HOÀN THIỆN THỂ CHẾ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG, ĐỂ THỊ TRƯỜNG ĐÓNG VAI TRÒ QUYẾT ĐỊNH TRONG HUY ĐỘNG, PHÂN BỔ, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC

30/09/2023

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp ý kiến với Diễn đàn, PGS.TS Bùi Văn Huyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần hoàn thiện thể chế cho phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực.

Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Trong nước, mặc dù kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số động lực tăng trưởng suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.... Trước thực tế đó, đòi hỏi phải sớm có các giải pháp đồng bộ ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài; tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng giúp đất nước tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 lựa chọn xác định chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp tham luận tại diễn đàn, PGS.TS Bùi Văn Huyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ quan tâm đến vấn đề hoàn thiện thể chế ở Việt Nam, từ tính đồng bộ trong quản trị quốc gia, doanh nghiệp, địa phương.

PGS.TS Bùi Văn Huyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

Theo đó, PGS.TS Bùi Văn Huyền cho rằng, cần đảm bảo đồng bộ trong từng loại hình thể chế, nhất là thể chế kinh tế. Rà soát, chỉnh sửa lại các luật quan trọng như hiện nay, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật liên quan đến cùng một vấn đề tạo hành lang pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Đảo đảm tính đồng bộ của Luật Đất đai với các luật có liên quan như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, và các luật có quy định về áp dụng pháp luật; Bộ luật Dân sự; Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản; pháp luật về công chứng, chứng thực; Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước.

Hoàn thiện thể chế cho phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực. Phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo phương thức tổ chức, giao dịch văn minh, hiện đại, thương mại điện tử. Phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm... trên nền tảng công nghệ số với kết cấu hạ tầng, công nghệ và phương thức giao dịch hiện đại. Phát triển mạnh thị trường khoa học và công nghệ. Phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản; thị trường quyền sử dụng đất. Phát triển thị trường lao động linh hoạt gắn với cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo đồng bộ thể chế trong nước và quốc tế. Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; nội luật hóa đầy đủ, kịp thời cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chú trọng khâu tổ chức triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các cam kết của Việt Nam. Hướng dẫn, tuyên truyền để doanh nghiệp nắm bắt, hiểu các quy định khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, thương mại quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của đối tác khi tham gia vào hoạt động kinh tế quốc tế.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam

Cùng với đó, cần đảm bảo đồng bộ giữa ban hành và tổ chức thực thi. Cụ thể hóa thể chế pháp luật và thể chế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác theo hướng quy định cụ thể, chi tiết trong luật, đảm bảo các quy định đi vào thực tiễn và được triển khai trên thực tế, rút ngắn thời gian chờ hướng dẫn thi hành luật. Bố trí đầy đủ các nguồn lực để đảm bảo thể chế được triển khai và vận hành hiệu quả trên thực tế. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tổ chức thực thi. Đồng thời, xây dựng và vận hành hiệu quả cơ chế kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các thể chế.

Thêm vào đó, cần đảm bảo đồng bộ giữa thể chế của trung ương và địa phương. Phân cấp hợp lý trên cở sở phù hợp với thực tiễn cũng như năng lực của các chủ thể được phân cấp. Thể chế phân cấp Trung ương – Địa phương cần được quy định cụ thể, rõ ràng, phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm làm căn cứ để triển khai trên thực tế. Tăng cường trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước ở Trung ương đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương tránh tình trạng lợi dụng việc phân cấp, phân quyền để đưa ra các quyết sách vì lợi ích cục bộ, hoặc thực hiện quyết sách theo hướng có lợi cho địa phương, vi phạm các quy định mà cơ quan trung ương ban hành.

Ngoài ra, cần phân cấp cho chính quyền địa phương đủ thẩm quyền và các điều kiện cần thiết để chủ động thực hiện các nhiệm vụ mà địa phương có khả năng giải quyết được để thực hiện công việc nhanh chóng, hiệu quả, loại bỏ tình trạng ùn tắc, chậm trễ, kém hiệu quả. Lựa chọn cán bộ có năng lực, năng động, chủ động, sáng tạo trong công việc vào các cơ quan quản lý ở địa phương, nhất là cơ quan hội đồng nhân dân. Phân cấp quản lý cần đi kèm với bố trí đầy đủ, tương xứng các nguồn lực, điều kiện thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp.

Minh Hùng