ĐBQH CHÂU QUỲNH DAO: TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN ĐỂ NHẬN THỨC RÕ VỀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA HỆ THỐNG Y TẾ DỰ PHÒNG

09/06/2023

Thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền để hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức rõ về tầm quan trọng của hệ thống y tế dự phòng.

PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho biết, các cấp, các ngành đã nhất quán quan điểm y tế dự phòng là then chốt, bởi vì y tế dự phòng có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho người dân, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trân trọng những gì thể hiện trong báo cáo về những nỗ lực, những thành tựu y tế dự phòng đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, có 2 vấn đề đại biểu rất trăn trở, đại biểu cho biết, về công tác phòng bệnh, trong báo cáo cũng như trong thực tế, nói đến phòng bệnh thì chúng ta tập trung nhiều vào các bệnh truyền nhiễm, trong khi đó gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm lại chiếm tỷ lệ 70% trên tổng số gánh nặng bệnh tật trong cả nước và ước tính mỗi một năm như vậy thì tỷ lệ các ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm trên 74% trên tổng số các ca tử vong.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Dịch bệnh COVID-19 không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, tỷ lệ các ca tử vong phần lớn mắc bệnh nền, những bệnh nền đó là những bệnh không lây nhiễm, tim mạch, ung thư, tiểu đường, rồi bệnh phổi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến gây quá tải ở các bệnh viện. Theo báo cáo của Tổng cục Dân số, tỷ lệ tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam ở mức cao, trên 73 tuổi, nhưng tỷ lệ tuổi thọ sống tốt, sống khỏe chỉ có 64, thấp nhất so với các nước trong khu vực, đây là điều đáng lưu tâm, trong đó có thêm 67/67% người cao tuổi chất lượng cuộc sống rất thấp, bị đau yếu liên miên do bị mắc một số bệnh không lây nhiễm như các bệnh đại biểu vừa đề cập lúc nãy. Đây là một trong những điểm cần lưu tâm, bởi vì xu hướng đã trẻ hóa những lứa tuổi mắc bệnh này.

Chúng ta thấy rằng nguyên nhân có thể do một số người dân đồng bào vùng sâu, vùng xa hoàn cảnh khó khăn, nên chưa chú ý đến công tác phòng dịch, đại bộ phận người dân chưa hiểu rõ, thậm chí rất mơ hồ về các nguy cơ dẫn đến bệnh không lây nhiễm, đó là cuộc sống có hại cho sức khỏe, ví dụ như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, rồi dinh dưỡng không hợp lý, v.v. trong đó có yếu tố môi trường. Đây là một trong những điều ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng dịch. Thậm chí, nguyên nhân vẫn là ý thức chủ quan chưa thực hiện một cách thông suốt về vấn đề phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Về y tế dự phòng, nguồn nhân lực phục vụ cho tế dự phòng chỉ đáp ứng được 42% phục vụ, trong khi đó tỷ lệ lao động ở Việt Nam của chúng ta là trên 55 triệu người. Hiện tại số làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm ngày một tăng. Đồng thời, đại biểu cũng băn khoăn về sự không thống nhất giữa các quy định về đào tạo, mô tả vị trí, chức năng nghề nghiệp cũng như các quy định liên quan đến vấn đề tổ chức hiện nay. Đại biểu lấy ví dụ, ở khoản 2 Điều 15 Nghị định 99/2019 quy định "không còn bằng bác sĩ y học dự phòng", trong khi thực tế hiện nay vẫn còn một số chức danh, vị trí nghề nghiệp ở trung tâm kiểm soát bệnh tật.

Trong dự thảo nghị định quy định về đào tạo đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe hiện đang xây dựng chưa đề cập đến đào tạo bác sĩ y học dự phòng là một chuyên khoa. Thực tế, bác sĩ y học dự phòng chúng ta vẫn chưa thực hiện đúng như các vị trí, chức năng nghề nghiệp mô tả, phạm vi hoạt động nghề nghiệp cũng bị bó hẹp và việc không cấp được chứng chỉ hành nghề cho những chuyên khoa dự phòng, như dinh dưỡng. Chưa kể đến những bất cập các đại biểu đã trình bày và trong báo cáo cũng thể hiện rõ về vấn đề cơ chế tài chính và vấn đề chính sách thu hút nguồn nhân lực, về vấn đề đầu tư cho trang thiết bị, cơ sở vật chất. Khách quan mà nhìn nhận, chúng ta đã nỗ lực rất lớn để thực hiện đúng y tế dự phòng là then chốt nhưng nỗ lực của chúng ta hiện tại y tế dự phòng vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân trong một tình thế rất cấp bách là chúng ta chịu ảnh hưởng an ninh phi truyền thống về vấn đề bệnh tật, về mô hình bệnh tật cũng đã có sự thay đổi.

Để giải quyết vấn đề này, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, địa phương đồng bộ thực hiện tốt các giải pháp. Đầu tiên là công tác tuyên truyền, tăng cường để cả hệ thống chính trị, nhất là người dân hiểu được tầm quan trọng của y tế dự phòng và tự bản thân mình phải biết được các nguy cơ dẫn đến bệnh truyền nhiễm và đặc biệt là bệnh không lây nhiễm thì chỉ có khi nào tự mình kiểm soát, tự mình quản lý sức khỏe của mình thì đây là một kênh rất quan trọng, giải pháp quan trọng đầu tiên.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống bệnh không lây nhiễm mà hiện tại chúng ta vẫn còn những khoảng trống. Ví dụ như là chưa chú trọng tổng thể tới công tác phòng bệnh, thiếu các quy định về đảm bảo dinh dưỡng cộng đồng, chính sách tăng cường vận động thể lực cho người dân và đại biểu kiến nghị sửa đổi một số bộ luật có liên quan, Luật Bảo hiểm y tế, Luật An toàn thực phẩm và thực hiện những đề án mà chúng ta cũng đã và đang làm tăng cường đó là đề án về tăng cường vận động thể lực cho người dân.

Ngoài ra, liên quan đến chính sách thu hút nguồn nhân lực từ khâu đào tạo, từ khâu tuyển dụng, tuyển dụng từ khâu quản lý và sử dụng, cần quy định chặt chẽ về văn bằng, chứng chỉ và quy định về đào tạo, quy định cả về chính sách như thế nào để đội ngũ này yên tâm làm công tác và hoàn thành tốt thiên chức của mình.

Minh Hùng