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Ủy ban sẽ được đại biểu theo đuổi tới cùng vấn đề. Là Tiến sĩ kinh tế, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn có các nghiên cứu sâu về lĩnh vực này và trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, tôi cũng phát biểu về các trụ cột tăng trưởng kinh tế hiện nay đang bị suy giảm. Đại biểu cho biết, vẫn tiếp tục quan tâm đến vấn đề này trong phiên chất vấn, trong đó có trụ cột đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, giải pháp của Chính phủ đối với lĩnh vực này có phù hợp để đảm bảo kinh tế phát triển bền vững.

Đại biểu Trần Diệu Thúy – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Đại biểu Trần Diệu Thúy – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, điểm đặc biệt và cũng là thách thức đối với Chính phủ và các thành viên Chính phủ là không đưa đề bài, không chọn tư lệnh ngành đăng đàn chất vấn, mà tất cả thành viên Chính phủ, chịu trách nhiệm ở tất cả các lĩnh vực đều phải sẵn sàng tâm thế trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Vì vậy, đây là kỳ chất vấn sôi động của Quốc hội, được cử tri và Nhân dân cả nước mong chờ, kỳ vọng sẽ có nhiều vấn đề đặt ra, được giải đáp. Cử tri và cá nhân đại biểu bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều câu hỏi được trả lời thấu đáo, luận giải những khó khăn hiện nay Chính phủ và các bộ, ngành đang gặp phải trong quá trình giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm.

Đại biểu cho rằng, đối với một số vấn đề, Chính phủ và thành viên Chính phủ giải trình làm rõ hơn đến thời điểm này những vướng mắc, tồn tại của các ngành, lĩnh vực mình phụ trách chưa được giải quyết thấu đáo, do tổ chức thực hiện hay vướng mắc về thể chế, chính sách; đồng thời kỳ vọng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ điều hành sắc sảo, khéo léo để phiên chất vấn giải quyết được nhiều mong muốn; Quốc hội đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với những vấn đề tổ chức và thực thi chính sách.

Tại phiên chất vấn này, đại biểu Trần Diệu Thúy quan tâm đến lĩnh vực lao động, việc làm, công tác đào tạo, dạy nghề cho người lao động. Các nghị quyết về lao động việc làm trong các kỳ chất vấn trước đối với các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực này, mặc dù đã được quan tâm, giải quyết, nhưng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được giải quyết.

Hơn nữa, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tôi cũng rất quan tâm đến các chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và nhân dân. Cần tiếp tục có chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động để nâng cao chất lượng năng suất lao động Việt Nam được nâng lên; Đồng thời, có giải pháp tốt nhất phát triển kinh tế, mở rộng đầu tư, như vậy sẽ giải quyết bài toán về thiếu việc làm, nâng cao đời sống của người lao động.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, kỳ chất vấn lần này có thể coi là giám sát của giám sát, nghĩa là các kỳ giám sát trước đây đã đưa vào Nghị quyết, kể cả giám sát trong các kỳ họp Quốc hội hay trong các Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến Kỳ họp thứ 4. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ giám sát lại các nội dung trong các nghị quyết của Quốc hội đã được các bộ, ngành thực hiện tới đâu. Chính phủ cũng chọn ra những nhóm vấn đề chính: giám sát về những chuyên đề của Quốc hội khóa XV; các vấn đề về văn hóa, y tế và nhóm kinh tế tổng hợp, kinh tế ngành.

Đại biểu hy vọng, phiên chất vấn này là dịp để đại biểu Quốc hội, các bộ, ban ngành rà soát lại các yêu cầu, kết luận tại các kỳ họp trước, trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá những nhiệm vụ nào đã hoàn thành để biểu dương, nhiệm vụ nào chưa hoàn thành cần tập trung giải quyết, tránh tình trạng Quốc hội ra nghị quyết, còn việc tổ chức thực hiện không được giám sát, sẽ làm giảm giá trị, hiệu lực của nghị quyết của Quốc hội.

Cá nhân đại biểu Nguyễn Quang Huân quan tâm đến các vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu, nước thải, rác thải, cấp nước, lãng phí đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, ô nhiễm nguồn nước… Ngoài ra, có những vấn đề cử tri gửi gắm, như phát triển công nghiệp văn hóa; các vấn đề liên quan đến sửa đổi Luật Đất đai, các quy định về đền bù, tái định cư; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển giao thông… Tuy nhiên, thời gian chất vấn ngắn, chỉ có 2,5 ngày, nhiều đại biểu quan tâm nhiều vấn đề, nếu không có thời gian chất vấn trực tiếp tại hội trường, đại biểu Quốc hội có thể chất vấn thông qua việc gửi văn bản tới các bộ, ngành.

Lan Hương

Các bài viết khác