ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: HẠN CHẾ RÚT BHXH MỘT LẦN GÓP PHẦN TẠO GIÁ ĐỠ VỮNG CHẮC CHO TUỔI GIÀ

07/06/2023

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn thuộc nhóm lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, việc duy trì đóng bảo hiểm xã hội sẽ giúp người lao động đảm bảo lương hưu và bảo hiểm y tế - tạo được giá đỡ vững chắc cho tuổi già.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 6/6: QUỐC HỘI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: CHỦ HỘ SẢN XUẤT, KINH DOANH CÁ THỂ CẦN ĐƯỢC THAM GIA BHXH BẮT BUỘC

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Phóng viên: Một vấn đề nhận được nhiều chất vấn tại nghị trường đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội là việc giảm thời gian đóng để được hưởng lương hưu và nhận bảo hiểm xã hội một lần. Ý kiến của bà về vấn đề này ra sao?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Thứ nhất, đối với việc giảm thời gian đóng để hưởng lương hưu, việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu (dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang quy định là 15 năm) nhằm mở ra cơ hội để người lao động khi hết tuổi lao động mà chỉ tích lũy được từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu, qua đó mở rộng diện bao phủ hưu trí tuổi già.

Tôi cho rằng đây là điều rất quan trọng đối với mỗi người vì nó giảm bớt sự phụ thuộc vào gia đình, xã hội. Tất nhiên, theo nguyên tắc đóng - hưởng thì mức hưởng của nhóm đối tượng này là khiêm tốn. Chúng ta cần chấp nhận thực tế là thà có nhiều người được hưởng lương hưu với mức thấp còn hơn không có. Đi kèm với lương hưu là bảo hiểm y tế, đây là giá đỡ rất vững chắc cho tuổi già. 

Thứ hai, về nhận bảo hiểm xã hội một lần. Đây đang là vấn đề hết sức nhức nhối. Theo tổ chức ILO, Việt Nam là nước duy nhất có chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần.  Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có đến 80% số người nhận bảo hiểm xã hội 1 lần là ở độ tuổi từ 20 đến 40. Đây là một nghịch lý. Vì khi còn trẻ, còn đủ khả năng lao động để tạo thu nhập thì chúng ta lại sử dụng hết “của để dành” cho tuổi già.

Tôi cho rằng, tình trạng này không nên được khuyến khích mà cần phải được hạn chế tối đa việc nhận bảo hiểm xã hội một lần. Vì việc tham gia bảo hiểm xã hội là nhằm bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp người lao động lúc về già, nếu ai cũng muốn rút bảo hiểm xã hội một lần thì thì khi về già cuộc sống không có lương hưu, bảo hiểm y tế sẽ thế nào. Việc nhận bảo hiểm xã hội một lần làm mất đi chức năng xã hội của chính sách an sinh xã hội.

Với những ý kiến cho rằng việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm gia tăng số người nhận bảo hiểm xã hội một lần vì họ sẽ tính toán nhận bảo hiểm xã hội một lần sao cho đến độ tuổi nào đó họ tiếp tục tham gia đủ 15 năm để hưởng lương hưu, tôi cho rằng đây là toan tính sai lầm vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội càng dài thì mức lương hưu càng cao và điều này rất quan trọng khi về già, khi mà khả năng tạo thu nhập khi về già của chúng ta đã giảm sút hoặc không còn. Lương hưu cao cùng với bảo hiểm y tế sẽ là chỗ dựa vững chắc cho người lao động khi về già. 

Phóng viên: Một thực tế hiện nay là người lao động trực tiếp sản xuất ngoài 40 tuổi bị các nhà máy "chê", khó tìm việc nên họ muốn được hưởng lương hưu sớm. Đại biểu có góp ý gì về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Chúng ta có khái niệm về độ tuổi lao động. Việc xác định độ tuổi lao động phải dựa trên những căn cứ khoa học xác đáng. Theo tôi, đang có sự lẫn lộn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghề là khả năng làm việc của người lao động trong ngành nghề cụ thể đến tuổi nào (hoặc bao nhiêu năm), còn tuổi nghỉ hưu (hưu trí tuổi già) là tuổi khi hết tuổi lao động. Tuổi nghỉ hưu 55 đối với nữ và 60 đối với nam, và chúng ta đã duy trì suốt 60 năm.

Tuy công nhân ngoài 40 tuổi có thể khó tìm việc làm trong các nhà máy nhưng nếu họ vẫn trong độ tuổi lao động, vẫn còn sức khoẻ thì họ vẫn cần làm các công việc khác để tạo thu nhập, duy trì cuộc sống. Nếu đồng nhất tuổi nghề với tuổi nghỉ hưu thì xin hỏi tuổi nghỉ hưu của vận động viên thể dục dụng cụ, diễn viên xiếc, cầu thủ bóng đá là bao nhiêu?

Phóng viên: Có nhiều ý kiến cho rằng, người lao động bị "treo" quyền lợi khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội đã dẫn đến tình trạng người lao động tìm cách từ chối tham gia vào hệ thống. Bà có đề xuất giải pháp gì bảo vệ quyền lợi người lao động?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Theo tôi, để doanh nghiệp không nợ bảo hiểm xã hội đồng nghĩa với việc người lao động sẽ không bị thiệt thòi về quyền lợi thì cơ quan bảo hiểm xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước một mặt cần tăng cường công tác tuyên truyền đến đơn vị sử dụng lao động, người lao động, mặt khác tập trung công tác thanh tra chuyên ngành theo thẩm quyền, hoặc tham mưu, phối hợp với các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị chây ì, chậm đóng bảo hiểm xã hội; thậm chí chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra đối với các đơn vị có dấu hiệu trốn đóng bảo hiểm xã hội.  

Bộ luật hình sự đã quy định tội liên quan đến trốn đóng bảo hiểm xã hội, chậm đóng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên hầu như chưa xử lý được thì điều này cũng phải xem xét, phải sửa đổi pháp luật bảo hiểm xã hội tăng chế tài xử phạt để đảm bảo tính răn đe; đồng thời phải tăng trách nhiệm các cơ quan quản lý về bảo hiểm xã hội liên quan không để tình trạng doanh nghiệp chậm đóng kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, trước tiên cần có những giải pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động khi đơn vị phá sản, dừng hoạt động.

Bên cạnh đó, bản thân người lao động cũng nên theo dõi xem doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội cho mình đúng hạn không. Hiện nay có thể theo dõi quá trình đóng trên app VSSID nên kiểm tra thông tin này không khó khăn. Nếu thấy doanh nghiệp đóng không đầy đủ, chậm đóng thì người lao động có thể phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động để quyền lợi được đảm bảo. 

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương