ĐBQH LÊ THỊ THANH XUÂN: TÁN THÀNH SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HAI LUẬT VỀ XUẤT, NHẬP CẢNH

27/05/2023

Chiều 27/5, phát biểu thảo luận tại Tổ 13, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 02 luật về xuất, nhập cảnh. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, đại biểu đề nghị bổ sung quy định người nước ngoài vào khu vực biên giới, cửa khẩu nếu ở qua đêm, đăng ký tạm trú, lưu trú phải thông báo và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng bộ đội biên phòng nơi gần nhất.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13

Dự thảo Luật được cho ý kiến gồm 03 điều. Theo đó, Điều 1 sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019; tập trung vào 2 nhóm nội dung; Điều 2 sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tập trung vào 2 nhóm nội dung; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho biết, trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để yêu cầu các cơ quan nhà nước chủ động ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số”.

Tuy nhiên, các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng nên cần phải sửa đổi nhằm góp phần đơn giản hoá thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk 

Góp ý vào nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân nêu rõ, tại điểm b khoản 1 (sửa đổi, bổ sung khoản 3) theo quy định của Luật Căn cước công dân thì số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân - được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Do đó, đề nghị chỉnh lý “số định danh cá nhân” thành “số thẻ căn cước công dân (số định danh cá nhân)” cho phù hợp, đầy đủ hơn.

Tại điểm a khoản 3 (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 và bổ sung khoản 9 vào sau khoản 8 Điều 18), đại biểu tỉnh Đắk Lắk đề nghị chuyển nội dung “c) Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với công dân dưới 14 tuổi chưa được cấp mã số định danh cá nhân” lên trước nội dung “hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất ...Điều 28 của Luật này” cho phù hợp và đảm bảo được tính liên tục.

Liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam,đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đề nghị bổ sung quy định người nước ngoài vào khu vực biên giới, cửa khẩu nếu ở qua đêm, đăng ký tạm trú, lưu trú phải thông báo và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng bộ đội biên phòng nơi gần nhất.

Lý giải cho đề xuất này, đại biểu cho biết, bổ sung quy định nêu trên nhằm đảm bảo đồng bộ các điều ước quốc tế và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Các điều ước quốc tế về quản lý biên giới, cửa khẩu do Việt Nam ký kết với các nước có chung đường biên giới và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đều quy định: Người nước ngoài xuất, nhập cảnh vào khu vực biên giới, cửa khẩu (kể cả cư dân biên giới nước đối diện) hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân (kể cả doanh nghiệp sử dụng lao động, đối tác phía Việt Nam hoặc đại diện của tổ chức phi chính phủ nước ngoài), cơ sở lưu trú đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới, cửa khẩu nếu ở qua đêm, đăng ký tạm trú, lưu trú đều phải thông báo và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của bộ đội biên phòng nơi gần nhất.

Đồng thời, đảm bảo đáp ứng với chính sách đã đề ra trong công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam (Chính sách 4 “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội ”); Phát huy được vai trò, trách nhiệm của bộ đội biên phòng trong quản lý cư trú người nước ngoài tại khu vực biên giới, hải đảo. Theo các Điều ước quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành bộ đội biên phòng có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.

Về quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc phát hiện dấu hiệu vi phạm của người nước ngoài, đại biểu đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của bộ đội biên phòng ở khu vực biên giới, hải đảo có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Theo đó, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nghiên cứu, bổ sung đối với quy định tại Điều 45a (Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan) theo hướng: Bổ sung cụm từ “hoặc Đồn Biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu” vào sau cụm từ “cơ quan Công an” và thể hiện lại như sau.

“Điều 45a. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan”

“Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ sử dụng lao động là người nước ngoài, tổ chức chương trình du lịch hoặc cho người nước ngoài tạm trú qua đêm khi người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm phải thông bó cho cơ quan Công an hoặc Đồn Biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu nơi gần nhất”

Cũng theo đại biểu, tại Chương VIII của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nên việc cơ quan chủ trì soạn thảo quy định khoản 8, Điều 2 (bổ sung Điều 45a vào sau Điều 45) là chưa phù hợp với bố cục của Luật. Vì vậy, đại biểu tỉnh Đắk Lắk đề nghị chuyển nội dung này vào nội dung của Chương VIII của Luật cho phù hợp./.

Lê Anh - Nghĩa Đức