THU HÚT MẠNH MẼ CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ CÔNG

30/09/2023

Tại phiên họp thứ 26 của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã gửi tới UBTVQH báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong lĩnh vực nội vụ. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị thực hiện các giải pháp thiết thực nhằm phát triển thị trường dịch vụ công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia dịch vụ công.

Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ khẩn trương tổ chức sơ kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, tại thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội và sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bên trong của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo hướng tinh gọn; rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hoàn thiện danh mục vị trí việc làm cùng với khung năng lực, bản mô tả vị trí việc làm của hệ thống chính trị làm cơ sở xác định biên chế của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn, gắn với đánh giá thực chất, xếp loại chính xác công chức, viên chức.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Trong việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ quan tâm đến một số nội dung sau đây:

Một là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi cho hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, trên cơ sở công khai, minh bạch, rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Hai là, từng bước thu hẹp số lượng đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ giữ lại các đơn vị thuộc Bộ phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị đầu ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của Bộ, còn lại chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường.

Ba là, đẩy mạnh cổ phần hóa, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thành công ty cổ phần, trừ các bệnh viện và trường học theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Bốn là, làm rõ cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng xác định cụ thể Danh mục dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước đặt hàng và giao nhiệm vụ, gắn với yêu cầu nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước. Tiến tới chuyển việc ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước sang việc ban hành Danh mục các đối tượng được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong sử dụng dịch vụ công. Thay đổi cách thức hỗ trợ của Nhà nước thông qua sản phẩm dịch vụ công sang việc hỗ trợ cho đối tượng sử dụng dịch vụ công.

Năm là, phát triển thị trường dịch vụ công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia dịch vụ công. Tạo cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực cho thị trường dịch vụ công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện công khai, minh bạch, không thương mại hoá. Bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa ĐVSNCL và ngoài công lập.

Sáu là, rà soát lại các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công ở một số lĩnh vực không thiết yếu. Các thành phần kinh tế tư nhân đã đáp ứng nhu cầu xã hội theo cơ chế thị trường thì không nhất thiết duy trì việc cung cấp dịch vụ công thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Trường hợp Nhà nước cần cung cấp dịch vụ công thiết yếu thì thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết và bình đẳng giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ công.

Bảy là, ban hành đầy đủ định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở cho việc xây dựng các định mức chi phí “khoán” để đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các hoạt động cung cấp dịch vụ công. Trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình dịch vụ công, nguồn tài chính công được phân bổ công khai, minh bạch cho các đơn vị sử dụng có hiệu quả nhất, không phân biệt cơ sở công lập hay ngoài công lập. Nhà nước chủ động cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm kinh phí hoạt động cho các đơn vị được giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới và hải đảo.

Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở Báo cáo của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, cho ý kiến về kết quả thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 để kịp thời biểu dương những kết quả tích cực, chấn chỉnh những việc chưa làm được hoặc làm nhưng chưa hiệu quả; ban hành Nghị quyết của Quốc hội về những vấn đề liên quan.

Minh Hùng