SÁU GIẢI PHÁP LÀNH MẠNH HÓA THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH, KHƠI THÔNG DÒNG VỐN CHO NỀN KINH TẾ

30/09/2023

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp ý kiến với Diễn đàn, TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, để lành mạnh hóa thị trường tài chính, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, cần triển khai đồng bộ và quyết liệt 6 giải pháp, trong đó trước hết cần nâng cao hiệu quả phân bổ tín dụng.

Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 lựa chọn xác định chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp tham luận tại diễn đàn, TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia bày tỏ quan tâm đến vấn đề lành mạnh hóa thị trường tài chính và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.

Theo đó, TS. Vũ Như Thăng cho rằng, để lành mạnh hóa thị trường tài chính, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, cần triển khai đồng bộ và quyết liệt 6 giải pháp sau đây:

Một là, nâng cao hiệu quả phân bổ tín dụng. Kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ và Quốc hội; Kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản (thông qua điều chỉnh tăng hệ số quy đổi rủi ro đối với các ngành này trong điều kiện cần thắt chặt hơn nữa). Đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả các đề án/phương án cơ cấu lại các TCTD yếu kém, không để tình trạng các TCTD yếu kém, lỗ lũy kế kéo dài ảnh hưởng đến hệ thống TCTD.

TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Hai là, sửa Luật Các tổ chức tín dụng về minh bạch chủ sở hữu ngân hàng, theo đó: Mở rộng phạm vi điều chỉnh về “người có liên quan” theo hướng bao trùm hơn, tham khảo Luật Dân sự 2015 và Luật DN 2020…., Chặt chẽ hơn về phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động công bố thông tin về sở hữu cổ phần của cổ đông tại TCTD so với các loại hình DN tại Luật Chứng khoán; Cần có lộ trình, thời hạn cụ thể trong chuyển tiếp việc thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhất là sớm có lộ trình thoái vốn một số ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của DNNN lớn hơn 15%. TCTD và tổ chức sở hữu cần có phương án, lộ trình triển khai từng bước (để xác định thời điểm, mức giá và tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp…) nhằm bảo đảm lợi ích tối đa cho TCTD và nhà đầu tư trong bối cảnh TCTD là công ty đại chúng và công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Đặc biệt, tiến trình này cần đẩy nhanh khi dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng dự kiến quy định tiếp tục giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu của tổ chức đối với TCTD “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện tại là 15%)....”

Ba là, hoàn thiện các quy định liên quan đến nâng hạng thị trường. Tiếp tục đẩy nhanh đưa vào vận hành hệ thống công nghệ KRX, triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho TTCK, triển khai các nghiệp vụ giao dịch trong ngày, cho vay cổ phiếu, bán khống cổ phiếu. Bên cạnh đó tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường, triển khai các sản phẩm cho NĐTNN giao dịch cổ phiếu hết room, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh (bắt buộc đối với các DN niêm yết thuộc rổ VN30, HNX30), áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)… 

Bốn là, minh bạch thông tin để bảo vệ người tiêu dùng. Tăng cường tính công khai minh bạch thông tin trên thị trường tài chính; quy định rõ ràng, chặt chẽ và cụ thể nghĩa vụ cung cấp thông tin của các chủ thể cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ hiệu quả người tiêu dùng tài chính cũng như hiệu quả giám sát an toàn và cẩn trọng thị trường tài chính.

Năm là, bổ sung vốn cho các quỹ tài chính nhà nước tại địa phương. Bản thân các quỹ tài chính chính nhà nước là “vốn mồi” để đồng tài trợ cho các dự án. Do nguồn vốn đầu tư ban đầu của quỹ là NSNN, nên quy mô vốn còn hạn chế, đồng thời vốn đầu tư phát triển huy động được khá rẻ, trong khi các dự án mà quỹ tài trợ lại có rủi ro cao (thời gian dài, nguồn vốn lớn, mang tính chất đặc thù) nên cần kết hợp vốn của quỹ, vốn của chủ đầu tư và nguồn vốn khác (tư nhân, NHTM và vốn từ nước ngoài). Mặt khác, để đảm bảo Quỹ đầu tư phát triển địa phương khi thành lập có nguồn vốn triển khai hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, đóng góp hiệu quả vào đầu tư phát triển, cần nâng nguồn vốn điều lệ tối thiểu lên 300-400 tỷ đồng.

Sáu là, có lộ trình về việc xây dựng TTTC với chính sách đột phá để thu hút các định chế tài chính từ các TTTC lớn trên thế giới. Tập trung nguồn lực, trí tuệ và chọn lựa kinh nghiệm thành công trên thế giới để xây dựng Đề án thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế (Tp. Hồ Chí Minh và/hoặc Tp. Đà Nẵng) theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII và Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 với chính sách có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

Minh Hùng