QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Tham gia ý kiến về vấn đề tranh chấp đất đai trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho biết, tại Điều 233 khoản 5 quy định "đối với trường hợp hòa giải tranh chấp đất đai quy định tại khoản 1, 2, 3 điều này mà hòa giải thành và có thay đổi hiện trạng về ranh giới, diện tích sử dụng đất thì cơ quan tổ chức thực hiện hòa giải gửi văn bản công nhận kết quả hòa giải đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng theo quy định" là phù hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên tự hòa giải, có thể tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân hoặc cá nhân với tổ chức, tức là không có bên thứ ba là cơ quan, tổ chức đứng ra trung gian hòa giải thì trường hợp hòa giải sẽ thực hiện như thế nào? Các bên tranh chấp tự hòa giải có cần thiết phải đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để xác nhận tính hợp pháp của biên bản tự hòa giải hay không? Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn về vấn đề này.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương tại phiên họp
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, đại biểu nêu rõ, Điều 234 dự thảo luật về cơ bản giữ nguyên thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như Luật Đất đai hiện hành, với định hướng vẫn mở rộng quyền của người dân trong việc lựa chọn cơ quan thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Trong trường hợp đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân hay Tòa án nhân dân đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu trường hợp tranh chấp đất mà đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không có tranh chấp tài sản gắn liền với đất thì Ủy ban nhân dân có thể giải quyết. Trường hợp tranh chấp đất mà không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có tranh chấp tài sản gắn liền với đất, nếu đương sự lựa chọn Ủy ban nhân dân giải quyết thì Ủy ban nhân dân chỉ có thể giải quyết phần tranh chấp đất, không thể giải quyết tranh chấp về tài sản nên đương sự cũng phải kiện ra tòa để giải quyết tranh chấp tài sản.
Do vậy, đề nghị xem xét quy định thêm trường hợp tranh chấp đất đai, đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì giao cho Tòa án nhân dân giải quyết. Quy định tại khoản 3 điều này, đại biểu bày tỏ thống nhất với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đề nghị xem xét lại quy trình và thủ tục đối với trường hợp các bên tranh chấp nếu không đồng ý với quyết định của Ủy ban nhân dân cấp dưới thì làm đơn khiếu nại, giải quyết gửi đến cơ quan Ủy ban nhân dân cấp trên, không phải là gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến Ủy ban nhân dân cấp trên. Nếu gửi đơn yêu cầu tranh chấp đến Ủy ban nhân dân cấp trên thì trình tự, thủ tục ra sao thì cũng chưa được quy định rõ trong luật.
Tại khoản 6 quy định Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất khi được Tòa án nhân dân yêu cầu để làm căn cứ giải quyết tranh chấp. Theo quy định tại khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ việc, vụ án dân sự.
Trong thực tiễn, nhiều trường hợp Tòa án đã có văn bản yêu cầu cơ quan liên quan cung cấp chứng cứ thì việc cung cấp thường rất chậm. Khi đã hết thời hạn giải quyết vụ án mà vẫn chưa cung cấp thì Tòa án phải tạm đình chỉ giải quyết, chờ kết quả cung cấp tài liệu làm cho vụ việc kéo dài, tăng bức xúc cho người dân. Do vậy, đề nghị cần có quy định chế tài mạnh mẽ hơn về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, các cơ quan liên quan trong việc cung cấp hồ sơ tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất khi được Tòa án nhân dân yêu cầu để làm căn cứ giải quyết tranh chấp.
Tham gia ý kiến về công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án độc lập, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị tách công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án độc lập. Đại biểu phân tích, thực tiễn triển khai dự án xây dựng đường Vành đai 4 vùng thủ đô cho thấy, việc tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần theo nghị quyết của Quốc hội đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện hoàn thành giải phóng mặt bằng. Sau gần 1 năm kể từ khi Quốc hội có nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành thu hồi mặt bằng được khoảng 651/789 hecta, đạt khoảng 81,5%, trong đó đã hoàn thành di dời 6.070 ngôi mộ, là khối lượng rất lớn, kỷ lục về mặt thời gian và tiến độ triển khai thực hiện. Ngày Chủ nhật 25/6/2023, dự án sẽ được khởi công thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường phát biểu
Tại Điều 92 của dự thảo luật sửa đổi lần này cũng đã xác định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập và trách nhiệm tổ chức thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư. Tuy nhiên, nội dung còn chung chung, khá sơ sài, chưa thực sự rõ. Để tạo điều kiện thuận lợi, triển khai thực hiện có hiệu quả việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án độc lập, đại biểu đề nghị:
Một là, cụ thể hóa nội dung quy định tại Điều 92 của dự thảo luật, trong đó cần lưu ý các vấn đề cụ thể hóa các trường hợp được tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án riêng và theo hướng mở để người quyết định đầu tư xem xét, quyết định cơ cấu, thành phần hồ sơ dự án này, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt cũng như vai trò, trách nhiệm các cơ quan chuyên môn trong quá trình thẩm định, phê duyệt loại dự án này.
Hai là, bổ sung đưa vào Mục 5 Chương VII trong dự thảo luật một điều quy định về quy hoạch, kế hoạch tái định cư gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trung hạn và hằng năm. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung chính sách để triển khai thực hiện đầu tư trước dự án xây dựng khu tái định cư theo hướng tổng thể, không nên triển khai chỉ sử dụng dành riêng cho 1 dự án cụ thể mà cần tạo lập quỹ đất tái định cư mang tính tập trung, đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật xã hội phục vụ tái định cư cho nhiều dự án trong cùng 1 khu vực, trong đó ngoài việc bố trí quỹ đất tái định cư phục vụ cho dự án đầu tư công mà còn tính đến việc nhà nước bán lại một số chỗ tái định cư đã hình thành cho các nhà đầu tư, phục vụ tái định cư cho người dân để thực hiện các dự án theo hình thức xã hội hóa.
Liên quan đến vấn đề chia sẻ điều tiết giá trị tăng thêm thửa đất do đầu tư hạ tầng, đại biểu cho rằng cần xem xét, bổ sung cơ chế chia sẻ giá trị tăng thêm từ đất đai sau khi đầu tư dự án hạ tầng giao thông đô thị, đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai. Đây là một công cụ rất quan trọng, không những để huy động nguồn lực tái đầu tư vào hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt các công trình có vốn đầu tư lớn mà tạo động lực để phát huy sự sáng tạo của các nhà đầu tư tư nhân.
Theo đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu xem xét, bổ sung đưa thêm vào nội dung quy định liên quan đến chia sẻ điều tiết giá trị tăng thêm từ đất do đầu tư hạ tầng vào Điều 14 dự thảo luật những vấn đề chính, cơ bản, tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa, quy định chi tiết nội dung này.