THẢO LUẬN TẠI TỔ 04 VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN

27/05/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XV, chiều 27/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Tại tổ 04 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung luật nhằm bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật và thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng công án nhân dân.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT NĂM 2024

Thảo luận tại Tổ 04 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng

Thảo luận tại tổ, đa số ý kiến phát biểu đều bày tỏ cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; thể chế hóa quan điểm chỉ đạo: “Xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030 xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, thể chế hóa chỉ đạo “Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng, hậu cần, kỹ thuật công an nhân dân và pháp luật có liên quan, nhất là Luật Công an nhân dân (sửa đổi)” tại Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đại biểu Phạm Như Hiệp -  Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Các đại biểu cho rằng các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật cơ bản đã khắc phục một số khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn trong quá trình thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018; bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

Một trong những nội dung sửa đổi của Luật được nhiều đại biểu quan tâm đó là việc sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 30 về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan công nhân công an. Theo đó, trên cơ sở quy định về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong Bộ luật Lao động năm 2019, gắn với đặc thù của lực lượng Công an nhân dân, cơ quan soạn thảo đề nghị tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an (trừ nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành; nữ công nhân công an tăng 5 tuổi).

Theo đại biểu Phạm Như Hiệp -  Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế quy định này vừa bảo đảm phù hợp với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019, vừa phù hợp với thực tiễn chiến đấu, công tác của lực lượng Công an nhân dân.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh 

Bên cạnh đó, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh cho rằng, hồ sơ dự án Luật chưa có đánh giá tác động kỹ lưỡng khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với đối tượng là công nhân công an. Theo đại biểu, qua tiếp xúc cử tri ghi nhận nhiều ý kiến cử tri nhất là những cử tri là công nhân, giáo viên, những người công tác trong lĩnh vực đặc thù, nặng nhọc đều không mong tăng tuổi nghỉ hưu.

Có cùng phản ánh, đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết, qua tiếp xúc cử tri, người lao động kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu nhưng dự án Luật này lại kiến nghị tăng tuổi hưu. Đại biểu cho rằng cần có lý giải thuyết phục cho các đề xuất sửa đổi, bổ sung trong luật. Đồng thời, trong quá trình xây dựng chính sách cần hài hòa nhu cầu, lợi ích của người lao động.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau 

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cũng bày tỏ băn khoăn khi mà Luật Công an nhân dân mới được sửa đổi năm 2018, có hiệu lực năm 2019, đến nay mới được 4 năm triển khai thi hành đã phải sửa đổi, bổ sung. Do đó đại biểu lưu ý trong công tác lập pháp bảo đảm rà soát kĩ lưỡng, đủ chín đủ rõ để nhận được sự đồng thuận.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ:

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận Tổ

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu điều hành phiên thảo luận tổ

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu

Đại biểu Nguyễn Minh Quang – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu

Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng

Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế

Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau.

Bảo Yến - Phạm Thắng