PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: LÀM RÕ VẤN ĐỀ VỀ TÀI CHÍNH, HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

10/11/2022

Phát biểu với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại Phiên họp toàn thể lần thứ V, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Ủy ban cần làm rõ vấn đề về tài chính, hiệu quả đầu tư cho khoa học và công nghệ. Tổng thể đầu tư cho khoa học công nghệ là gì, giá trị thực tiễn của các đề tài nghiên cứu có hiệu quả hay không.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: CẦN CÓ GÓC NHÌN TÀI CHÍNH, KINH TẾ-XÃ HỘI ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 4 CỦA ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

Chiều ngày 10/11, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ V. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo Phiên họp. Tham dự Phiên họp còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và các Phó Chủ nhiệm cùng các thành viên Ủy ban.

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ V của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy nhấn mạnh: Phiên họp toàn thể lần thứ V là dịp để các thành viên Ủy ban nhìn lại những kết quả hoạt động cơ bản trong năm 2022, đúc rút những kinh nghiệm hoạt động sau hơn 01 năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đồng thời, tập trung thảo luận, góp ý về các định hướng lớn, các vấn đề cần quan tâm và đặt trọng tâm trong kế hoạch công tác năm 2023 của Ủy ban.

Do dịch bệnh COVID-19 nên từ Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ nhất (7/2021) đến nay, Ủy ban tổ chức các phiên họp toàn thể theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hiện nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Phiên họp toàn thể Ủy ban theo hình thức hoàn toàn trực tiếp là dịp để các thành viên Ủy ban gắn kết hơn, chia sẻ, hiến kế được nhiều hơn và cũng là dịp để giới thiệu với các đồng chí về phòng họp trực tuyến của Ủy ban mà chúng ta đã sử dụng trong suốt thời gian qua.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có Báo cáo số 991 về kết quả công tác năm 2022 và dự kiến chương trình công tác năm 2023 gửi Quốc hội; gửi dự thảo Báo cáo công tác giám sát xin ý kiến các đại biểu thành viên Ủy ban. Các tài liệu đã sao gửi tới các đồng chí.

Đề cập về các hoạt động đã triển khai trong năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban thực hiện nhiều nhiệm vụ Lãnh đạo đảng, Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội phân công, trong đó tiêu biểu là xây dựng và ban hành báo cáo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, sản xuất thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị COVID-19 (trong đó có thuốc cổ truyền), trang thiết bị và sinh phẩm y tế; vai trò của công nghệ và dữ liệu khoa học trong xây dựng, triển khai các biện pháp phòng, chống và thích ứng với COVID-19”.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Phiên họp.

Về lập pháp, Ủy ban được giao phụ trách 03 luật và 01 nội dung trong một luật sửa nhiều luật. Cụ thể là: nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Điện lực (trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong đó, có những luật nội dung sâu về kỹ thuật, phức tạp, Ủy ban đã tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao như Luật Tần số vô tuyến điện vào chiều ngày hôm qua.

Về giám sát, đại diện Ủy ban đã tích cực tham gia các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban đã tiến hành nhiều hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động giám sát, khảo sát khác theo kế hoạch… trong đó, 02 hoạt động giám sát do Ủy ban chủ trì, thực hiện quyết liệt và có kết quả cụ thể, tạo chuyển biến rõ nét là: Giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về dự án đường Hồ Chí Minh. Từ hoạt động giám sát thường niên, Ủy ban đã báo cáo, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét; phục vụ Quốc hội xem xét, thảo luận và đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về Kỳ họp thứ 3.

Trên cơ sở đó, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã bố trí vốn đầu tư công cho việc tiếp tục thực hiện 03 đoạn tuyến chưa hoàn thành để nối thông toàn tuyến. Giám sát việc thực hiện điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đối với giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Kết quả là 02 Bộ Khoa học và Công nghệ, Tài chính đã ban hành các thông tư để sửa đổi Thông tư liên tịch số 12/2016 về hướng dẫn nội dung chi và quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành thông tư 05/2022/TT-BKHCN ngày 31/5/2022; và cách đây 03 ngày, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2022/TT-BTC ngày 07/11/2022.

Các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tham dự Phiên họp.

Về công tác đối ngoại, Ủy ban, Thường trực Ủy ban đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, trong đó nổi bật là Đoàn đại biểu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ do Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn thăm và làm việc tại Hoa Kỳ từ ngày 19 - 30/9/2022.

Các hoạt động khác, Ủy ban tiếp tục việc ký kết thỏa thuận phối hợp công tác với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ để từ đó có các kế hoạch cụ thể phục vụ triển khai hiệu quả công tác của mỗi bên.

Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cũng nhấn mạnh: Trong năm 2023, dự kiến khối lượng công việc mà Ủy ban phải đảm nhiệm là rất lớn. Về lập pháp, Ủy ban sẽ phụ trách 04 dự án Luật (là một trong những Ủy ban phụ trách nhiều dự án luật nhất trong 2023) gồm: (i) chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và trình Quốc hội thông qua dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5; (ii) Chủ trì thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi); tham gia thẩm tra nhiều dự án luật, dự thảo nghị quyết khác.

Về giám sát, Ủy ban sẽ chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành triển khai giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”; triển khai nhiều hoạt động giám sát khác theo chương trình, kế hoạch.

Để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xây dựng được kế hoạch công tác năm 2023 đảm bảo thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm, bám sát chương trình công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phù hợp với điều kiện, nguồn lực hiện có, trong khuôn khổ Phiên họp, các thành viên Ủy ban đã cho ý kiến tập trung vào các vấn đề Hoạt động giám sát của Ủy ban trong năm 2023. Bên cạnh đó, các thành viên của Ủy ban còn cho ý kiến vào những vấn đề cần đúc rút kinh nghiệm; các vấn đề cần lưu ý khi xây dựng kế hoạch 2023; Các đề xuất, kiến nghị về tiếp tục cải tiến, đổi mới hình thức, phương thức hoạt động, cách thức tổ chức công việc; Các đề xuất, kiến nghị để tiếp tục tăng cường sự tham gia, đóng góp của các thành viên Tiểu ban với Thường trực Tiểu ban; thành viên Ủy ban với Thường trực Ủy ban.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đóng góp ý kiến tại Phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, thành viên Ủy ban cho biết, hiện hoạt động của các Tiểu ban trực thuộc Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường rất nhiều nên cần có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong các hoạt động mà Ủy ban tiến hành thì giám sát chuyên đề cũng rất hữu ích, đề cập được thực tiễn một cách khách quan. Thông qua quá trình giám sát, các đại biểu Quốc hội đã có những kiến nghị, đề xuất với địa phương để đưa ra những giải pháp kịp thời. Vì vậy, hoạt động này cần được tiếp tục phát huy.

Đưa ra quan điểm phát huy ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động giám sát, đại biểu Nguyễn Thanh Phương - Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ, thành viên Ủy ban  cho rằng, vai trò của khoa học công nghệ rất quan trọng trong các hoạt động, chuyên đề mà Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang triển khai. Vì vậy, để hoạt động giám sát được hiệu quả thì Ủy ban cần phát huy những lợi thế của khoa học công nghệ vào thực hiện nhiệm vụ này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao vai trò, hoạt động của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đối với các hoạt động chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua.

Đề cập về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phải đi sâu vào tính phản biện trong công tác nghiên khoa học, thẩm tra và giám sát các chuyên đề, lĩnh vực cũng như tham gia đóng góp ý kiến, truyền tải các vấn đề của Quốc hội đề ra. Mỗi thành viên của Ủy ban là một nhà khoa học nên cần phát huy trí tuệ, chất xám của họ để các hoạt động của Ủy ban ngày càng hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần làm rõ vấn đề về tài chính, đầu tư cho khoa học và công nghệ. Tổng thể đầu tư cho khoa học công nghệ là gì, giá trị thực tiễn của các đề tài nghiên cứu là cái gì, có hiệu quả hay không? Ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ quốc gia ra sao? Bên cạnh đó, Ủy ban cần tăng cường công tác giám sát đầu tư cho khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ với các công trình trọng điểm quốc gia, dự án đầu tư công.

Hiện nay, Quốc hội đang họp, lấy ý kiến đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều hoạt động liên quan đến đất đai có ứng dụng khoa học công nghệ nên cần được Ủy ban tham gia cũng như nhận được sự đóng gớp của các nhà khoa học.

Liên quan đến việc ứng dụng khoa học công nghệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tăng cường tham gia vào xây dựng Quốc hội điện tử và nếu có giải pháp hữu hiệu nào thì cần đề xuất với Quốc hội phương hướng thực hiện, giải quyết./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ V của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tham dự Phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Phiên họp, cho biết về các hoạt động mà Ủy ban đã triển khai trong năm 2022 và đưa ra kế hoạch, nhiệm vụ hoạt động trong năm 2023.

Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn báo cáo công tác giám sát năm 2022 và dự kiến chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban.

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng, thành viên Ủy ban  Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề cập về hoạt động giám sát của Ủy ban.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Ủy ban  Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần làm rõ vấn đề về tài chính, hiệu quả đầu tư cho khoa học và công nghệ cũng như kêu gọi sự tham gia của Ủy ban vào xây dựng Quốc hội điện tử.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tặng hoa chúc mừng 02 thành viên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thêm nhiệm vụ mới. 

Bích Lan - Nghĩa Đức