ĐỀ NGHỊ LÀM RÕ PHƯƠNG ÁN GIẢI QUYẾT CÁC BÃI RÁC TẠM, ĐIỂM TẬP KẾT RÁC THẢI VÀ XỬ LÝ RÁC THẢI KHÔNG CHÔN LẤP

29/12/2022

Tại Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ việc giải quyết các bãi rác tạm và các điểm tập kết rác thải, xử lý rác thải không chôn lấp…

NĂM 2025, CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT CHÍNH THỨC ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG

LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ THAM GIA VÀO XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN NĂNG LỰC QUẢN TRỊ, CÔNG NGHỆ VÀ GIÁ XỬ LÝ RÁC

Từ trước đến nay, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt để không ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống và sức khỏe của Nhân dân luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của các Bộ, ngành chức năng và toàn xã hội.

Cần tìm phương án, giải pháp hữu hiệu trong việc thu gom, xử lý rác thải lại một lần nữa nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội trong Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây.

Nhiều địa phương tồn tại các bãi rác tạm, điểm tập kết rác thải không bảo đảm vệ sinh môi trường

Qua những đợt khảo sát, tổng hợp báo cáo, thay mặt Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Đó là tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt 66%; hơn 80% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động sản xuất của cộng đồng xung quanh. Tỷ lệ rác thải được xử lý bằng chôn lấp trực tiếp còn cao (70%), tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt người dân. Chính sách về giá đối với thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên thực tế còn bất cập, mức thu hiện nay chưa đáp ứng được chi phí cho thu gom, vận chuyển, ngân sách nhà nước phải bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển (chưa tính đến chi phí xử lý).


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh.

Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn, việc thực hiện quy hoạch các khu xử lý tập trung gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương tồn tại các bãi rác tạm, điểm tập kết rác thải không bảo đảm vệ sinh môi trường, như tại Hải Phòng, Hòa Bình. Các bãi chôn lấp rác thải tập trung ở các thành phố chiếm nhiều diện tích đất, không phù hợp với xu hướng đô thị hóa. Nhiều bãi chôn lấp rác thải tại các thành phố lớn hiện đang quá tải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và thường xuyên gặp phải sự phản đối của người dân.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh, tại các địa phương khảo sát đều tồn tại những trạm trung chuyển/điểm sang tiếp rác tạm thời, không bảo đảm quy định về quy chuẩn xây dựng. Việc lựa chọn địa điểm các khu vực tập kết, trạm trung chuyển rất khó khăn, hay gặp phải sự phản đối của người dân do việc tập kết, trung chuyển rác thải thường gây mất vệ sinh. Nhiều điểm tập kết rác thải tự phát xuất hiện ngay cả trong khu vực trung tâm đô thị Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh. Năng lực vận chuyển, phương tiện vận chuyển, thu gom rác thải của nhiều địa phương còn hạn chế, sử dụng phương tiện vận chuyển thô sơ, không bảo đảm an toàn vệ sinh.


Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức.

Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, xây dựng các cơ sở xử lý chất thải hiện đại đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn, nhiều địa phương không đủ nguồn lực hoặc đầu tư chưa tương xứng. Trong khi đó, việc tổng kết, đánh giá xây dựng chính sách hỗ trợ và thúc đẩy xã hội hóa công tác đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa kịp thời, hiệu quả. Việc đầu tư các cơ sở xử lý rác thải phân tán, quy mô nhỏ tại một số địa phương, khu vực nông thôn có hiệu quả thấp, khó kiểm soát bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý rác thải chưa kịp thời.

Nhận thức của một bộ phận người dân trong việc phân loại, lưu giữ, thu gom, tập kết chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế. Nhiều nơi, người dân chưa tích cực tham gia vào các hoạt động phân loại tại nguồn, một số hộ gia đình, cá nhân chưa đóng tiền chi trả dịch vụ vệ sinh môi trường đầy đủ. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong thời gian qua chưa đạt kết quả do quy định pháp luật chưa có tính cưỡng chế cao, chủ yếu mang tính khuyến khích. Mặt khác, hiện nay các địa phương chưa có thiết bị, phương tiện thu gom riêng đối với từng loại chất thải được phân loại.

Giải quyết các bãi rác tạm và các điểm tập kết rác thải phải có lộ trình

Trước những bất cập trên, tại Phiên giải trình, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị “Tư lệnh” ngành Tài nguyên và Môi trường làm rõ và đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu gom, xử lý rác thải hữu hiệu hơn trong thời gian tới.


Đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Đại biểu Nguyễn Văn An- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, hiện nay, nhiều địa phương vẫn còn đang tồn tại các bãi rác tạm và các điểm tập kết rác thải không đảm bảo hợp vệ sinh môi trường. Trước thực trạng này, đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Bộ đã chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra, giải quyết các vấn đề về các bãi rác thải tạm như thế nào?

Giải trình về băn khoăn trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Việc có địa phương vẫn còn đang tồn tại các bãi rác tạm và các điểm tập kết rác thải không đảm bảo hợp vệ sinh môi trường, Bộ đã kiểm tra, yêu cầu đóng cửa, tạm dừng nhưng thực tế đây là vấn đề liên quan rất lớn đến nhiều vấn đề khác trong xã hội nên việc giải quyết không còn các bãi rác tạm, điểm tập kết rác không thể chỉ trong một ngày. Việc làm này phải có lộ trình, thực hiện bài bản, có bước đi để thay đổi.


Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Liên quan đến thu gom, xử lý rác thải không chôn lấp ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Tráng A Dương- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang khẳng định: Hiện nay, ở các tỉnh đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hầu như không chôn lấp rác thải mà chỉ đổ vào ở một khu vực nào đó thoáng hoặc không có dân cư. Trước thực tế này, đại biểu Tráng A Dương đề nghị Bộ trưởng Trần  Hồng Hà cho biết giải pháp thu gom chất thải để chôn lấp đối với các tỉnh này?

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định hướng tới sẽ không còn bãi chôn lấp hoặc lò đốt rác thải nữa. Điều quan trọng trong việc xử lý rác thải là chúng ta phải có ý thức để phân loại, tái chế, tái sử dụng, biến rác thành năng lượng.


Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

Đề cập về tội phạm vi phạm liên quan đến lĩnh vực môi trường, đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: Tội phạm vi phạm liên quan đến lĩnh vực môi trường là vấn đề bức xúc trong xã hội. Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tội phạm vi phạm về môi trường đã giảm nhiều. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc giảm tội phạm vi phạm về lĩnh vực này là do ý thức của doanh nghiệp, người dân chấp hành pháp luật tốt hơn hay là do công tác kiểm tra, thanh tra ngày càng quyết liệt hơn?

Với nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: Thời gian qua, số đợt kiểm tra, thanh tra việc chấp hành bảo vệ môi trường giảm do những điều kiện bất khả kháng nên có thể nói tội phạm có hành vi vi phạm về môi trường giảm đáng kể là xuất phát từ 2 yếu tố: ý thức của doanh nghiệp, người dân chấp hành pháp luật tốt hơn và do công tác kiểm tra, thanh tra ngày càng quyết liệt hơn. Chứ không thể nói doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc bảo vệ môi trường nên tội phạm, hành vi vi phạm ít đi.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội.

Để triển xử lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần có sự đánh giá về việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 áp dụng vào thực tiễn cuộc sống như thế nào. Bởi thực tế, các Bộ ngành, địa phương đã có báo cáo về những kết quả đạt được và đề cập về khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất nhưng chưa có báo cáo ý kiến, phản ánh của cử tri, dư luận xã hội về vấn đề tồn đọng trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, rác thải ở những bãi chôn lấp, tồn ứ rác thải ở các đô thị, đầu tư xây dựng rác thải ở các địa phương... Vì vậy, cần có thêm báo cáo phản ánh rõ hơn về nội dung này cũng như vấn đề giải phóng mặt bằng, giải quyết thu gom rác thải ở các địa phương.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong xử lý rác thải, cơ chế để địa phương xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Đánh giá về các mô hình tốt cần được triển khai rộng, phát huy nguồn lực của địa phương thực hiện xử lý rác thải biển.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường rà soát Luật Bảo vệ môi trường liên quan đến xử lý rác thải; đề nghị Ủy ban phối với các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan xem xét vấn đề tài chính, công nghệ, kinh tế, đầu tư cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, cần có sự tư vấn, tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Những vấn đề mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất về cơ chế, chính sách cần có sự giải quyết dứt điểm, tạo an toàn với người dân.../.

Bích Lan