ĐBQH CHU THỊ HỒNG THÁI: NHẤT TRÍ MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG NHẬN CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

22/07/2023

Thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhất trí nhất trí với việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; đồng thời đề nghị quy định rõ, cụ thể nội dung, điều kiện áp dụng, phương pháp định giá đất.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 21/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Tại phiên thảo luận, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đánh giá cao dự thảo Luật Đất đai, sau khi tổng hợp lấy ý kiến nhân dân đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung, làm rõ được nhiều vấn đề còn có những bất cập, vướng mắc. Đại biểu cũng nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Nhất trí mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp

Quan tâm tới vấn đề về mở rộng đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa tại Điều 46, đại biểu nhất trí với việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa và nhất trí với Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉnh sửa quy định dự thảo luật theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó có tính đến đặc thù của các loại đất thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đối tượng nhận quyền chuyển nhượng là tổ chức phân biệt với đối tượng nhận chuyển nhượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp. Đồng thời có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa việc lợi dụng quy định này để đầu cơ đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến mục tiêu chính sách. Đối với trường hợp mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái tham gia phát biểu

Ngoài ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định với cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 4 dự thảo luật như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án quy định hạn mức nhận chuyển nhượng mức nào thì phải thành lập tổ chức kinh tế, hạn mức bao nhiêu thì không cần phải thành lập mà chỉ cần đảm bảo việc sử dụng đất đúng mục đích, không vi phạm pháp luật về đất đai. Bởi vì, đối với cá nhân nhận chuyển nhượng thì cũng sẽ có trường hợp nhận chuyển nhượng với diện tích không lớn mà yêu cầu phải thành lập tổ chức kinh tế thì sẽ không phù hợp.

Về phương pháp định giá đất tại Điều 158, đại biểu nhất trí với ý kiến đề nghị quy định rõ, cụ thể nội dung, điều kiện áp dụng, phương pháp định giá đất ngay trong dự thảo luật mà không giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong định giá đất.

Theo đại biểu, giá đất là nội dung quan trọng, ảnh hưởng lớn đến tất cả các tổ chức, cá nhân, cần được quy định trong luật để tránh cách áp dụng phương pháp khác nhau, dẫn đến giá khác nhau và trở thành nguyên nhân gây tranh chấp, khiếu kiện về đất đai. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cải tiến phương pháp định giá đất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, bảo đảm thực hiện theo nguyên tắc thị trường khi mà những phương pháp quy định trong dự thảo luật đều là những phương pháp đã áp dụng từ trong Luật Đất đai năm 2013 nhưng chưa giải quyết được vấn đề này.

Quy định rõ phát phiếu lấy ý kiến với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm hộ gia đình, cá nhân

Đóng góp ý kiến vào một số điều luật cụ thể, đại biểu cho biết, Điều 12 những hành vi bị cấm. Điểm a khoản 1 có nêu "không kịp thời tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định". Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa có căn cứ đánh giá tính kịp thời hay không kịp thời. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định tại Chương V quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nội dung về thời gian lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để có căn cứ đánh giá.

Điều 60 nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu đồng ý với ý kiến một số đại biểu về khoản 9 có nêu "các quy định sử dụng đất được lập đồng thời, quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước". Nội dung này chưa phù hợp với khoản 4 điều này là "quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên".

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng trường hợp quy hoạch cấp trên đang lập chưa xong thì được lập đồng thời để tránh lãng phí về thời gian, kinh phí, nếu quy hoạch cấp dưới được phê duyệt trước nhưng lại không phù hợp với quy hoạch của cấp trên thì phải điều chỉnh lại.

Điều 70 lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Điểm a khoản 3 có nêu "tổ chức hội nghị, hội thảo và phát phiếu lấy ý kiến của các hộ gia đình, cá nhân đại diện cho các xã, phường, thị trấn". Nội dung này đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, quy định rõ phát phiếu lấy ý kiến với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm hộ gia đình, cá nhân trong xã, phường, thị trấn, vì trên thực tế khi xảy ra các vấn đề về thu hồi đất, nhiều hộ dân cho rằng chưa được lấy ý kiến và cũng tránh tình trạng cơ quan chuyên môn lấy ý kiến không đủ, không đúng thành phần và không đúng quy trình. Nội dung này cũng cần quy định rõ đối tượng đại diện là ai để đảm bảo đúng thành phần.

Điểm c về thời gian lấy ý kiến, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm cụm từ "tối đa" hoặc là "tối thiểu" vào trước thời gian để làm rõ nghĩa. Ví dụ, quy định lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 30 ngày, vậy trong vòng 30 ngày phải lấy ý kiến xong hay là nếu xong trước 30 ngày có được không hay là còn có ý nghĩa khác. Do vậy, cần bổ sung thêm cụm từ trên để quy định rõ hơn và cũng dễ dàng hơn trong quá trình thực hiện.

Điều 71 thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung về phương pháp thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thẩm quyền của Hội đồng, trách nhiệm của các cơ quan tham gia thẩm định để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong hoạt động thẩm định.

Điều 88 cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất. Điểm b khoản 1 có nêu "trong thời gian 15 ngày trước và sau Tết Nguyên đán. Đề nghị sửa thành trong 15 ngày trước và sau Tết Âm lịch để thống nhất với quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2015.

Điều 233 hòa giải tranh chấp đất đai. Khoản 5 quy định đối với trường hợp hòa giải tranh chấp đất đai quy định tại khoản 1, 2 và 3 điều này mà hòa giải thành và có thay đổi hiện trạng về ranh giới diện tích người sử dụng đất thì cơ quan, tổ chức thực hiện hòa giải gửi văn bản công nhận kết quả hòa giải thành đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký cấp giấy chứng nhận theo quy định. Đại biểu đề nghị bổ sung thời hạn gửi văn bản công nhận kết quả hòa giải và thời hạn cấp giấy chứng nhận để đảm bảo tính kịp thời.

Minh Hùng