THẢO LUẬN TỔ 6: LÀM RÕ TIÊU CHÍ THĂNG CẤP TRƯỚC HẠN VỚI CẤP BẬC HÀM TỪ ĐẠI TÁ TRỞ XUỐNG

27/05/2023

Chiều 25/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Các đại biểu đề nghị dự án luật cần quy định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc để thăng cấp bậc hàm trước hạn đối với cấp bậc hàm từ Đại tá trở xuống.

THẢO LUẬN TỔ 6: ĐỒNG BỘ GIẢI PHÁP “GỠ BÍ” CHO DOANH NGHIỆP

Tổ 6 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Phú Thọ, Đắk Nông, Trà Vinh.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND) được xây dựng nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo: “Xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030 xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Dự án luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật CAND liên quan đến thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; quy định cụ thể một số vị trí có cấp bậc hàm cấp Tướng trong CAND phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu công tác.

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu tán thành việc ban hành Luật này nhằm thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về CAND, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng CAND; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Các đại biểu đánh giá, hồ sơ dự án Luật theo Tờ trình về cơ bản bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động về giới đối với việc điều chỉnh tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của nữ Thượng tá lên 03 tuổi và nữ Đại tá lên 05 tuổi; làm rõ nhu cầu, tính chất công việc gắn với sức khỏe của nữ sĩ quan CAND để có mức điều chỉnh tăng hạn tuổi phục vụ cho phù hợp.

Đi vào một số vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Thành Nam- Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ bày tỏ nhất trí với việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân lập thành tích đặc biệt xuất sắc, nhất là các tiêu chí, điều kiện cơ bản đối với việc thăng cấp. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, theo khoản 3, Điều 23 Luật Công an nhân dân hiện hành có quy định rõ: “Chủ tịch nước quyết định việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và thăng cấp bậc hàm vượt bậc đối với cấp bậc hàm cấp tướng. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và thăng cấp bậc hàm vượt bậc từ Đại tá trở xuống.”

Đại biểu Nguyễn Thành Nam- Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu

Đại biểu cho rằng, quy định mới chỉ thể hiện thẩm quyền thăng cấp bậc hàm của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Công an, chưa thể hiện rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật về tiêu chí, tiêu chuẩn thăng cấp bậc hàm. Chính vì vậy, hồ sơ dự thảo luật đã xác định sự cần thiết phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật để luật hóa quy định nêu trên.

Dự thảo giao Chính phủ quy định tiêu chí, tiêu chuẩn của việc lập thành tích đặc biệt xuất sắc để xem xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn, song với nội dung tương tự, thì chưa có quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc để thăng cấp bậc hàm trước hạn đối với cấp bậc hàm từ Đại tá trở xuống. Để đảm bảo tính rõ ràng, đồng bộ giữa các quy định trong dự thảo, đại biểu đề nghị bổ sung thêm trong dự thảo quy định giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc để thăng cấp bậc hàm trước hạn đối với cấp bậc hàm từ Đại tá trở xuống. Các đại biểu cũng cho biết, dự thảo mới chỉ đề cập đến việc thăng cấp bậc hàm trước hạn, mà chưa đề cập đến việc thăng cấp bậc hàm vượt bậc, cần có thêm giải trình thuyết phục về nội dung này.

Đối với quy định hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, Tờ trình của Chính phủ chưa giải trình làm rõ cơ sở của đề xuất này. Các đại biểu phản ánh, thực tế, công nhân công an có thể có những ngành nghề khác nhau, được sắp xếp, bố trí theo vị trí công việc, yêu cầu trình độ đại học, cao đẳng hoặc trung cấp, có chứng chỉ nghề sơ cấp, trong những việc làm này có thể có những vị trí đặc thù với môi trường đặc biệt. Vì vậy, nếu quy định cứng độ tuổi nghỉ hưu đối với công nhân công an là chưa đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động.

Theo đó, khoản 3, khoản 4 Điều 169 của Bộ luật Lao động quy định, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, đánh giá tác động về sức khỏe, tính công bằng khi thực hiện chính sách trong lực lượng công an nhân dân.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại phiên họp

Cùng tham gia ý kiến về dự án Luật, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết, dự thảo luật nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật này; quy định cấp bậc hàm cấp Tướng đối với đơn vị được thành lập mới. Đại biểu đề xuất điều chỉnh, bổ sung thêm nội dung: giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh chức danh hàm cấp Tướng, hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, bổ sung một số chức danh cấp Tướng, để đảm bảo thống nhất với các quy định hiện hành.

Dự thảo Luật cũng quy định, “thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất tính từ ngày 01/01/2021 nhưng không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.” Đại biểu cho rằng việc chọn mốc 01/01/2021 là không phù hợp, nên cần rà soát, nghiên cứu lại để có quy định hợp lý hơn.

Ngoài ra, Dự thảo luật quy định sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 22 Luật hiện hành theo hướng, sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác; trường hợp không đủ 03 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định. Đại biểu cho rằng việc quy định “trường hợp không đủ 03 năm công tác” là chưa rõ ràng, cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa để đảm bảo tính tường minh, rõ ràng trong văn bản pháp luật.

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Vương Quốc Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá tác động một số nội dung để đảm bảo tính khả thi

Đại biểu Thạch Phước Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh băn khoăn về quy định đối với hạn tuổi phục vụ của lực lượng công nhân công an

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh