GIÁM SÁT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA - KHUYẾN KHÍCH ĐỊA PHƯƠNG NGHIÊN CỨU KIẾN NGHỊ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

22/07/2023

Trong những ngày tháng 7, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm trưởng đoàn đã có các cuộc làm việc, khảo sát thực tế tại một số tỉnh miền núi về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Nhiều khó khăn, vướng mắc đã được ghi nhận, tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng đưa ra khuyến nghị các địa phương cần nghiên cứu, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội cơ chế đặc thù trong việc triển khai thực hiện các Chương trình trên địa bàn để thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện Chương trình.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI, THƯỢNG TƯỚNG TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH HÀ GIANG

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG LÀM VIỆC VỚI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Phát huy nhân rộng cách làm hay, tạo sức bật từ các Chương trình mục tiêu quốc gia

Là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, với 25 dân tộc cùng sinh sống và địa hình chủ yếu là đồi núi cao, nhưng Lào Cai được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước trong triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.qua thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, cùng nỗ lực của Đảng bộ các cấp và sự đồng hành của Nhân dân, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Lào Cai đã có sức bật và những đổi thay rõ nét.

Ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai báo cáo với Đoàn giám sát QH

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết, để triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia đồng thời với việc ban hành các văn bản theo hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành trên 230 văn bản quy định về cơ chế, chính sách, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Theo đó, sau 2 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Với Chương trình giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 5,82% (tương ứng giảm 9.771 hộ nghèo), đứng thứ 8 về giảm nghèo ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Với Chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh hiện có 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, 177 thôn kiểu mẫu, 237 thôn nông thôn mới… Với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chỉ tiêu giảm nghèo vùng đồng bào năm 2022 đạt 7%, vượt 1 điểm phần trăm so với chỉ tiêu Trung ương giao; có 4/33 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, đạt 12% kế hoạch Trung ương giao cho cả giai đoạn…

Đặc biệt, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, quá trình thực hiện các Chương trình đã tạo bước chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn. Lào Cai thường xuyên kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như giao nhiệm vụ, phân công người chịu trách nhiệm, đôn đốc thực hiện trong quá trình triển khai các Chương trình, nhờ đó, kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022 đều vượt xa mục tiêu Trung ương giao. Nhờ đó, kết quả giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình năm 2022 đạt tỷ lệ khá cao, nhất là vốn đầu tư phát triển đạt 92,8%. Lào Cai đã xác định rõ việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Lào Cai

Qua khảo sát, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao Lào Cai khi xây dựng được nhiều mô hình sản xuất mới. Đời sống bà con nhân dân đang được cải thiện và nâng cao. Điều này góp phần tạo động lực và niềm tin cho Nhân dân với việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Điều này đưa Lào Cai là địa phương dẫn đầu cả nước trong triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Bởi, dù nguồn lực không nhiều, nhưng Lào Cai đã xác định đúng việc triển khai 3 Chương trình là trọng điểm, trọng tâm của nhiệm vụ chính trị. Thực tế việc triển khai 3 Chương trình là để phát triển kinh tế của địa phương, nên quan trọng là tư duy, cách nghĩ và cách làm như thế nào, không nên tách bạch riêng mà cần có sự thống nhất. Mục tiêu khi triển khai các Chương trình chính là tạo “cú hích” để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và việc thực hiện đúng thì “cú hích” này sẽ kéo theo sự phát triển. Phó Chủ tịch Quốc hội, thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị Lào Cai cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu là địa phương điển hình trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương giám sát thực địa tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Còn với tỉnh Thừa Thiên Huế, sau 2 năm triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh, hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có bước khởi sắc.Các mô hình ứng dụng công nghệ cao dần được hình thành và phát triển; công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn đã được quan tâm đầu tư; chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang dần được mở rộng ở các địa phương; chương trình du lịch nông thôn và công tác chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh được tỉnh quan tâm đầu tư và được các địa phương và người dân hưởng ứng; các nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường từng bước được quan tâm, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn phát triển theo hướng lành mạnh hơn, văn minh hơn; hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường và củng cố; an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn tiếp tục được giữ vững. Đời sống của nhân dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện.Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm theo chuẩn nghèo đa chiều 5,12% (theo Kế hoạch đặt ra là 4%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 5,87%... Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá đây là kết quả ấn tượng với một tỉnh đặc thù, vùng cao, núi đá, địa hình chia cắt, còn rất nhiều khó khăn như tỉnh Hà Giang.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu, nhiệm vụ phấn đấu đến năm 2025 thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh có 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 3%, 4 xã và 3 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, 1 huyện thoát khỏi huyện nghèo, 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn lại 2,0-2,2% là khả thi.

