ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG ĐỂ CHỐNG LÃNG PHÍ NỢ CÔNG

23/10/2023

Thẩm tra báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng bối cảnh hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách vĩ mô khác. Theo các chuyên gia, bên cạnh tuân thủ chặt chẽ ngưỡng an toàn nợ công, cần đẩy mạnh tiến độ giải ngân, tháo gỡ các nút thắt của đầu tư công, giảm áp lực trả nợ, chống lãng phí nợ công.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 23/10: BÁO CÁO TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KT-XH; BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KT-XH...

TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV

Cần nâng cao năng lực quản trị nợ công để huy động nguồn vốn lãi suất thấp

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tụt dốc, chi phí vốn cao hơn trước đây, việc khai thác kém hiệu quả, lãng phí đồng vốn vay sẽ khiến áp lực trả nợ lớn dần...Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/tổng thu ngân sách năm 2023 có xu hướng tăng nhanh, áp lực trả nợ đang tăng dần.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, giai đoạn 2021 - 2023, các chỉ tiêu an toàn nợ từng năm đảm bảo trong các mức trần và ngưỡng an toàn được Quốc hội phê duyệt. Theo đó, ước đến cuối năm 2023, nợ công/GDP khoảng 39 - 40%; nợ Chính phủ/GDP khoảng 36 - 37%; nợ nước ngoài của quốc gia/GDP khoảng 37 - 38%, đều cách xa ngưỡng cảnh báo. 

Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Nhiều quốc gia đưa ra các chính sách tài khóa khẩn cấp hỗ trợ an sinh xã hội và hồi phục kinh tế, chủ yếu thông qua vay nợ. Trong bối cảnh đó, quản lý nợ công của Việt Nam được điều hành chặt chẽ, thận trọng. Theo quan sát, từ mức đỉnh 63,7% GDP trong năm 2016, dư nợ công cuối năm 2023 dự kiến giảm còn khoảng 39 - 40% GDP, tạo ra dư địa chính sách tài khóa để Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tỷ trọng nợ trong nước tăng từ 38,9% năm 2011 lên khoảng 70% tổng dư nợ Chính phủ góp phần giảm rủi ro danh mục nợ.

Để huy động đủ nguồn lực cho bội chi ngân sách nhà nước theo dự toán ngân sách nhà nước và bổ sung cho chương trình phục hồi, Chính phủ linh hoạt sử dụng các công cụ phù hợp, kết hợp huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Trong đó, chủ yếu huy động từ phát hành trái phiếu Chính phủ, vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Theo trên, huy động vốn vay trong nước trở thành chủ đạo, vốn vay nước ngoài giảm dần trong cơ cấu vay của Chính phủ. Đây là các nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, để thực hiện đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng, an sinh xã hội, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công

Theo đánh giá của PGS.TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công, Việt Nam có năng lực quản trị nợ ở mức trung bình khá và các chỉ tiêu về an toàn nợ công được đánh giá khá tốt nên còn dư địa tài khóa cho việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn 2022 - 2025. Trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau dịch có thể chấp nhận bội chi cao và vay nợ nhiều hơn trong ngắn hạn để có không gian tài khóa tốt hơn cho các nhiệm vụ phục hồi kinh tế, xã hội. Việc nhiều tổ chức quốc tế nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam cũng là cơ hội tốt để huy động các nguồn vốn với lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng kinh tế thấp hơn và với việc đồng Việt Nam mất giá mạnh sẽ gây áp lực lớn với tăng tỷ lệ nợ công. Mặt khác, trong trung hạn từ 2025 - 2030, lãi suất huy động trái phiếu chính phủ có thể tăng trở lại nên cần tính toán rất cẩn trọng quy mô và thời điểm cho việc huy động trái phiếu chính phủ.

Tuy vậy, theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, dù 9 tháng năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất từ trước tới nay, lần đầu vượt ngưỡng 50% song vẫn còn không ít bất cập, trong đó giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài luôn trong trạng trái ì ạch, gây quan ngại về hiệu quả sử dụng đồng vốn vay. Khi các khoản vay ODA giảm dần, Chính phủ phải huy động các khoản vay mới với ưu đãi kém hơn, lãi suất sát thị trường hơn để bù đắp thì nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với tổng thu ngân sách nhà nước có xu hướng tăng, áp lực trả nợ công vẫn rất lớn.

Đi sâu vào từng kênh huy động vốn của Chính phủ để thấy rõ hơn những thách thức phải đối mặt, với công tác huy động vốn trái phiếu chính phủ, theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2021 - 2023, thị trường tài chính tiền tệ trên thế giới và trong nước biến động mạnh, đặc biệt là năm 2022 khi mặt bằng lãi suất tăng cao và thanh khoản của hệ thống ngân hàng thu hẹp, kéo theo nhu cầu mua trái phiếu chính phủ của nhà đầu tư giảm mạnh và lãi suất phát hành tăng cao, gây nhiều sức ép. Với quy mô thị trường vốn còn khiêm tốn, cơ sở nhà đầu tư chưa đa dạng và bền vững, trường hợp huy động vốn lớn trên thị trường sẽ gặp khó khăn nhất định. Lãi suất trên thị trường trái phiếu chính phủ một số thời điểm cũng chịu biến động do tác động của thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh 

Có giải pháp điều hành cân đối NSNN chủ động, bảo đảm an toàn nợ công 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh để đảm bảo tỷ lệ an toàn nợ công trong giai đoạn 2021-2023 và dự kiến 2 năm còn lại của giai đoạn trong hạn mức được Quốc hội quyết định, Chính phủ  cần phân tích kỹ về hiệu quả sử dụng vốn vay, hiệu quả huy động vốn gắn với nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước. Việc huy động nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài ngày càng khó khăn. Hiện với vị thế là nước thu nhập trung bình thấp, hiện nay, Việt Nam đang phải tiếp cận các khoản vay gần điều kiện thị trường, các nhà tài trợ cũng chào vay với các điều kiện tài chính kém thuận lợi hơn trước đây. Các khoản vay được ký mới trong giai đoạn này chủ yếu có lãi suất thả nổi. có giải pháp điều hành cân đối NSNN chủ động, bảo đảm an toàn nợ công. Ngoài ra, việc giải ngân vốn ODA, ưu đãi nước ngoài rất chậm, nhiều năm không đạt dự toán…

Trước những hạn chế nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước, các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, Chính phủ tích cực, chủ động, triển khai thực hiện các giải pháp về điều hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi, đánh giá kỹ về một số vấn đề nổi lên như: Vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng; tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu NSNN năm 2024 tăng khá lớn; tình hình huy động vốn trái phiếu Chính phủ hằng năm trong khi tồn dư NSNN lớn từ số chuyển nguồn tăng thu NSNN năm 2021, 2022, số dư nguồn cải cách tiền lương không thể sử dụng... để trong điều hành ngân sách nhà nước, xây dựng kế hoạch huy động, sử dụng vốn vay tiết kiệm, hiệu quả và đề xuất giải pháp cân đối NSNN chủ động, bảo đảm an toàn nợ công…

Đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài,  Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xem xét nghiêm túc, đánh giá toàn diện về: Nguyên nhân bất cập, vướng mắc kéo dài; hiệu quả của các dự án; tính hợp lý của phương án huy động vốn; trách nhiệm trong huy động, phân bổ, sử dụng vốn ODA... để đề xuất giải pháp thiết thực, xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay.

Hải Yến