ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHẤT VẤN VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ GTVT VỀ TÌNH TRẠNG THIẾU HỤT ĐĂNG KIỂM VIÊN

07/06/2023

Những sai phạm liên quan đến hoạt động đăng kiểm, đặc biệt là thiếu hụt đăng kiểm viên tại các trung tâm đăng kiểm trong cả nước gây ra tình trạng tắc nghẽn, bức xúc trong dư luận. Tâm tư, kiến nghị của cử tri đã được đại biểu Quốc hội chất vấn, đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giải trình làm rõ, nhất là trách nhiệm của Bộ; chủ động đưa ra các giải pháp trong điều kiện thiếu đăng kiểm viên hiện nay.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 7/6: QUỐC HỘI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Trong phiên chất vấn đối với lĩnh vực giao thông vận tải, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình nêu thực tế trong thời gian qua, tại các tỉnh có vi phạm tại các trung tâm đăng kiểm, nhiều nơi đã đóng cửa gây bức xúc và khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Qua tiếp xúc cử tri đã có rất nhiều ý kiến kiến nghị, đề nghị tạo điều kiện để được mở lại các trung tâm này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu các giải pháp để sớm triển khai thực hiện nội dung này.

Trả lời ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, thời gian qua, các cán bộ của trung tâm đăng kiểm tại các địa phương bị khởi tố, nên thường những trung tâm này không mở lại vì thiếu cán bộ, thiếu đăng kiểm viên. Những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm vừa qua hết sức nghiêm trọng, đã gây ra các hệ lụy rất lớn; Nhân dân, doanh nghiệp cũng phải chờ đợi vất vả trong hoạt động đăng kiểm. Theo thống kê, có tới 600 lãnh đạo Cục Đăng kiểm, trung tâm đăng kiểm, cán bộ, công chức, viên chức, đăng kiểm viên bị khởi tố; 281 đơn vị đăng kiểm, có tới 106 Trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình

Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm này, cả nước còn 2 tỉnh là Bắc Kạn và Hòa Bình chưa mở lại được. Đối với tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng đã trực tiếp làm việc với đồng chí Bí thư tỉnh ủy và đồng chí Giám đốc Sở về việc mở lại trung tâm đăng kiểm. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải trực tiếp hỗ trợ cho địa phương đào tạo một đồng chí do địa phương giới thiệu đào tạo, thi tuyển và cấp chứng chỉ để về giữ cương vị lãnh đạo của trung tâm đăng kiểm, dự kiến sẽ sớm mở lại trung tâm đăng kiểm tại địa phương này.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng nguyên nhân thiếu hụt nhân viên đăng kiểm cũng có một phần trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải nhưng Bộ trưởng chưa chỉ ra.

Trong báo cáo của Bộ gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 cũng nêu tình trạng ùn ứ phục vụ Nhân dân cũng như khủng hoảng hoạt động đăng kiểm. Đại biểu băn khoăn liệu đây có phải là trách nhiệm chậm trễ trong việc không chủ động hoặc chưa phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan để kịp thời đưa ra phương án ứng phó thay thế, trước khi dẫn đến tình huống phải tạm dừng hoạt động hoặc thiếu hụt nhân lực đăng kiểm. Bởi, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan giúp Chính phủ trong quản lý về đăng kiểm và hiểu rõ về tác động tiêu cực, gây xáo trộn đến đời sống của người dân cũng như trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nếu như thiếu dịch vụ đăng kiểm.

