GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: TẬP TRUNG THẢO LUẬN GÓP Ý SÂU CÁC VẤN ĐỀ LỚN TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ GIAI ĐOẠN TỚI

23/10/2023

Ngày làm việc đầu tiên của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đã đặt ra cho các đại biểu Quốc hội nhiều vấn đề lớn, trọng tâm cần tháo gỡ để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn trước mắt và các mục tiêu chiến lược. Bên lề kỳ họp, các ĐBQH kỳ vọng, kỳ họp sẽ có những quyết sách tốt giúp đất nước phát huy tối đa các tiềm năng, không bỏ lỡ cơ hội phát triển trong tình hình thế giới phức tạp, khó lường như hiện nay.

CHÙM ẢNH: BÊN LỀ PHIÊN KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 23/10: KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Ngày làm việc thứ 1 của Quốc hội với việc Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội nêu hàng loạt vấn đề cần tháo gỡ của nền kinh tế, xem xét hàng chục báo cáo về kinh tế, xã hội, ngân sách, tư pháp, giám sát tối cao, chất vấn và trả lời chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn, khối lượng công việc đồ sộ nhưng chỉ gói gọn  trong 22 ngày.

Trong bối cảnh dự báo 5/15 chỉ tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 không thể về đích, trong đó GDP ước chỉ tăng 5% (mục tiêu 6,5%). Do vậy, các chính sách dồn lực cho tăng trưởng sẽ là một trong những ưu tiên trong các quyết sách của Quốc hội. Trong đó, làm sao đưa ra những giải pháp căn cơ về cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình. Tháo gỡ những khó khăn thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay - trả nợ công để thời gian tới, nguồn lực được phân bổ hiệu quả hơn, khoảng cách từ chính sách đến thực thi sẽ ngắn hơn.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai

Đại biểu Đinh Ngọc Quý, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai bày tỏ trăn trở về việc làm sao tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để đất nước phát triển, kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân, người lao động được nâng lên. Kỳ họp thứ 6 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Qua tiếp xúc cử tri và đi khảo sát thực tế ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số, có thể thấy vẫn còn những điều người dân và cử tri băn khoăn. Đó là, đời sống của người nghèo, của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vẫn khó khăn trong khi việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia còn không ít vướng mắc.

Theo đại biểu Đinh Ngọc Quý, để đạt được mục tiêu này thì hệ thống luật pháp, chính sách phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển, củng cố lòng tin của người dân với Đảng và Nhà nước. Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực tháo gỡ, Quốc hội đã chủ động, tích cực giám sát, đồng hành, thúc đẩy việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia nhưng để đạt hiệu quả thực sự đòi hỏi  sự nỗ lực lớn hơn nữa từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền cơ sở và cả người dân. Từ đó, đại biểu Đinh Ngọc Quý mong muốn, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ có những quyết sách phù hợp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để thực sự thúc đẩy được việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cả về tiến độ và chất lượng, hiệu quả của từng chương trình, từng dự án, hạng mục thành phần, từ đó hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và nâng cao đời sống của người dân.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre dành sự quan tâm đến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có vấn đề Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nên là chủ đầu tư nhà lưu trú công nhân hay không? Đây là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau. Tại kỳ họp này Quốc hội dự kiến thông qua Luật Nhà ở(sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ đề nghị cần quy định phát triển nhà lưu trú công nhân ở cả trong và ngoài khu công nghiệp. Bởi, mục đích chính của việc xây dựng nhà lưu trú công nhân là để tạo điều kiện về chỗ ở cho công nhân để công nhân an tâm làm việc, bảo đảm điều kiện cho công nhân có một cuộc sống và nơi ở phù hợp với thu nhập. Qua đó, giữ chân người lao động ổn định cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho người lao động có thu nhập thấp. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 06 –NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực tế cho thấy, việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian thực hiện các thủ tục đồng bộ với khu công nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ bày tỏ tin tưởng, Quốc hội sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, xem xét, nghiên cứu vấn đề kỹ lưỡng và thận trọng, để đưa ra những quyết sách tốt, theo kịp tình hình, giúp đất nước, phát huy tối đa các cơ hội, tiềm năng phát triển, hạn chế thấp nhất những rủi ro, nguy cơ, không bỏ lỡ cơ hội của đất nước. Tin tưởng, với sự điều hành của Lãnh đạo Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tinh thần trách nhiệm cao của mỗi đại biểu Quốc hội, kỳ họp sẽ thành công tốt đẹp, đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng và yêu cầu của cử tri, Nhân dân cả nước, tạo được những chuyển biến tích cực, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ phát triển đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. 

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cũng bày tỏ kỳ vọng Quốc hội sẽ đưa ra những giải pháp đột phá để tháo gỡ nút thắt, triển khai hiệu quả các chỉ tiêu KTXH đặt ra từ đầu nhiệm kỳ, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, khơi thông đầu tư, tạo ra điểm sáng cho tăng trưởng để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 cho nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, GDP 9 tháng năm nay chỉ tăng 4,24% - tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng cho quý cuối năm nay. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021 - 2030 trở nên hết sức khó khăn. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu, cho thấy “nút thắt” chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được tháo gỡ. Giải pháp nào thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng trong ngắn hạn và củng cố năng lực nội sinh của nền kinh tế trong dài hạn sẽ là câu hỏi quan trọng đòi hỏi các đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận để đưa ra các giải pháp cho những vấn đề lớn trọng tâm. Trong đó, đáng chú ý là thảo luận và thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Những dự án Luật nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội.  Trọng trách và kỳ vọng đặt trên vai mỗi đại biểu rất lớn, bảo đảm một kỳ họp thành công và đáp ứng được mong đợi của cử tri và nhân dân.

Hải Yến