Việc giải ngân nguồn vốn để triển khai các dự án, tiểu dự án còn mức độ

Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn từ những chương trình mục tiêu Quốc gia mang lại cho sự phát triển kinh tế xã hội các địa phương miền núi nhưng đoàn giám sát cũng ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ từ các bộ, ngành Trung ương để có thể tăng tốc, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, bù lại thời gian chậm trễ vừa qua, như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại kết luận phiên chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua.

Khó khăn lớn đối với Lào Cai hiện nay trong thực hiện các Chương trình là vẫn còn một số bộ, ngành Trung ương chưa ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần. Đơn cử, hiện chưa ban hành danh sách thôn được đầu tư thuộc tiểu dự án 1 - Dự án 9; chưa ban hành Bộ tài liệu tập huấn thực hiện tiểu dự án 4; chưa có văn bản hướng dẫn về đối tượng “người lao động có thu nhập thấp” để triển khai Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững (Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn)...

Để khắc phục vấn đề này, trước mắt Lào Cai xác định sẽ tập trung chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực cho các xã, thôn phấn đấu thoát diện đặc biệt khó khăn. Đối với các xã đã được công nhận hoàn thành nông thôn mới sẽ tiếp tục thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Cùng với đó, tỉnh rà soát, đánh giá và xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của xã nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình “thôn kiểu mẫu” và “thôn nông thôn mới”…

Một vướng mắc khác được Đoàn giám sát ghi nhận tại tỉnh Hà Giang. Dù tỉnh Hà Giang hiện đã phân bổ 100% kế hoạch vốn cho các địa phương, đơn vị thực hiện. Tính đến ngày 30.6.2023 đã giải ngân được 287.078 triệu đồng, đạt 65% kế hoạch, trong đó, giải ngân vốn đầu tư phát triển 266.209 triệu đồng, đạt 71,4% kế hoạch; giải ngân vốn sự nghiệp 20.869 triệu đồng, đạt 30,4% kế hoạch. Tuy nhiên theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Hà Giang thì thực tiễn triển khai, Hà Giang vẫn gặp khó khăn, hạn chế như: kết quả thực hiện chưa đồng đều ở các địa phương, một số đơn vị tiến độ thực hiện chậm; đặc biệt là một số dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc triển khai thực hiện một số chương trình, dự án, đặc biệt dự án hỗ trợ sản xuất, nhân rộng mô hình được triển khai ở các địa phương hiệu quả chưa cao…

Từ đó lãnh đạo tỉnh Hà Giang kiến nghị, cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ để bảo đảm đủ nguồn lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Bổ sung nguồn vốn viện trợ, các tổ chức quốc tế để đầu tư các công trình thiết yếu nhằm phục vụ cho nhân dân các xã đặc biệt khó khăn. Xem xét ban hành chính sách cho phép các hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng hỗ trợ nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được vay thêm nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để bổ sung thêm vào kinh phí xây dựng nhà ở ngoài phần ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương báo cáo kết quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Địa phương khác như Thừa Thiên Huế thì đến thời điểm ngày 19/7/2023 tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn mới chỉ đạt 34,2%. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, khó khăn vướng mắc trong áp dụng các quy định quản lý, tổ chức thực hiện từng Chương trình  mục tiêu Quốc gia chưa thể giải ngân nhanh dự toán vốn sự nghiệp ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình do chưa có hướng dẫn đầy đủ của Trung ương hoặc còn nội dung hướng dẫn chưa thống nhất giữa các văn bản do Bộ, cơ quan Trung ương ban hành. 

Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục rà soát, xây dựng ban hành hoặc đề xuất Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh ban hành hệ thống văn bản quy định thống nhất, đồng bộ đối với quản lý, tổ chức thực hiện 3 CTMTQG trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có tính kết nối, gắn với chuỗi giá trị, thực hiện theo cơ chế đặc thù, các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt và các công trình cấp thiết khác có quy mô liên huyện, liên xã, liên thôn giúp kết nối thị trường, hỗ trợ sản xuất, cải thiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt ở những địa bàn có điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn như huyện A Lưới. Chỉ đạo quyết liệt, đưa ra các tiến độ cụ thể; tập trung các giải pháp khắc phục những vướng mắc, khó khăn nhất là các thủ tục, hồ sơ thực hiện dự án đầu tư phát triển. 

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cũng kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phổ biến và tổ chức hướng dẫn, tập huấn để địa phương thực hiện đồng bộ tránh phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm có giải pháp xử lý dứt điểm, ban hành văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện các nội dung còn vướng mắc trong áp dụng các Thông tư, văn bản do cấp Bộ ban hành phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, không trái quy định pháp luật. 

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại cuộc làm việc

Làm rõ thêm một số vấn đề, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc thực hiện 3 CTMTQG. Theo đó, để triển khai các chương trình, cần sớm có các văn bản hướng dẫn của Trung để làm cơ sở cho địa phương triển khai dự án.

Khuyến nghị các địa phương sớm nghiên cứu, kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Quốc hội về cơ chế đặc thù

Chia sẻ với những khó khăn trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương như chậm giao vốn, hay các bộ, ngành chậm ban hành văn bản hướng dẫn, chưa kể điều kiện, nguyên tắc, tiêu chí thực hiện các dự án còn mới và phức tạp..., Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị, Cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát hơn nữa, phát huy và nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả trong triển khai thực hiện các Chương trình. Đặc biệt là quyết tâm giải ngân 100% vốn và hoàn thành mục tiêu của các Chương trình đúng thời hạn, hạn chế thấp nhất việc chuyển nguồn sang năm 2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương trò chuyện với  người dân huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trước mắt để tháo gỡ việc chậm tiến độ, Đoàn giám sát đề nghị, các địa phương tích cực rà soát các văn bản, làm rõ hơn nữa các kết quả triển khai trong thực tiễn, các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị; Rà soát danh mục dự án đầu tư, có cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện. Tiếp tục đối chiếu làm rõ kết quả, hạn chế trong việc phân bổ, giải ngân từng tiểu dự án, dự án; phối hợp chặt chẽ với các ngành cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ các văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án. Đồng thời, rà soát lại các tiêu chí về nông thôn mới; Nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh tiêu chí cho phù hợp với đặc điểm tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng khó khăn, vùng cao bằng cơ chế đặc thù trong việc triển khai thực hiện các Chương trình trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; Nghiên cứu cơ chế, giải pháp để lồng ghép việc triển khai thực hiện các Chương trình trên cùng một địa bàn cấp huyện, xã cũng như cơ chế phân cấp, phân quyền chủ đầu tư cho cấp xã và cộng đồng trong triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án theo phương châm “Nhà nước có công trình, Dân có việc làm”. Đồng thời, đánh giá đúng, bảo đảm khách quan, thực chất trong rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm để có giải pháp hỗ trợ, đầu tư phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương và Đoàn giám sát của Quốc hội khảo sát mô hình trồng chè tại huyện Mường Khương, Lào Cai

Nhấn mạnh tinh thần "Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ và địa phương". Từ thực tế giám sát, Đoàn giám sát đã ghi nhận những khó khăn khách quan từ Trung ương. Đó là việc ban hành, điều chỉnh, sửa đổi một số cơ chế, chính sách còn chậm so với yêu cầu thực tiễn. Trong khi đó, có tình trạng “3 Thông tư dẫn chiếu 324 lượt điều, khoản” hay tình trạng hướng dẫn “lằng nhằng” đang làm khó cho địa phương triển khai thực hiện. Thực tế này cũng cần sớm tháo gỡ để thuận lợi triển khai thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân từ việc Trung ương giao vốn chậm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở các địa phương. Một số chỉ tiêu còn mâu thuẫn, nhất là nội dung về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Trong công tác giảm nghèo, việc triển khai và giải ngân nguồn kinh phí thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình còn chậm do nguồn kinh phí thực hiện được phân bổ vào thời điểm giữa năm 2022. Đáng nói là, các yêu cầu về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện các dự án đòi hỏi nhiều thời gian thực hiện, trong quá trình triển khai, một số vướng mắc về quy định, hướng dẫn thực hiện đã dẫn đến kéo dài thời gian giải ngân...

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang.

Những điểm sáng, hay vướng mắc được ghi nhận qua thực tế sẽ là cơ sở để Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với với bộ, ngành, địa phương về việc triển khai thực hiện các Chương trình. Sẽ còn những “cách làm hay” được chia sẻ, lan tỏa, nhân rộng, những vướng mắc cũng được chỉ ra để có những giải pháp tháo gỡ. Tin rằng, trong quá trình giám sát, những vướng mắc được thẳng thắn chỉ rõ, cùng với đó là những kiến nghị giải pháp hữu hiệu sẽ giúp việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về đích đúng hẹn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của cả nước trong thời gian tới.

Hải Yến