ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

08/10/2023

Chiều ngày 8/10, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm học 2022 - 2023, phương hướng nhiệm vụ công tác năm học 2023 - 2024; tình hình phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì buổi làm việc.

ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI BỘ TÀI CHÍNH, BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm học 2022 - 2023, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương; sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và sự cố gắng, nỗ lực của học sinh, sinh viên, học viên, toàn ngành giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học, đạt được nhiều kết quả quan trọng, theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo và tăng cường các hoạt động để thúc đẩy đổi mới quản trị nhà trường trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên và giáo dục đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình và đã được Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026; bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nêu rõ, ngành giáo dục xác định chủ đề năm học 2023 - 2024 là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo” với các nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh tự chủ, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Có giải pháp hiệu quả để thu hút các nguồn lực hợp pháp để đầu tư cho giáo dục và đào tạo…

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội bảo đảm các điều kiện, nguồn lực thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của ngành giáo dục trong năm 2024 và giai đoạn 2024 - 2026. Quốc hội quan tâm ưu tiên đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước, bảo đảm nhu cầu tối thiểu để thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng đổi mới chương trình giáo dục…

 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn mong muốn từ kết quả giám sát, làm việc, trong các diễn đàn, phiên họp của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục quan tâm hơn tới các điều kiện để bảo đảm chất lượng giáo dục, trong đó giáo viên và tài chính. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng mong muốn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục quan tâm, cho ý kiến trong một số việc lớn của giáo dục và đào tạo đất nước thời gian tới: Tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TW và xây dựng Nghị quyết mới tiếp nối cho xứng tầm, định hướng cho giáo dục đất nước phát triển đột phá trong tương lai; xây dựng Luật Nhà giáo, góp phần giải quyết vấn đề nhà giáo từ góc độ cơ sở pháp lý; sửa Luật Giáo dục đại học…

Qua thảo luận, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá, về cơ bản, các nhiệm vụ lĩnh vực giáo dục và đào tạo năm 2023 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện đầy đủ và đạt những kết quả tích cực. Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ phát biểu

Về phương hướng nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, trên cơ sở nghiên cứu báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản tán thành các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung như: tiếp tục rà soát, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành. Trong đó tập trung khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Nhà giáo; hồ sơ Nghị quyết thí điểm phổ cập giáo dục cho trẻ em mẫu giáo tại một số tỉnh, thành phố. Nhanh chóng tham mưu hoàn thiện và trình ban hành một số văn bản quan trọng như: Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm…

Đồng thời, tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là về những vướng mắc, thiếu thống nhất liên quan đến cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai công việc theo đúng kế hoạch, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 trong bối cảnh còn dư âm của dịch bệnh Covid-19 và tình hình kinh tế - xã hội đất nước có nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn đến văn hóa học đường, có chế tài liên quan đến văn hóa ứng xử trong nhà trường, tránh "chạy theo" áp lực dư luận để giải quyết từng vụ việc cụ thể.

Về xây dựng thể chế, chính sách, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ quan tâm nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục; nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất tăng đầu tư cho giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước; đánh giá và tiếp tục trao đổi, thống nhất quan điểm về công tác phân luồng học sinh…/.

Thu Phương