ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH BÌNH THUẬN

26/04/2023

Chiều 26/4, tại Bình Thuận, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI BÌNH THUẬN

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại cuộc làm việc

Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Dương Văn An; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu tại cuộc làm việc

Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận Võ Văn Hoà cho biết, tỉnh hiện có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất các nguồn điện 6.523,21 MW, tổng sản lượng điện thiết kế khoảng 31 tỷ kWh/năm, tăng hơn 3 lần so với trước năm 2016. Trong đó, 4 nhà máy nhiệt điện (than) thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, tổng công suất 4.284 MW; 7 nhà máy thủy điện, tổng công suất 819,5 MW; 35 nhà máy điện năng lượng tái tạo, tổng công suất 1.409,71 MW (9 nhà máy điện gió - 299,6 MW; 26 nhà máy điện mặt trời - 1.110,11 MW); 1 nhà máy điện diesel huyện đảo Phú Quý, công suất 10 MW.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải phát biểu tại cuộc làm việc

Qua rà soát, giai đoạn 2016 - 2021, nguồn điện năng lượng tái tạo trên địa bàn đã tăng dần tỷ trọng trong tổng công suất nguồn điện toàn tỉnh (từ 1,72% lên 21,62%); khai thác có hiệu quả tiềm năng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Bên cạnh đó, nguồn điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện) trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ cao trong tổng công suất nguồn điện và là nguồn điện chạy nền, đáp ứng cung cấp điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Các đại biểu tham dự cuộc làm việc

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đầu tư và phát triển các dự án nguồn điện, đặc biệt là nguồn điện năng lượng tái tạo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc chưa kịp thời ban hành chính sách phù hợp về giá điện mặt trời, điện gió (giá FIT) sau khi giá điện mặt trời, điện gió hết hiệu lực dẫn đến việc thu hút phát triển tiềm năng điện mặt trời, điện gió gặp khó khăn, thời gian kéo dài. Việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm, làm ảnh hưởng đến cơ hội cũng như việc thực hiện trình tự, thủ tục trong công tác đầu tư.

Cùng với đó, chính sách pháp luật về phát triển năng lượng liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, như về quản lý về đất đai, quy hoạch, xây dựng, phát triển nông nghiệp... dẫn đến gặp nhiều khó khăn nhất định trong việc thực hiện pháp luật của người dân, doanh nghiệp. Một số chính sách chưa được ban hành liên tục và chậm được thay thế dẫn đến các khoảng trống pháp lý gây khó khăn cho địa phương và nhà đầu tư…

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu tại cuộc làm việc

Các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, bám sát mục đích, nội dung, yêu cầu, qua báo cáo thấy rõ bức tranh phát triển năng lượng của tỉnh. Đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Việc phát triển năng lượng điện có những chuyển biến tích cực, tốc độ phát triển các dự án năng lượng đạt cao, về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát nhận thấy việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại Bình Thuận còn một số tồn tại, khó khăn như: vấn đề chồng lấn dự án năng lượng tái tạo với các khu vực quy hoạch dự trữ, thăm dò, khai thác titan; vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án phát triển năng lượng; thực trạng, giải pháp xử lý và tiêu thụ tro xỉ tại Trung tâm điện than Vĩnh Tân; vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển năng lượng như khói, bụi, tấm quang năng hết hạn sử dụng, bảo vệ đa dạng sinh học…

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng phát biểu tại cuộc làm việc

Kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Bình Thuận là một trung tâm năng lượng lớn, có đầy đủ các yếu tố phát triển năng lượng. Thời gian qua, Bình Thuận và các sở, ngành cũng đã quyết tâm chỉ đạo, triển khai các chính sách cụ thể để xây dựng Bình Thuận trở thành một trung tâm năng lượng lớn của quốc gia. Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, tỉnh vẫn còn một số vấn đề tồn tại như quy hoạch, đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường, thậm chí có những dự án chưa tuân thủ quy định pháp luật…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Bình Thuận tiếp tục rà soát, có báo cáo bổ sung các nội dung đã được thành viên Đoàn giám sát đặt ra, thể hiện rõ hơn trách nhiệm của tỉnh và gửi báo cáo trước ngày 10.5 tới. Đồng thời, ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh và cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương nhằm điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc phát triển năng lượng trong giai đoạn tới.

* Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4, huyện Bắc Bình, Bình Thuận.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)