QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 30/12/2022
* Vừa qua, ngày 27/12/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước tổ chức bình chọn 10 sự kiện và hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022.
10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2022
Xem nội dung chi tiết tại đây: 10 SỰ KIỆN, HOẠT ĐỘNG TIÊU BIỂU CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM NĂM 2022
* Quán triệt sâu sắc chủ trương đối ngoại của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hoạt động đối ngoại năm 2022 của Quốc hội có nhiều đổi mới mạnh mẽ. Việc tham gia có trách nhiệm tại các cơ chế hợp tác nghị viện song phương và đa phương đã thể hiện quyết tâm chính trị, trách nhiệm cao của Quốc hội Việt Nam trong triển khai các cam kết quốc tế, góp phần nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Xem nội dung chi tiết tại đây: HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI 2022: PHÁT HUY TỐI ĐA LỢI THẾ CỦA HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO NGHỊ VIỆN
* Năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước ta thăm chính thức 07 nước bao gồm: CHDCND Lào; Hungary; Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland; Vương quốc Campuchia và tham dự Đại hội đồng AIPA-43; Philippines; Australia; New Zealand. Các chuyến thăm đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, thành công vượt dự kiến, tạo dấu ấn đậm nét.
Xem nội dung chi tiết tại đây: 07 CHUYẾN CÔNG TÁC NƯỚC NGOÀI CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TRONG NĂM 2022: THÀNH CÔNG VƯỢT DỰ KIẾN (P1)
* Sáng 03/01/2023, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Cùng dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ ngành ở Trung ương.
Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG BÍ THƯ DỰ HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI NĂM 2023
* Sáng 03/01, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội Khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và đồng bào, chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích và những nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn.
Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, cần tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ.
Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG BÍ THƯ: TRANH THỦ THỜI CƠ, THỰC HIỆN THẮNG LỢI MỤC TIÊU KT - XH NĂM 2023
* Chiều ngày 31/12/2022, nhân dịp chuẩn bị đón năm mới 2023 và Tết Quý Mão, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới thăm, chúc Tết gia đình cố Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và gia đình cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với gia đình cố Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn
Cùng đi có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đã thắp nén hương thơm tưởng nhớ, tri ân những đóng góp to lớn của cố Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước và với Quốc hội. Nhân dịp này, gia đình cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã tặng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cuốn Nhật ký Quảng Trị 1972 và cuốn Chiến dịch Trị Thiên 1972 - tư liệu lịch sử cung cấp một góc nhìn về cuộc kháng chiến chống Mỹ mà cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo là nhân vật quan trọng của sự kiện này.
Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TƯỞNG NHỚ, TRI ÂN CỐ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI BÙI BẰNG ĐOÀN, CỐ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI LÊ QUANG ĐẠO
* Chiều ngày 02/01, tại Tp.Hồ Chí Minh, nhân dịp đón năm mới 2023 và Tết nguyên đán Quý Mão, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm và chúc Tết gia đình cố Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trò chuyện thân mật với thân nhân, gia đình cố Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ
Cùng đi có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà.
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đã thành kính dâng nén hương thơm tưởng nhớ, tri ân những đóng góp to lớn của cố Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước và với Quốc hội. Trò chuyện thân mật với ông Nguyễn Hữu Châu - trưởng nam của cố Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ôn lại những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của cố Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ.
Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TƯỞNG NHỚ, TRI ÂN CỐ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN HỮU THỌ
* Ngày 01/01/2023, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội đã tới thăm, chúc Tết người có công, gia đình chính sách tại tỉnh Quảng Ngãi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thăm, tặng quà thương binh Nguyễn Đức Hồng
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã đến thăm, chúc Tết Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sắng, 96 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng ở Tp. Quảng Ngãi, có chồng và con hy sinh trong kháng chiến Mỹ và gia đình thương binh Nguyễn Đức Hồng, 77 tuổi, ở Tp. Quảng Ngãi, là thương binh, Đảng viên 50 năm tuổi Đảng. Phó Chủ tịch Quốc hội đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, gửi lời chúc mừng năm mới tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công và gia đình chính sách ở Quảng Ngãi, chúc các gia đình vui Tết, đón xuân an lành, hạnh phúc.
Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG THĂM, CHÚC TẾT NGƯỜI CÓ CÔNG, GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH TẠI QUẢNG NGÃI
* Mới đây, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 30/12/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường ngày 30/12/2022
Nghị quyết nêu rõ, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 được thực hiện theo quy định tại Mục I khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26 tháng 9 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023. Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành. Cũng theo Nghị quyết, không áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn quy định tại Mục I khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26 tháng 9 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023.
Xem nội dung chi tiết tại đây: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2022/UBTVQH15 VỀ MỨC THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI XĂNG, DẦU, MỠ NHỜN
* Theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ hôm nay (03/01/2023) đến hết ngày 15/3/2023. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng lấy ý kiến.
Đối tượng lấy ý kiến gồm các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; Các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Nội dung lấy ý kiến bao gồm toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các nội dung trọng tâm do Chính phủ xác định phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý kiến. Việc góp ý có thể được thực hiện dưới các hình thức góp ý trực tiếp bằng văn bản hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm. Cùng với đó, ý kiến có thể gửi qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin hoặc các hình thức phù hợp khác.
Xem nội dung chi tiết tại đây: BẮT ĐẦU LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) TỪ HÔM NAY (03/01/2023)
* Chiều ngày 03/01/2023, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.
Toàn cảnh họp báo
Giới thiệu chương trình và nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị vào chiều ngày 04/01/2023 và khai mạc trọng thể vào ngày 05/01/2023. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 04 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 09/01/2023). Đây là Kỳ họp có ý nghĩa quan trọng nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống.
Tổng Thư ký Quốc hội cảm ơn đại diện các cơ quan của Trung ương, đại biểu Quốc hội đã tham dự, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đã đặt những câu hỏi tâm huyết, trách nhiệm; đồng thời bày tỏ mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí sẽ đồng hành với Quốc hội để chuyển tải thông tin, thông điệp, những quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 đến với cử tri, Nhân dân cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG CHỦ TRÌ HỌP BÁO VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2
* Chiều 03/01/2023, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt kiện toàn Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo đưa tin Quốc hội. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi lễ.
Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo đưa tin Quốc hội ra mắt
Câu lạc bộ là một kênh, diễn đàn quan trọng tập hợp trí tuệ, định hướng thông tin tốt nhất về các hoạt động của Quốc hội, tạo sự đồng thuận cao của dư luận xã hội về các vấn đề được Quốc hội xem xét, quyết định. Qua đó, góp phần thiết thực củng cố, xây dựng mối quan hệ gắn bó, thân thiết giữa Quốc hội với báo chí, giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, tập hợp đội ngũ nhà báo chuyên trách về hoạt động của Quốc hội, Câu lạc bộ Nhà báo đưa tin về hoạt động của Quốc hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo tác nghiệp, trao đổi nghiệp vụ báo chí, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội; bảo đảm thông tin đúng định hướng và quy định của pháp luật; ngày càng đóng góp quan trọng vào sự phát triển vững mạnh của hệ thống cơ quan dân cử và tăng cường gắn kết với thực tiễn cuộc sống, với cử tri và Nhân dân.
Xem nội dung chi tiết tại đây: LỄ RA MẮT KIỆN TOÀN BAN CHỦ NHIỆM CÂU LẠC BỘ NHÀ BÁO ĐƯA TIN QUỐC HỘI
* Ngày 01/01, tại Tp.Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Nguyễn Thị Thanh đã tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia lần thứ 2 Khóa V, nhiệm kỳ 2021-2026 để tổng kết đánh giá kết quả hoạt động năm 2022 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được và chỉ rõ khó khăn, hạn chế, Hội nghị đã thảo luận và thống nhất cao để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo, Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy kinh nghiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác, trọng tâm là thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quan trọng trong Bản ghi nhớ mà hai Bên đã ký kết tại Thủ đô Phnom Penh ngày 01/8/2022.
Xem nội dung chi tiết tại đây: TRƯỞNG BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ THANH CHỦ TRÌ HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM - CAMPUCHIA LẦN THỨ 2 KHÓA V
* Sáng ngày 03/01, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ủy ban Xã hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Công ty Kymviet.
Quang cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Đoàn đã khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động là người khuyết tật, trong đó tập trung vào các quy định về dạy nghề và việc làm, quy định về cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật và đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Ủy ban Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan sẽ luôn đồng hành, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật để kịp thời kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội có chính sách phù hợp, hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp này, tạo điều kiện để chăm lo tốt hơn cho người lao động là người khuyết tật.
Xem chi tiết tại đây: UỶ BAN XÃ HỘI THĂM, LÀM VIỆC VỚI CÔNG TY KYMVIET
* Theo các chuyên gia, nhà khoa học, Việt Nam cần chú trọng xây dựng, áp dụng khung chính sách về khuyến khích và ưu đãi đầu tư, cơ chế và các công cụ tài chính nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, huy động hiệu quả nguồn lực tài chính của khối doanh nghiệp cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Thực tế này đe dọa những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững trong dài hạn. Để vượt qua những thách thức từ biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã ký Công ước khí hậu năm 1992, phê chuẩn năm 1994; ký Nghị định thư Kyoto năm 1998, phê chuẩn năm 2002; phê duyệt Thỏa thuận Paris về BĐKH năm 2016.
Về phía Quốc hội cũng đã thông qua nhiều Luật có liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường (2022); Luật Trồng trọt (2018); Luật Chăn nuôi (2018); Luật Đa dạng Sinh học (2018); Luật Lâm nghiệp (2017); Luật Thủy sản (2017); Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015); Luật Khí tượng thủy văn (2015); Luật Tài nguyên nước (2014); Luật Phòng, chống thiên tai (2013). Để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, theo các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, bên cạnh thực hiện các chính sách, Việt Nam cần triển khai các giải pháp kịp thời để thu hút các dòng vốn đầu tư, các dòng tài chính xanh vào triển khai các nhiệm vụ đặt ra.
Xem nội dung chi tiết tại đây: CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG KHUNG CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ - CHÌA KHÓA ĐỂ KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
* Nhiều đại biểu, chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện pháp luật để khuyến khích, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo. Theo đó, cần nghiên cứu xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo nhằm thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý thu hút các nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi
Trong những năm qua, ngành Năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các công đoạn từ thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối và xuất nhập khẩu… Về cơ bản, ngành Năng lượng đã đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Quy mô của các ngành điện, than, dầu khí đều có các bước phát triển vượt bậc, khả năng tự chủ của các ngành từng bước được nâng lên, đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi khẳng định, phát triển năng lượng là vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và các lĩnh vực. Nhiều đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã đánh giá về việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng cũng như Nghị quyết 41 và Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị trong vấn đề phát triển năng lượng và một số nội dung trọng tâm khác.
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG LUẬT NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO ĐỂ THU HÚT CÁC NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
* Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những nội dung quan trọng dự kiến được Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2. Đây là vấn đề cấp thiết, cần được Quốc hội sớm quyết định nhằm góp phần cụ thể hóa và triển khai thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua.
Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 5/1/2023
Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 5/1/2023 và dự kiến bế mạc ngày 9/1/2023. Quốc hội tiến hành họp tập trung tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Theo dự kiến nội dung chương trình kỳ họp, tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định 05 nội dung quan trọng. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế nhằm khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, đồng thời góp phần hóa giải được những mâu thuẫn, khó khăn, thách thức để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Xem nội dung chi tiết tại đây: KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2: QUỐC HỘI SẼ XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021 -2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
* Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình đã bước đầu đi vào cuộc sống. Năm 2023 là năm cuối thực hiện phần lớn các chính sách trong Chương trình này nhưng vẫn còn một số vướng mắc cần giải quyết, nhất là cần kịp thời khơi thông dòng vốn...
Triển khai Kết luận số 24-KL/TW ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội, để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn, ngày 30/1/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Sau gần 1 năm triển khai cho thấy Chương trình vẫn tiếp tục có ý nghĩa lớn trên phương diện chính trị, kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện một số chính sách còn chậm; đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt bối cảnh phát triển mới đang đặt ra những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh trong quá trình thực thi, nhằm đạt được các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả với sức lan tỏa lớn.
Xem nội dung chi tiết tại đây: TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 11/NQ-CP: ĐIỀU CHỈNH DÒNG VỐN, ĐƯA CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀO CUỘC SỐNG
* Trong khuôn khổ của Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt năm 2022, mới đây, Đoàn đại biểu Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam do Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ làm Trưởng đoàn đã sang thăm và làm việc tại Lào từ ngày 23 - 27/12/2022.
Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ và Phó Chủ nhiệm Ủy ban các dân tộc, đại biểu Quốc hội trẻ Lào Keochaleun Xiayingyang
Tại cuộc Hội đàm giữa Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam và Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Lào, Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam Đinh Công Sỹ nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội và thế hệ trẻ Việt Nam nhận thức rằng quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai nước dày công vun đắp, được hun đúc bằng công sức và xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam và Lào, đã trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng, hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc.
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐẠI BIỂU NHÓM ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRẺ VIỆT NAM THĂM, LÀM VIỆC TẠI CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
* Tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, Pháp lệnh quy định phù hợp về biện pháp hành chính với người chưa thành niên, đồng thời bảo đảm tốt nhất quyền của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ giới thiệu một số nội dung cơ bản của Pháp lệnh
Giới thiệu một số nội dung cơ bản của Pháp lệnh, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Pháp lệnh quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Xem nội dung chi tiết tại đây: QUY ĐỊNH PHÙ HỢP VỀ BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
* Theo dõi Hội thảo Văn hóa 2022, Tiến sĩ, Nghệ sĩ đàn bầu Lê Hoài Phương mong muốn, thông qua Hội thảo, Quốc hội, Nhà nước sẽ có sự nghiên cứu kĩ lưỡng, định hướng và đầu tư dài hạn cho nền văn hóa – âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Tiến sĩ, Nghệ sĩ đàn bầu Lê Hoài Phương
Văn hóa dân tộc là cốt lõi và trường tồn đối với một quốc gia. Qua các ý kiến góp ý tại Hội thảo Văn hóa 2022 cho âm nhạc và văn hóa dân tộc, Tiến sĩ, Nghệ sĩ đàn bầu Lê Hoài Phương mong muốn Quốc hội, Nhà nước sẽ có sự nghiên cứu kĩ lưỡng, định hướng và đầu tư dài hạn cho nền văn hóa – âm nhạc dân tộc Việt Nam. Từ đó đưa văn hóa truyền thống cùng phát triển bền vững bên cạnh các ngành du lịch, kinh tế khác.
Đặc biệt sớm để đàn Bầu được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia trước khi đề nghị UNESCO xem xét, công nhận đàn Bầu là di sản thế giới. Tôi cho rằng, đây là một việc làm vô cùng cần thiết để có thể làm tốt hơn công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của đàn bầu. Đồng thời khẳng định lại một lần nữa, cây đàn bầu là của người Việt Nam, từ đó lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Xem nội dung chi tiết tại đây: TS. LÊ HOÀI PHƯƠNG: CẦN CÓ ĐỊNH HƯỚNG VÀ ĐẦU TƯ DÀI HẠN CHO NỀN VĂN HÓA – ÂM NHẠC DÂN TỘC
* Với dư âm "Diễn đàn Văn hoá 2022" do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục phối hợp tổ chức vừa qua, bàn về văn học nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đề xuất một số giải pháp căn cơ nhằm phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam thời kì mới, trong đó nhấn mạnh cần có hành lang pháp lý và một Chiến lược quốc gia phát triển văn học.
NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam
NSND Vương Duy Biên cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, văn học nghệ thuật Việt Nam còn mờ nhạt, thiếu hụt những tác phẩm mới có nội dung tư tưởng và chất lượng cao; một số tác phẩm chạy theo thị hiếu thấp kém, những chủ đề câu khách. Thị trường văn học nghệ thuật chưa phát triển, đời sống văn nghệ sĩ nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, trong đó vấn đề về tư tưởng, nhận thức, trình độ chuyên môn và sự thiếu hụt đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng, tâm huyết là một trong những vấn đề mấu chốt.
Muốn văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và đúng hướng, NSND Vương Duy Biên cho rằng cần đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ. Để làm tốt điều này, trước hết cần nhìn thẳng vào thực trạng đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay và đề ra những giải pháp phát triển hiệu quả trong thời kỳ mới.
Xem nội dung chi tiết tại đây: NSND VƯƠNG DUY BIÊN: CẦN CÓ HÀNH LANG PHÁP LÝ VÀ CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT