TĂNG CƯỜNG TIỀM LỰC, CỦNG CỐ VỮNG CHẮC NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN

09/06/2023

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, dự án luật sẽ góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng.

ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH HỌP PHIÊN TOÀN THỂ, THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đây là dự án luật quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ tổ quốc. Trước đó, để chuẩn bị cho ý kiến về dự án luật này, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự giai đoạn 2018-2022 trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lý Thị Lan, Trưởng đoàn khảo sát làm việc với các lực lượng vũ trang tỉnh Hà Giang

Thời gian qua, lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng tỉnh Hà Giang đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đem lại hiệu quả thiết thực. Thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các nội dung của pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự cho toàn thể nhân dân. Quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều hạng mục công trình. Làm tốt công tác giáo dục quốc phòng an ninh cho các đối tượng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang tỉnh, thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Đồng thời, thực hiện tốt việc phát triển KT-XH gắn với củng cố quốc phòng an ninh. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng và khu quân sự.

Tại buổi làm việc, đoàn khảo sát quan tâm đến những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đã tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của các đơn vị được khảo sát để nghiên cứu góp ý vào dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự trước khi hoàn thiện trình Quốc hội. Đồng thời, yêu cầu lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng tỉnh cần đánh giá cụ thể hơn tác động của chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đối với các lĩnh vực. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ đất quốc phòng bảo đảm sát đúng với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ và yêu cầu thực tiễn. Đối với các địa phương quan tâm nhiệm vụ quản lý, sử dụng đất quốc phòng và công trình quốc phòng. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục tới cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, lực lượng vũ trang và nhân dân hiểu rõ về vị trí, vai trò của công trình quốc phòng và khu quân sự; nâng cao ý thức tự giác trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tại các hội thảo về dự án luật này, nhiều ý kiến bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, để thay thế cho Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Pháp lệnh) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 1994, để đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới. 

Đại tá Cao Văn Phát, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh vẫn còn một số vướng mắc, bất cập như: việc xác định vị trí, ranh giới bao vệ công trình quốc phòng và khu quân sự chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; còn xảy ra tình trạng lấn chiếm, xâm canh trái phép phạm vi được giao quản lý, bảo vệ; công tác phối hợp với các địa phương với các đơn vị Quân đội trong xác định phạm vi, ranh giới để tổ chức quản lý, bảo vệ chưa được triển khai đồng bộ. Việc xây dựng các quy hoạch, cấp phép hoạt động một số dự án phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý người nước ngoài cư trú ở một số địa phương, khu vực có liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự chưa chặt chẽ... Bên cạnh đó, thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. 

Quang cảnh Hội thảo. 

Vì vậy, việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết, nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của Pháp lệnh, hoàn thiện quy định về nội dung quản lý và xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, làm cơ sở tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ; xây dựng chính sách đối với các khu vực bị hạn chế các hoạt động do yêu cầu của công tác bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trinh quốc phòng và khu quân sự; bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thống nhất với các đại biểu về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, ông Nguyễn Văn Cầu, Phó trưởng Phòng Pháp chế, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Dự thảo Luật đáp ứng yêu cầu chính trị trong tình hình mới nhằm góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng. 

Dù thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thay cho Pháp lệnh, các đại biểu dự Hội thảo cho rằng, Dự thảo Luật cần tiếp tục được nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tiễn và thống nhất với các quy định chung của pháp luật liên quan.

Theo nhiều đại biểu, Dự thảo Luật chỉ có 6 chương, 33 điều nhưng có tới hơn 14 điều, khoản có nội dung giao cho Chính phủ, các Bộ, UBND tỉnh quy định, hướng dẫn. Ban soạn thảo Dự thảo Luật cần rà soát, quy định cụ thể, chi tiết hơn nhằm hạn chế tình trạng khi Luật có hiệu lực sẽ mất thời gian chờ hướng dẫn áp dụng Luật và nâng cao tính khả thi triển khai Luật trên thực tiễn.

Đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh góp ý Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự. 

Quan tâm đến sự thống nhất của hệ thống pháp luật, ông Nguyễn Văn Cầu nhấn mạnh đến việc Dự thảo Luật cần được nghiên cứu chỉnh sửa trên nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp và thống nhất với các quy định pháp luật liên quan. Cụ thể như những quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 20 đề cập đến "quyền hạn của lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc Bộ Quốc phòng được tạm giữ người, đồ vật, phương tiện ra, vào khu vực cấm, khu vực bảo vệ khi có căn cứ cho rằng người, đồ vật, phương tiện đó có nguy cơ nguy hại đến an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự", cần được xây dựng đảm bảo các chế định về bắt giữ người vi phạm, tội phạm được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Minh Hùng