GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CHẤT VẤN LÀ ĐỂ LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG NGÀNH VỚI NHỮNG BẤT CẬP, TỒN TẠI TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ

05/11/2023

Trao đổi trước thềm Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào ngày mai (6/11), các đại biểu Quốc hội cho rằng, chất vấn phải tập trung vào những vấn đề liên quan đến lợi ích chung của đất nước, thực chất là nhằm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, nhất là Bộ trưởng, Trưởng ngành với những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực quản lý và kiến nghị giải pháp tháo gỡ hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

CHƯƠNG TRÌNH CÁC PHIÊN HỌP CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, từ ngày 6/11 đến sáng 8/11, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Cụ thể, sáng 6/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn lần lượt trình bày các Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về vấn đề này. Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với tất cả các lĩnh vực và được chia theo 4 nhóm.

Đại biểu Hoàng Anh Công - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về nội dung này, đại biểu Hoàng Anh Công - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Kỳ họp lần này chất vấn giữa kỳ, với nội dung chất vấn là tất cả các lĩnh vực liên quan đến kiến nghị sau giám sát của khoá XIV và kiến nghị của khoá XV tính đến Kỳ họp thứ 4. “Nội dung chất vấn dàn trải trong tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đòi hỏi tất cả hệ thống cơ quan hành pháp, kể cả Toà án, Viện kiểm sát tham gia trả lời chất vấn”, đại biểu nêu rõ.

Đặc biệt, đại biểu Hoàng Anh Công cho rằng, tại Kỳ họp thứ 6, lần đầu tiên Quốc hội đưa ra thảo luận Báo cáo giám sát tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Báo cáo này trước đây thường được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Đây là báo cáo quan trọng nhằm giúp hoạt động chất vấn sâu hơn, đi sát thực chất hơn, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu rõ, một điểm mới của hoạt động chất vấn lần này là Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn đối với tất cả các lĩnh vực, chia theo 4 nhóm lĩnh vực có sự liên kết, tương tác với nhau gồm: (1) nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp (kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng); (2) nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường); (3) nhóm lĩnh vực văn hoá - xã hội; (4) nhóm lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp, kiểm toán.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

“Chất vấn thực chất là để làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, nhất là Bộ trưởng, Trưởng ngành với những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực quản lý và kiến nghị giải pháp tháo gỡ hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân phân tích.

Đáng lưu ý, đại biểu nhấn mạnh, tại kỳ họp giữa nhiệm kỳ này, phiên chất vấn nhằm đánh giá việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, Trưởng ngành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, như Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu là hoạt động “giám sát sau giám sát”; đồng thời, là cơ sở để đánh giá, đo lường “chữ tín về lời hứa” và đáp lại niềm tin, thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước, qua đó, đi đến tận cùng gốc rễ của các vấn đề đã giám sát, chất vấn, tránh tình trạng “hứa suông”, giải quyết không đến nơi, đến chốn. Đây cũng là cơ sở để đánh giá năng lực, hiệu quả tổ chức thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tư lệnh ngành trên tất cả các lĩnh vực.

Với trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, với kinh nghiệm, phương pháp điều hành khoa học, hiệu quả của Chủ tọa điều hành phiên chất vấn và sự chuẩn bị tốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Trưởng ngành, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân tin tưởng, phiên chất vấn sẽ diễn ra có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả giám sát tối cao của Quốc hội; giúp cho Quốc hội, Chính phủ đề ra được các giải pháp đồng bộ, thiết thực để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục đưa đất nước phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau nêu quan điểm, Quốc hội là nơi bàn về các chính sách quốc gia, do đó nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội không nên là những vấn đề vụn vặt mà phải tập trung vào những vấn đề liên quan đến lợi ích chung của đất nước.

Đại biểu cho rằng, nếu lấy một vụ việc ra chất vấn thì chưa hẳn các đại biểu khác muốn nghe một vụ việc cụ thể, ở một địa bàn cụ thể, vừa mất thời gian mà chưa hẳn các trưởng ngành đó nắm hết được. Vì vậy, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh, “đại biểu Quốc hội phải chất vấn đúng tầm, tức là phải làm rõ trách nhiệm thuộc chức năng, thẩm quyền của Bộ trưởng, trưởng ngành”.

“Tại sao chức năng, nhiệm vụ như thế mà anh lại không làm, điều kiện không khác gì người khác tại sao anh không làm được? Hoặc là xảy ra hậu quả xấu mà anh lại hoàn toàn đổ lỗi cho người khác, đó là vấn đề đại biểu Quốc hội cần chất vấn tới nơi tới chốn”, đại biểu Lê Thanh Vân lưu ý.

Đối với các lĩnh vực chất vấn mà đại biểu quan tâm, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, bản thân quan tâm đến việc tuân thủ pháp luật và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, bộ ngành Trung ương, nhấn mạnh đây là nội dung rất quan trọng. Theo đó, người đứng đầu phải tuân thủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo luật định. Có hiểu được như thế mới biết được giới hạn, phạm vi của mình để phòng ngừa trước.

“Tất nhiên, nếu như phòng ngừa bằng cách không làm gì cả thì đấy chính là hành vi vi phạm pháp luật vì không thực hiện nhiệm vụ mà pháp luật trao cho anh”, đại biểu nêu rõ./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác