TIẾP TỤC RÀ SOÁT, SỬA ĐỔI NHỮNG QUY ĐỊNH CHƯA PHÙ HỢP TRONG CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN 3 CTMTQG

09/08/2023

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG, Đoàn công tác số III đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện 3 CTMTQG; Chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp sớm sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các Thông tư, văn bản hướng dẫn, nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 27/2022/NĐ- CP.

PHIÊN HỌP THỨ 3 CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ 3 CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: LÀM RÕ TỒN TẠI, HẠN CHẾ CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

SỚM THÁO GỠ CÁC VƯỚNG MẮC ĐỂ ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

CẦN CÓ BIỆN PHÁP QUYẾT LIỆT ĐỂ THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Đại diện Đoàn công tác số III, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Báo cáo kết quả giám sát sơ bộ của Đoàn công tác số III về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 (trên địa bàn 5 tỉnh: Hòa Bình, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận và Đắk Lắk) tại Phiên họp thứ 3 của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức quan tâm và chỉ đạo sát sao, quyết liệt việc thực hiện 03 CTMTQG. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức họp giao ban theo tháng và họp đột xuất để tháo gỡ phần nào khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các CTMTQG ở các địa phương. Nổi bật nhất là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/02/2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025, trong đó nêu lên 339 kiến nghị của các địa phương và trách nhiệm phải trả lời, giải quyết của các Bộ, ngành liên quan.

Thực hiện Công điện số 71, các Bộ, ngành đã có công văn trả lời các vướng mắc của các địa phương nhưng một số nội dung vẫn chưa thể giải quyết ngay mà cần có thời gian để các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, triển khai. Các Bộ, ngành Trung ương cũng đã tích cực tham mưu trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế một số nội dung vướng mắc để địa phương áp dụng triển khai thực hiện 03 CTMTQG, tuy nhiên vẫn có những nội dung chưa được các Bộ, ngành hướng dẫn hoặc chưa kịp sửa đổi.

Những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc triển khai thực hiện các CTMTQG

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc triển khai thực hiện 3 CTMTQG. DO Hệ thống khung pháp lý và các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện giai đoạn 2021-2025 của Trung ương lớn, ban hành chậm, chưa đồng bộ nên khó khăn trong việc nghiên cứu và triển khai tại địa phương. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình chưa rõ ràng, chưa thống nhất, cần phải sửa đổi, bổ sung; một số văn bản dẫn chiếu lẫn nhau gây khó khăn cho quá trình theo dõi, tra cứu để thực hiện Chương trình.

Các Bộ, ngành Trung ương chưa hoàn thành việc bổ sung, điều chỉnh một số quy định, hướng dẫn chi tiết còn chưa thống nhất, hoặc chưa phù hợp theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/02/2023, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và triển khai thực hiện các CTMTQG tại các địa phương.

Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn ngân sách trung ương chậm, việc lồng ghép nguồn vốn giữa các CTMTQG và giữa các CTMTQG với các Chương trình, dự án khác khó thực hiện.

Nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm, không kịp thời  và quy trình thực hiện theo Luật Đầu tư công nên mất nhiều thời gian thực hiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án, giao chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án, bên cạnh đó yêu cầu nội dung kế hoạch 5 năm, hằng năm phải có mục tiêu, chỉ tiêu của từng CTMTQG, từng dự án, tiểu dự án thành phần nên công tác lập và giao kế hoạch mất nhiều thời gian. Chưa có cơ chế giao hoặc thông báo kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 5 năm 2021-2025 cho các CTMTQG, vì vậy địa phương gặp khó khăn trong xây dựng kế hoạch trung hạn của các nội dung vốn sự nghiệp  và cân đối vốn đối ứng thực hiện các Chương trình.

Các thành viên Đoàn giám sát tham dự Phiên họp thứ 3 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tính đến ngày 30/6/2023, các địa phương vẫn chưa giải ngân hết vốn năm 2022 chuyển sang, mặt khác vốn sự nghiệp thuộc ngân sách địa phương hiện chưa có văn bản hướng dẫn cho phép chuyển dự toán sang năm 2023, dẫn đến phải hủy dự toán, khó đảm bảo đủ kinh phí thực hiện khối lượng, nội dung công việc được giao.

Tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương theo quy định của trung ương cao trong khi nguồn thu ngân sách một số địa phương (huyện/xã) còn hạn chế nên khó khăn trong việc cân đối ngân sách địa phương để đảm bảo đối ứng theo quy định.

Ngoài ra, còn khó khăn trong việc huy động các nguồn lực; Năng lực cán bộ cấp cơ sở còn hạn chế so với yêu cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Chương trình.

Kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần tháo gỡ, giải quyết ngay để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG

Thay mặt Đoàn công tác số III, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện 3 CTMTQG; Chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp sớm sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các Thông tư, văn bản hướng dẫn, nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 27/2022/NĐ- CP.

Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, phân công trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn cụ thể, kịp thời đối với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các CTMTQG.

Thứ ba, sớm có phương án giao kế hoạch thực hiện nguồn vốn sự nghiệp hoặc thông báo nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 và 02 năm 2024 - 2025 để các địa phương chủ động trong công tác phân bổ vốn. Đồng thời nghiên cứu đối với đề xuất cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn các CTMTQG kế hoạch năm 2023 sang năm 2024 (bao gồm cả kế hoạch của năm 2022 chuyển sang năm 2023) để đảm bảo tiến độ thực hiện.

Thứ tư, nghiên cứu hướng dẫn cụ thể đối với việc lồng ghép các nguồn lực của 03 CTMTQG (trong đó chú trọng đến việc lồng ghép các nguồn vốn giữa các CTMTQG và lồng ghép giữa các CTMTQG với Chương trình, dự án khác); nghiên cứu có hướng dẫn bổ sung việc đối ứng từ ngân sách địa phương đối với các huyện nghèo.

Thứ năm, nghiên cứu về việc quy định cụ thể lộ trình, thời gian tiếp tục hỗ trợ chế độ an sinh xã hội cho người dân các xã thuộc Khu vực II, Khu vực III ít nhất là 03-05 năm sau khi đạt chuẩn NTM (chuyển sang Khu vực I) để giảm bớt khó khăn cho các xã ở miền núi, đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn nông thôn, đặc biệt đối với các đối tượng hộ dân tộc thiểu số, hộ mới thoát nghèo.

Thứ sáu, chỉ đạo các bộ, ngành phổ biến và tổ chức hướng dẫn, tập huấn Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 27/2022/NĐ-CP để các địa phương thực hiện đồng bộ tránh phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đại diện Đoàn công tác số III, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện 3 CTMTQG.

Đối với CTMTQG xây dựng nông thôn mới, Đoàn công tác số III đề nghị nghiên cứu, rà soát các tiêu chí, chỉ tiêu chưa phù hợp trong các Bộ tiêu chí xã NTM, xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng vùng, miền hoặc hướng dẫn lộ trình thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đó.

Giao Bộ NN&PTNT: (1) Nghiên cứu, đề xuất việc thống nhất chung một mô hình thành lập Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp ở các tỉnh trên phạm vi cả nước (về mô hình tổ chức bộ máy, số lượng nhận sự tối thiểu hoặc tối đa…); có chính sách hỗ trợ, phụ cấp đối với đội ngũ cán bộ, công chức thuộc hệ thống văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp; (2) Nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025…

Giao Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các vướng mắc của Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 quy định việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới đoạn 2021-2025; hạn chế viện dẫn các điều khoản ở các Thông tư khác để dễ nghiên cứu, thực hiện.

Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững, đề nghị xem xét ban hành chính sách cho phép các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo thuộc đối tượng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở từ CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được vay thêm nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung thêm vào kinh phí xây dựng nhà ở ngoài phần ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Đồng thời tiếp tục đổi mới mạnh mẽ việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, quan tâm cơ chế tạo nguồn vốn thực hiện chính sách tín dụng, nhất là nguồn vốn ủy thác từ các địa phương để mở rộng phạm vi, đối tượng thụ hưởng, nâng cao mức vốn vay, thời gian vay... phù hợp hơn với nhu cầu của người dân. Chỉ đạo sớm nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động.

Đối với CTMTQG phát triển vùng đồng bào DTTS&MN, nghiên cứu, đánh giá và có ý kiến đối với kiến nghị của 05 tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Ninh Thuận, Đắk Lắk và Thừa Thiên Huế và các địa phương khác về việc giao tổng kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện các CTMTQG, trong đó có CTMTQG 120, không giao dự toán chi tiết đến từng dự án và nguồn vốn theo từng dự án, lĩnh vực cụ thể để các địa phương chủ động trong triển khai thực hiện và bảo đảm việc giải ngân hết kế hoạch vốn được giao hàng năm.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, phân công trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn cụ thể, kịp thời đối với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương các năm 2022, 2023 đã được phân bổ cho Chương trình./.

Bích Ngọc