GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG, GIAI ĐOẠN 2016 – 2021: NHẬN DIỆN RÕ NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ ĐỀ RA ĐƯỢC NHỮNG GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

08/10/2023

Dự kiến trong chương trình phiên họp thứ 27, ngày 12/10 tới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Trước thềm phiên thảo luận cho ý kiến về vấn đề này, Phóng viên Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội đã phỏng vấn Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy – Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm Lê Quang Huy, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát, thông qua hoạt động giám sát, Đoàn giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 đã nhận diện những tồn tại, hạn chế trong phát triển năng lượng như thế nào?

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy: Qua nghiên cứu, kế thừa nội dung báo cáo của các cơ quan Trung ương, kết quả xử lý, tổng hợp báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, Ủy ban nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ kết quả giám sát thực tế tại 11/11 địa phương, kết quả làm việc với Chính phủ, 10/10 Bộ, ngành, 03/03 tập đoàn năng lượng, Đoàn Giám sát nhận thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đáng ghi nhận thì thực trạng phát triển năng lượng ở nước ta còn có một số tồn tại, hạn chế, bao gồm cả việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chủ yếu là:

Một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chưa kịp thời, quy định còn chung chung, thiếu cụ thể, tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Tính đồng bộ, kết nối trong từng phân ngành và giữa các phân ngành năng lượng còn hạn chế. Yếu tố thị trường, giải pháp tổ chức thực hiện, huy động nguồn lực chưa cụ thể;

Mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước chưa đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Triển khai các quy hoạch phân ngành năng lượng, đặc biệt là quy hoạch điện, đang gặp nhiều khó khăn, nhất là vốn, cơ chế đầu tư, tài chính. Cơ cấu nguồn điện không bền vững; có nguy cơ thiếu điện nếu không có các giải pháp hữu hiệu và kịp thời. Nguồn cung xăng dầu còn bị động, thiếu  hụt, vướng mắc trong cơ chế quản lý, điều hành;

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy giám sát Công ty Xăng dầu Khu vực II, Thành phố Hồ Chí Minh

Việc tái cơ cấu ngành năng lượng chưa được thực hiện kiên quyết và kịp thời. Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, chưa đạt mục tiêu đề ra. Giá điện chưa bảo đảm thực sự minh bạch, chưa tính toán để bảo đảm hài hòa yếu tố thị trường và sức chịu đựng của nền kinh tế, khả năng chi trả của người dân và thu hút nguồn lực đầu tư; vẫn còn bù chéo; điều chỉnh chưa kịp thời; chưa khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu; hệ thống kho dự trữ quốc gia về xăng dầu chưa đầy đủ, xây dựng chưa kịp thời; thiếu đồng bộ trong phát triển các dự án nguồn điện và lưới truyền tải điện;

Chuyển đổi năng lượng theo cam kết quốc tế đối mặt với nhiều thách thức lớn về vốn và công nghệ, nhất là đối với các nhà máy nhiệt điện than; bảo vệ môi trường trong lĩnh vực năng lượng có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, gây bức xúc xã hội.

Phóng viên: Quy hoạch năng lượng là vấn đề mà Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm tuy nhiên trong triển khai gặp nhiều tồn tại, vướng mắc. Qua giám sát, Đoàn có những kiến nghị như thế nào để tháo gỡ?

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy: Thực tế, qua giám sát việc triển khai các Quy hoạch phân ngành năng lượng trong giai đoạn 2016-2021 vừa qua đã cho thấy một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nổi bật là:

Các quy hoạch phát triển phân ngành năng lượng như điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo… đã được lập riêng rẽ; thiếu đồng bộ, gắn kết, chưa xác định rõ quan điểm, yêu cầu và nhiệm vụ, giải pháp tổng thể ở quy mô quốc gia về PTNL với tầm nhìn dài hạn;

Khó khăn trong huy động vốn;

Chồng chéo về pháp luật quy hoạch ngành, lĩnh vực, nhất là đất đai, lâm nghiệp, khoáng sản. Đơn cử như chồng lấn quy hoạch phát triển ngành than quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Hoặc chồng lấn quy hoạch phát triển điện lực với quy hoạch khoáng sản titan.

Việc điều chỉnh quy hoạch chưa triển khai kịp thời, nghiêm túc đầy đủ; chưa đề xuất kịp thời các giải pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Quy hoạch.

Thanh tra, kiểm tra, giám sát còn chưa kịp thời;

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy giám sát tại Cảng Kỳ Hà, Quảng Nam

Tháng 7/2023 vừa qua, TTCP đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng Quy hoạch này. Do mới ban hành nên đánh giá việc triển khai Quy hoạch này cần có thêm thời gian. Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã có một số kiến nghị liên quan đến việc triển khai Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia trong thời gian tới, nổi bật là:

Khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt các Quy hoạch ngành quốc gia liên quan đến lĩnh vực năng lượng; ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch;

Có cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội, khuyến khích kinh tế tư nhân, tham gia triển khai, đẩy mạnh hợp tác quốc tế; nếu cần thiết đề xuất kịp thời cấp có thẩm quyền cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án, chương trình trong Quy hoạch;

Nâng cao năng lực, trình độ khoa học, công nghệ; chú trọng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đào tạo nguồn nhân lực;

Chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của xã hội, hiểu  đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, trọng tâm là khía cạnh kinh tế, tài chính năng lượng;

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát.

Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm, với tinh thần giám sát là để kiến tạo phát triển. Giám sát không phải “bới lông tìm vết”, không phải đổ lỗi cho nhau mà là đồng hành cùng tháo gỡ. Vậy Đoàn giám sát đã đề xuất những giải pháp trước mắt nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành năng lượng?

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy: Là 1 trong những giám sát có nội dung lớn, Giám sát về năng lượng có nhiều vấn đề rất mới, rất khó, phức tạp và nhạy cảm. Do đó, mục tiêu đặt ra cho đoàn giám sát là phải thực chất, hiệu quả, “đúng” và “trúng”, giúp giải quyết, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trước mắt, đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách về phát triển năng lượng, nhất là trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang cấp thiết như hiện nay.

Do đó, bên cạnh những giải pháp căn cơ, lâu dài, Đoàn giám sát đã đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trước mắt, cần làm ngay trong giai đoạn 2024-2025 . Đầu tiên là  3 nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch kế hoạch, bắt đầu từ tổng rà soát, đánh giá và xây dựng Chương trình xây dựng VBQPPL về phát triển năng lượng đến năm 2030, làm cơ sở để hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này; cụ thể như sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Luật Sử dụng NLTKHQ, ban hành Luật Địa chất & Khoáng sản, Luật Năng lượng tái tạo…;

Cần khẩn trương phê duyệt, ban hành các Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch có liên quan cụ thể như Quy hoạch không gian biển quốc gia, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII…

 Giám sát tại Gia Lai và làm việc với Sở Công thương tỉnh Gia Lai

Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, trọng tâm là đầu tư, tài chính đối với 2 phân ngành điện và dầu khí.

Theo đó, đối với phân ngành điện, cần cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà; quy định về giá điện, điều hành giá điện từng bước bám sát biến động của thị trường, thông số đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, bảo đảm bù đắp chi phí và lợi nhuận hợp lý; hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư theo tiêu chí giá điện thấp nhất; cơ chế vay lại các khoản vay ODA có bảo lãnh của Chính phủ đối với doanh nghiệp nhà nước được giao chức năng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; cơ chế đặc thù để triển khai kịp thời các dự án nguồn và lưới điện có yêu cầu cấp bách theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; cơ chế tài chính cho hoạt động của A0 Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia.

Đối với phân ngành dầu khí, cần quy định cước phí vận chuyển khí; giá bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia; quy định về kinh doanh xăng dầu, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Để giải quyết hạn chế, vướng mắc, tập trung phát triển năng lượng bền vững trong thời gian tới, 4 nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện cần được Chính phủ, các Bộ, ngành, Địa phương đặc biệt quan tâm. Đó là:

Tập trung giải pháp huy động vốn. Đề xuất các giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng rủi ro, mất cân đối tài chính của các Tập đoàn/Tổng Công ty trong lĩnh vực năng lượng, minh bạch về năng lực tài chính, xác nhận đủ điều kiện huy động vốn thực hiện các dự án đầu tư phát triển năng lượng; huy động vốn tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài;

Tăng cường trách nhiệm và phối hợp hoạt động của các bộ quản lý ngành, các địa phương và chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, trọng tâm là công tác giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là các dự án lưới điện truyền tải vùng, miền;

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án năng lượng như kho dự trữ xăng dầu, nhiệt điện than với công nghệ mới thân thiện môi trường, nhiệt điện khí với ưu tiên nguồn khí trong nước, dự án điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo không lên lưới - tự sản tự tiêu hoặc mua bán trực tiếp;

Tích cực thực hiện lộ trình phát triển thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh theo quy định. Thúc đẩy việc tái cơ cấu các Tập đoàn kinh tế nhà nước trong lĩnh vực năng lượng.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Bích Hạnh