SỬA ĐỔI LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG: ĐỀ XUẤT BỔ SUNG THÊM ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG, MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH
CÔNG KHAI, MINH BẠCH TRONG HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG, BẢO ĐẢM AN TOÀN HỆ THỐNG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
Vai trò và lợi ích của ngân hàng số
Một trong những xu thế phát triển của các TCTD bên cạnh chuyển đổi số các ngân hàng truyền thống đã xuất hiện các ngân hàng số, hay còn được gọi là ngân hàng internet (internet-only bank, neo bank), hoạt động hoàn toàn/ và chỉ trong môi trường số, không có các chi nhánh vật lý nhờ các nền tảng công nghệ tài chính, ngân hàng mới vượt trội với: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud), chuỗi khối (blockchain),... Ngân hàn số thường là sự kết hợp, liên kết giữa ngân hàng truyền thống và fintech để cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến với một số điều kiện nhất định, trên một siêu ứng dụng super app di động. Ngân hàng số đã mở ra cơ hội thuận lợi, rộng rãi nhất cho khách hàng, nhất là trên phương diện cung cấp dịch vụ tài chính bao trùm, tài chính toàn diện tới mọi đối tượng yếu thế trong xã hội, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…
Các dịch vụ ngân hàng cơ bản được thực hiện trên nền tảng số nên có tốc độ rất nhanh, thuận tiện, an toàn, chi phí rẻ, phục vụ mọi đối tượng, dịch vụ đa dạng với những khoản/món tiền được quy định cụ thể, không hạn chế về không gian và thời gian; hướng tới cá nhân hóa dịch vụ, ưu tiên sự tiện lợi dựa trên các nguồn dữ liệu được phân tích từ hành vi khách hàng để, đáp ứng nhu cầu càng đa dạng của người sử dụng dịch vụ ngân hàng.
TS Trần Văn, Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội (ngồi giữa)
Từ kinh nghiệm quốc tế, TS Trần Văn, Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho biết ,nhiều nước đã ban hành và triển khai việc cấp giấy phép ngân hàng số như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Philippines, Indonesia, Đài Loan. Một số quốc gia phát triển như Anh, Australia, Thụy Sĩ hay Singapore cũng thử nghiệm quy trình cấp phép theo từng giai đoạn, theo đó ngân hàng số mới thành lập được hoạt động với một số giới hạn nhất định trước khi trở thành ngân hàng số được cấp phép đầy đủ. Một số nước khác lại không tạo ra bất kỳ thủ tục cấp phép ngân hàng số cụ thể nào mà chỉ dựa trên quy định cấp phép hiện hành trên cơ sở đánh giá rủi ro của các ngân hàng số này như Brazil, Đức, Nam Phi, UAE,…
Cũng như một số nước, Trung Quốc đã có Luật về ngân hàng số (intenet-only bank) từ năm 2020. Đến nay, Trung Quốc đã cấp phép cho 5 ngân hàng số, Malaysia: 5 giấy phép; Singapore: 2, Hongkong: 8, Đài Loan (TQ): 2 giấy phép…
Cần quy định pháp lý chặt chẽ phát triển ngân hàng số trong sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng
TS Trần Văn đánh giá, mô hình ngân hàng số có tốc độ phát triển nhanh chóng, vì vậy quy định pháp lý tại Việt Nam cần sửa đổi để bắt kịp với hoạt động ngân hàng số. Hiện Luật giao dịch điện tử mới được QH thông qua tại kỳ họp thứ 5 đã mở ra nhiều cơ hội cho Ngân hàng số. Tuy nhiên, theo TS Trần Văn, hiện dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) mới chỉ đề cập đến hoạt động ngân hàng điện tử (số hóa ngân hàng truyền thống), nhưng lại chưa đề cập đến hoạt động của ngân hàng số như một khái niệm rộng hơn khái niệm ngân hàng điện tử và do đó cũng chưa quy định những nội dung điều chỉnh mô hình ngân hàng số. Như vậy, hành lang pháp lý hiện hành chưa thật sự tương thích, bao quát toàn bộ quá trình số hóa dịch vụ ngân hàng, chưa thực sự thúc đẩy cho phát triển ngân hàng số.
TS Trần Văn cho biết, việc quy định cơ bản nhất về ngân hàng số trong dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý để sau này Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, ban hành những quy định chi tiết cho việc thử nghiệm mô hình ngân hàng số này, bước tiến cụ thể trong chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thúc đẩy phát triển công nghệ số, mà không phải ban hành nghị định “không đầu”. Thực tiễn cho thấy, cứ phải khoảng hơn 10 năm mới sửa Luật các TCTD và không biết khi nào sẽ lại sửa tiếp nên thật là thiếu sót nếu lần này Luật sử đổi không đưa các quy định về mô hình ngân hàng số vào luật các TCTD (sửa đổi).
Trong bối cảnh, Việt Nam đang nỗ lực tìm tòi những động lực phát triển mới, quy định về ngân hàng số chính là một trong những động lực đó, tạo ra cơ hội đầu tư, phát triển các nền tảng công nghệ để thúc đẩy hình thành ngân hàng số trong tương lai, Nếu quy định về “ngân hàng số” trong Dự thảo Luật được nhắc đến, sẽ tạo ra sự khác biệt, định hướng, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng cho lần sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật các TCTD lần này. Theo đó, cần bổ sung ngân hàng số và Dự thảo Luật tại Điều 4, giải thích từ ngữ về NH số và Điều 100, “giao CP quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của NHS” sau quy định về cơ chế thử nghiệm trong Dự thảo hiện hành.
Đồng quan điểm với TS Trần Văn, nhiều đại biểu cũng cho rằng Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định về ngân hàng số, giao dịch điện tử còn mờ nhạt, không thay đổi so với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng 2010….
Đại biểu Tạ Thị Yên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên
Theo Đại biểu Tạ Thị Yên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, Dự thảo Luật chỉ có một quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, được quy định tại Điều 96 song quy định này cũng không phản ánh đúng thực tiễn hoạt động của ngành ngân hàng hiện nay, đã xuất hiện nhiều dịch vụ ngân hàng trực tuyến, ngân hàng số do các tổ chức tín dụng phối hợp với các công ty fintech (công nghệ tài chính) cung cấp. Đồng thời, bên cạnh các ngân hàng, lĩnh vực này còn có sự tham gia của các đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng, trung gian thanh toán, chuyển mạch tài chính… cùng thuộc đối tượng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động và chịu trách nhiệm quản lý.
Theo số liệu thống kê do Ngân hàng Nhà nước công bố, từ 2020 đến 2023, đã có 11,9 triệu tài khoản và 10,8 triệu thẻ ngân hàng được mở thông qua định danh điện tử, tăng trưởng thanh toán qua kênh di động đạt 165% về khối lượng và 97% về giá trị. Đây rõ ràng là lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn, có thể giúp ngành ngân hàng Việt Nam đón đầu xu hướng phát triển chung của thế giới, cần được sự quan tâm, khuyến khích và có hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động trong tương lai.
Theo các đại biểu, hoạt động ngân hàng số những năm gần đây đang ngày càng phát triển trên phạm vi toàn thế giới, thể hiện trên cả hai xu hướng: các ngân hàng truyền thống ứng dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho người dùng và các công ty công nghệ được cấp phép hoat động và dẫn dắt xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore đã cấp phép cho ngân hàng số hoạt động và đạt được những thành công đáng kể, chẳng hạn như Hàn Quốc cấp phép hoạt động ngân hàng internet từ năm 2015, đến nay các ngân hàng này đã quản lý hơn 115 triệu tài khoản của khách hàng, đạt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trung bình hơn 80% mỗi năm. Theo đại biểu Tạ Thị Yên, Dự thảo Luật đã đề cấp đến vấn đề về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng được quy định tại Điều 97, tuy nhiên cơ chế này chưa toàn diện, có thể gây quan ngại về việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, đồng thời trao cho cơ quan quản lý quyền quyết định tuyệt đối về thời gian, phạm vi, đối tượng thực hiện – thực chất là cấp phép mà không đi cùng các điều kiện minh bạch, rõ ràng.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế
Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Hải Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho rằng Dự thảo Luật chưa có quy định pháp lý rõ nét cho việc phát triển của ngân hàng số và ngân hàng điện tử, vai trò của các tập đoàn tài chính trong ngân hàng. Theo các đại biểu, thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng cũng chính là giải pháp hữu hiệu giúp thực hiện nhiệm vụ chính trị là xoá bỏ tín dụng đen. Để giải quyết bài toán này, cần ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch. Việc xử lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu quy mô lớn cũng cho phép đánh giá đúng khả năng trả nợ của người vay, giảm thiểu rủi ro và chi phí thu nợ.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung có quy định về ngân hàng số tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, với việc khuyến khích ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển các hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam.