HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ, GÓP PHẦN BẢO ĐẢM AN NINH, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI NGAY TỪ CƠ SỞ

26/04/2023

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong năm dự án luật quan trọng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới đây (5/2023). Dự án Luật được thông qua sẽ tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới,…

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (5/2023)

Hoàn thiện quy định về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở

Pháp luật hiện hành quy định Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội  và tổ chức, hoạt động của lực lượng này được quy định trong Luật Công an nhân dân. Tham gia hỗ trợ lực lượng Công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự còn có các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách (gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở). Đây là những lực lượng do nhà nước thành lập, bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách và hiện nay đang được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 , Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 về bảo vệ dân phố.

Với vị trí, chức năng quan trọng làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự và là hạt nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn xã, phường, thị trấn, thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với người dân, gắn bộ mật thiết với Nhân dân, nên trong suốt quá trình hình thành và phát triển từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành Công an, sự giúp dỡ, phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và ngày càng được củng cố, kiện toàn,…

Tuy nhiên, trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở,…; bảo đảm thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự

Nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự

Dự thảo Luật gồm 05 chương, 31 điều, quy dịnh về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo đó, Dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia vào tổ bảo vệ an ninh, trật tự; làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn và hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cấp xã.

Dự thảo Luật cũng quy định theo hướng kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn xã, phường, thị trấn. Các chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh, trật tự đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về: Tiêu chuẩn tuyển chọn vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh ở cơ sở; các hành vi bị nghiêm cấm; nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bảo đảm điều kiện hoạt động;….

Luật hóa quy định về lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Quan tâm tới dự thảo Luật, nhiều ý kiến chuyên gia tán thành sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm luật hóa, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, góp ý một số nội dung cụ thể liên quan đến quy định tại dự thảo cũng như vấn đề về kỹ thuật soạn thảo để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội  khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 22/5 tới đây …

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Hoan - Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện Cảnh sát nhân dân, đây là 1 văn bản Luật được có giá trị cao, tuy nhiên chưa quy định cụ thể Công an xã bán chuyên trách và bảo vệ dân phố sẽ đảm nhiệm chức danh nào trong Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoan cũng đề xuất, nên cân nhắc sửa tên gọi Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thành Tổ bảo an hoặc Tổ trị an để Nhân dân dễ nhớ, dễ gọi tên đồng thời vẫn đưa ra đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến tên gọi này. Ngoài ra, cần chỉ ra rõ ràng hơn mối quan hệ giữa Tổ bảo vệ an ninh, trật tự với Công an cấp xã và lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy vì có sự đồng nhất giưa chức danh Đội trưởng, đội phó Đội dân phòng và Tổ trưởng, phó tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

ThS. Đậu Công Hiệp - Trường Đại học Luật Hà Nội

Tán thành với nhiều nội dung tại Dự thảo luật, ThS. Đậu Công Hiệp - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Dự thảo xác định đây là lực lượng “quần chúng tự nguyện” là hoàn toàn phù hợp với bản chất của lực lượng này. Dự thảo cũng đã thống nhất tên gọi các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là “Tổ bảo vệ an ninh trật tự”. Hiện nay, có thể thấy các lực lượng đó bao gồm: Bảo vệ dân phố được quy định theo Nghị định 38/2006; Công an xã bán chuyên trách theo Pháp lệnh Công an xã năm 2008; Lực lượng dân phòng được thành lập theo Luật Phòng cháy chữa cháy.

Vì vậy, theo ThS. Đậu Công Hiệp khi thống nhất các lực lượng này, đồng thời cần phải khắc phục các tồn tại trong các văn bản pháp luật liên quan. Đó là bãi bỏ Nghị định 38/2006, Pháp lệnh Công an xã 2008 và một số quy định về dân phòng trong Luật Phòng cháy chữa cháy 2001.

Khẳng định Dự thảo Luật Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có tầm quan trọng rất lớn và là khuôn khổ để cho lực lượng này hoạt động, ThS. Đậu Công Hiệp cũng lưu ý, cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng những quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này để Dự án Luật khi được thông qua sẽ phát huy hiệu quả trong thực tiễn thi hành.

Đồng tình với sự cần thiết phải xây dựng và ban hành dự luật, TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh - Học viện Hành chính Quốc gia nhấn mạnh, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất nỗ lực, làm việc nghiêm túc, thận trọng trong quá trình soạn thảo Dự án Luật nhằm hướng đến việc tăng cường, hoàn thiện quy chế pháp lý của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ này để hỗ trợ hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để đảm bảo ý nghĩa và hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh kiến nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc, tiếp tục điều chỉnh một số nội dung và kỹ thuật lập pháp trong Dự thảo./.

Lê Anh