CHỦ NHIỆM ỦY BAN KH, CN & MT LÊ QUANG HUY: NỖ LỰC TRONG CÔNG TÁC LẬP PHÁP, ĐỐI NGOẠI GÓP PHẦN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA THỰC TIỄN, HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

19/01/2023

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, trong năm 2022, công tác xây dựng pháp luật luôn được Ủy ban chú trọng nhằm đáp ứng được những yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống và sự phát triển của đất nước. Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế cũng được Ủy ban đặc biệt quan tâm nhằm phát huy thế mạnh của Quốc hội.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: LÀM RÕ VẤN ĐỀ VỀ TÀI CHÍNH, HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

ĐỀ NGHỊ LÀM RÕ PHƯƠNG ÁN GIẢI QUYẾT CÁC BÃI RÁC TẠM, ĐIỂM TẬP KẾT RÁC THẢI VÀ XỬ LÝ RÁC THẢI KHÔNG CHÔN LẤP

Năm 2022 được nhìn nhận là năm có nhiều áp lực về thời gian và khối lượng công việc trong bối cảnh còn chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19. Vượt qua những khó khăn, thách thức đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã luôn chủ động, phát huy tính công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, đổi mới, sáng tạo trong các nhiệm vụ được giao. Công tác xây dựng pháp luật luôn được Ủy ban chú trọng nhằm đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống cũng như hội nhập và phát triển của đất nước. Ngoài ra, Ủy ban cũng rất tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, góp phần vào nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban nói chung và hoạt động lập pháp nói riêng.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Nhân dịp Xuân Quý Mão năm 2023, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã có những chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội về thuận lợi, khó khăn; một số kết quả cơ bản đã đạt được trong hoạt động xây dựng pháp luật, trong hoạt động đối ngoại và những công việc trọng tâm trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm, năm 2022 được nhìn nhận là nhiều áp lực về thời gian và khối lượng công việc. Chủ nhiệm có thể chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong năm qua?

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy: Trong năm 2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã triển khai khối lượng công việc tương đối lớn; thực hiện các nhiệm vụ do Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội giao phó và thực hiện các công việc khác theo chức năng, nhiệm vụ.

Các hoạt động của Ủy ban được triển khai trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là lĩnh vực Ủy ban được phân công phụ trách là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước và xã hội rất quan tâm trong bối cảnh hiện nay. Những nhiệm vụ do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường triển khai luôn được các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội chỉ đạo sát sao, góp ý cụ thể. Các cơ quan trong và ngoài Quốc hội cũng đã tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Qua các thời kỳ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tạo dựng và luôn phát huy truyền thống làm việc khoa học, tận tụy, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, đoàn kết, sáng tạo.


Một số hoạt động của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong năm 2022.

Ngoài ra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng xây dựng được một mạng lưới đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia nên đã phát huy tối đa hiệu quả công tác tham vấn chuyên gia trong quá trình thực hiện, triển khai những nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ đột xuất, yêu cầu gấp, chuyên sâu.

Bên cạnh những thuận lợi, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Mặc dù cho tới thời điểm này, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 nhưng những tháng đầu năm 2022, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên hoạt động của Ủy ban chủ yếu triển khai qua hình thức trực tuyến. Một số hoạt động khảo sát, giám sát được Ủy ban triển khai qua xem xét các Báo cáo.

Hiện nay, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có 7/11 đại biểu tham gia Quốc hội khóa đầu tiên. Mặc dù các đại biểu Quốc hội trong Thường trực Ủy ban đã có nhiều nỗ lực, chuyên môn sâu ở các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, khi làm việc tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng như các Ủy ban khác của Quốc hội có những đặc thù riêng nên các đại biểu thường cần thời gian để tích lũy thêm kinh nghiệm hoạt động.


 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp toàn thể lần thứ V của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Năm 2022, phải triển khai khối lượng công việc tương đối nhiều, có nhiều hoạt động diễn ra đột xuất, gấp gáp, trong đó có những vấn đề nhạy cảm, với những ý kiến khác nhau, yêu cầu cao, tính chuyên môn sâu trong khi nguồn nhân lực vẫn còn thiếu. Đội ngũ cán bộ, chuyên viên giúp việc cho Ủy ban dù đã hết sức nỗ lực nhưng năng lực chuyên môn, kỹ năng làm việc vẫn còn có những hạn chế. Với những thuận lợi và khó khăn như vậy, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Phóng viên: Chủ nhiệm có thể tổng kết, đánh giá về những kết quả nổi bật đối với công tác xây dựng pháp luật trong năm 2022 mà Ủy ban đã thực hiện?

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy: Về xây dựng pháp luật, trong năm 2022 Ủy ban đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan, các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực trong dự án một luật sửa nhiều luật được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất.

Trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, an ninh năng lượng là vấn đề lớn. Thời gian qua, năng lượng tái tạo phát triển rất mạnh nên để đáp ứng được nhu cầu phát triển một lượng lớn điện gió, điện mặt trời cần phải tiếp tục phát triển hệ thống truyền tải điện. Tuy nhiên, Ủy ban nhận thấy, những quy định của pháp luật hiện hành, hay một số chính sách phát triển năng lượng của chúng ta trong Luật Điện lực còn có những điểm hạn chế. Để giải quyết những hạn chế đó, Ủy ban đã cùng với các cơ quan hữu quan của Quốc hội thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, giải trình và trình Quốc hội thông qua nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất. Đây là một trong những căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta có thể phát triển được hệ thống mạng lưới truyền tải điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.


Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Ngoài ra, trong năm 2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì thẩm tra đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Liên quan đến quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số nên cần có hạ tầng số và dựa vào hạ tầng viễn thông, trong đó có việc sử dụng hiệu quả tần số vô tuyến điện. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện có nội dung trọng tâm là đấu giá tần số vô tuyến điện để thu được nguồn lực cho đất nước và quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải được trao cho những chủ thể thực sự có năng lực về công nghệ, tài chính, đầu tư để phát huy tối đa nguồn lực.

Có thể nói, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đều đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi trước mắt của thực tiễn cuộc sống cũng như sự phát triển đất nước trong thời gian tới.

Cũng trong năm 2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì thẩm tra trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hiện nay, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang tích cực phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo để chuẩn bị báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Phiên họp tháng 2/2023 và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp diễn ra vào tháng 5/2023.


Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 4 thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Trong năm qua, với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu để phục vụ thẩm tra trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong năm 2023 đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Ngoài ra, Ủy ban cũng đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thẩm tra các dự án luật khác; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công.

Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các hoạt động của Quốc hội. Trong năm 2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng là thành viên tích cực trong hoạt động này, vậy Chủ nhiệm có thể chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế có thể áp dụng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban?

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy: Trong năm 2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế; phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế như với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức để thực hiện một số hoạt động thuộc Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long; các chương trình, dự án liên quan đến chuyển dịch năng lượng với chi phí hợp lý, an ninh năng lượng ở các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Đây là những dự án, chương trình thiết thực, hữu ích đối với hoạt động của Ủy ban.


Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ Lê Quang Huy tiếp Trợ lý Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Sarah Trister.

Đặc biệt, những kinh nghiệm của các quốc gia có những điều kiện tương tự như Việt Nam hoặc có công nghệ phát triển đều được Ủy ban nghiên cứu đưa vào các báo cáo, có đề xuất, kiến nghị, giải pháp trong thời gian tới. Ví dụ như với việc thích ứng với biến đổi khí hậu, Ủy ban đã học hỏi được những kinh nghiệm của các nước liên quan đến công nghệ, giải pháp để thích ứng; liên quan đến chuyển dịch năng lượng, Ủy ban tham khảo được nhiều kinh nghiệm quý từ các nước Indonesia, Cộng hòa Liên bang Đức và các quốc gia khác.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ​ tặng bức ảnh cho Ngài Ami Bera-Chủ tịch Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ.

Chủ nhiệm Ủy ban được phân công là Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ nên trong năm 2022, Ủy ban cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đoàn thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, với mục đích chính là tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm xây dựng và thực thi pháp luật trong lĩnh vực mà Ủy ban được phân công. Ngoài việc tìm hiểu những nội dung chuyên môn, chuyến thăm này góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với các Ủy ban chuyên môn của Nghị viện Hoa Kỳ, giữa Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ với các nghị sĩ Hoa Kỳ có tình cảm với Việt Nam; đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hoa Kỳ.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ và Ngài Ami Bera-Chủ tịch Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ cùng đoàn đại biểu của hai nước chụp ảnh lưu niệm.

Ngoài ra, trong Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có nhiều đồng chí tham gia và đóng góp tích cực vào các đoàn công tác của lãnh đạo Quốc hội; tham gia đón tiếp và làm việc với nhiều đoàn khách quốc tế, tổ chức quốc tế sang thăm và trao đổi tại Quốc hội Việt Nam. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế đã thực hiện trong năm 2022 là những hoạt động thiết thực, góp phần phục vụ trực tiếp việc thực hiện các hoạt động chuyên môn mà Ủy ban đang triển khai.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Phát triển của Vương quốc Anh.

Phóng viên: Các hoạt động của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường luôn nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến tâm huyết từ các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước trong hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nhân dịp Xuân Quý Mão năm 2023, Chủ nhiệm có gửi gắm gì tới đông đảo cử tri và các đại biểu Quốc hội?

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy: Thay mặt cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tôi trân trọng cảm ơn cử tri cả nước đã luôn quan tâm, theo dõi các hoạt động của Ủy ban trong suốt thời gian qua. Trong Năm mới 2023, Ủy ban rất mong muốn cử tri, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, ủng hộ và đồng hành cùng với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong các hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát cũng như tham mưu, đề xuất trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nhân dịp Năm mới Quý Mão, tôi xin chúc cử tri cả nước, các vị đại biểu Quốc hội luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và đạt được nhiều thành công!

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm và xin chúc Chủ nhiệm cùng tập thể Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường một Năm mới dồi dào sức khỏe và gặt hái được nhiều thành công, thắng lợi mới!

Bích Lan

Các bài viết khác