Theo đại biểu Trần Thị Kim Nhung, đây cũng là vấn đề cần phải bảo đảm để quán triệt yêu cầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh về bài học mà Bác Hồ và ông cha ta đã dạy trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải có cách làm khôn khéo để “đánh chuột không vỡ bình”, tức là phải giữ được sự ổn định. Sự ổn định ở đây chính là sự ổn định trong thực thi công vụ để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp, giữ được hoạt động đăng kiểm diễn ra bình thường.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn đại biểu Trần Thị Kim Nhung liên quan đến trách nhiệm của Bộ Giao thông về vấn đề thiếu cán bộ đăng kiểm, Bộ trưởng cho biết, cả nước có hơn 2.000 đăng kiểm viên nhưng qua vụ việc vừa qua đã mất tới gần 1/3 cán bộ. Bộ trưởng khẳng định, để tuyển dụng được một đăng kiểm viên mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều bước như đào tạo, tuyển dụng, cấp chứng chỉ; nếu đúng theo quy trình mất cả năm. Vì vậy, khi vụ việc đăng kiểm xảy ra, Bộ Giao thông vận tải đã phải xử lý tình huống, trong đó đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hỗ trợ lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, của Bộ Quốc phòng. Đồng thời, huy động đăng kiểm viên ở tất cả các trung tâm đăng kiểm trong toàn quốc để về các trung tâm đăng kiểm đang thiếu hụt tham gia hỗ trợ; thậm chí mời những cán bộ đăng kiểm viên mới nghỉ hưu còn đủ sức khỏe quay lại làm việc, làm việc ngoài giờ, không kể ngày nghỉ, không có ngày Tết.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là trường hợp bất khả kháng và trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này, hiện nay Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã tuyển dụng và chuẩn bị khoảng 350 nhân lực đăng kiểm viên. Sắp tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Nghị định 139 quy định về hoạt động đăng kiểm để có cơ chế điều chỉnh lại, không nhất thiết một dây chuyền đăng kiểm phải có 3 đăng kiểm viên. Như vậy sẽ tận dụng được thêm một số đăng kiểm viên, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác đăng kiểm. Bộ trưởng cam kết với các đại biểu Quốc hội, cuối tháng 6/2023, chậm nhất không quá đầu tháng 7 tất cả các trung tâm đăng kiểm sẽ hoạt động trở lại bình thường.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Chưa thực sự hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng, đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tham gia tranh luận và cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng mới chỉ đề cập đến một phần vấn đề đại biểu đã trao đổi. Tuy nhiên, Bộ trưởng chưa nêu rõ vấn đề có sự chậm trễ của Bộ Giao thông vận tải trong việc chủ động đưa ra, hoặc phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành hữu quan đưa ra phương án ứng phó, thay thế trước khi để xảy ra tình huống tạm dừng hoạt động và thiếu hụt nhân lực đăng kiểm. Bởi theo đại biểu, việc xử lý sai phạm trong hoạt động đăng kiểm là hoàn toàn đúng đắn, đúng chủ trương, đúng pháp luật, nhưng đây không phải là sự cố bất thường, thiên tai, thảm họa mà có sự chủ động của các cơ quan hữu quan.

Trả lời tranh luận của đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Bộ trưởng cho biết, trong công tác điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố, bắt giam bị can do công an các địa phương thực hiện, không phải là Bộ Công an. Về nguyên tắc điều tra, không trao đổi trước với Bộ Giao thông. Do vậy, với tinh thần khi xảy ra ở đâu, Bộ Giao thông vận tải trực tiếp trao đổi, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an để có phương án giải quyết. Bộ Giao thông có văn bản đề nghị Bộ Công an tạo điều kiện, việc thu giữ máy móc, thiết bị và tài liệu niêm phong để phục vụ cho công tác điều tra có thể làm sớm, làm nhanh, sau đó bàn giao lại cho trung tâm kiểm để để Cục Đăng kiểm tiếp quản và bố trí lực lượng.

“75% trung tâm đăng kiểm của các doanh nghiệp tư nhân, nên không phải muốn khôi phục lại là khôi phục được. Đặc biệt, lực lượng bị khởi tố, bắt giam ở các trung tâm đăng kiểm chủ yếu là nhân lực chủ chốt, đăng kiểm viên bậc cao, thường mỗi trung tâm chỉ có một người và thường giữ vai trò lãnh đạo của trung tâm”. Về trách nhiệm, ngay từ đầu lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo khi xảy ra các vụ việc tại các trung tâm đăng kiểm về các giải pháp ngắn hạn và dài hạn của vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Lan Hương