VIỆT NAM XÁC ĐỊNH ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU LÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, CẤP BÁCH
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu (BĐKH). Thực tế này đe dọa những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững trong dài hạn. Tính dễ tổn thương của Việt Nam gia tăng do nước ta chịu nhiều rủi ro thiên tai, do vị trí địa lý, mô hình phát triển kinh tế và các vùng đồng bằng, ven biển với mật độ dân cư cao cũng như các nhóm dân cư là người dân tộc thiểu số tại các vùng cao, hẻo lánh. Nhiệt độ tăng, hạn hán và lũ lụt ngày càng trầm trọng, mực nước biển dâng và tần suất xuất hiện và cường độ bão tăng đe dọa tới an ninh lương thực, sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam.
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới trước những tác động bất lợi của BĐKH nên thường xảy ra lũ lụt, sạt lở đất.. (ảnh minh họa: Internet).
Để vượt qua những thách thức từ BĐKH trong nước cũng như tham gia vào nỗ lực chung toàn cầu về ứng phó với BĐKH, Chính phủ Việt Nam đã ký Công ước khí hậu năm 1992, phê chuẩn năm 1994; ký Nghị định thư Kyoto năm 1998, phê chuẩn năm 2002; phê duyệt Thỏa thuận Paris về BĐKH năm 2016.
Triển khai quy định quốc tế và tích cực chủ động ứng phó với BĐKH, trong thời gian qua, hàng loạt các chính sách về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Về phía Quốc hội cũng đã thông qua nhiều Luật có liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường (2022); Luật Trồng trọt (2018); Luật Chăn nuôi (2018); Luật Đa dạng Sinh học (2018); Luật Lâm nghiệp (2017); Luật Thủy sản (2017); Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015); Luật Khí tượng thủy văn (2015); Luật Tài nguyên nước (2014); Luật Phòng, chống thiên tai (2013).
Tuy nhiên, với đặc thù là nước đang phát triển và chịu tác động nghiêm trọng do thiên tai và BĐKH như Việt Nam thì các hoạt động thích ứng với thiên tai và BĐKH là rất quan trọng nên cần có sự quan tâm đặc biệt, đưa ra các chính sách, sự đầu tư bài bản thì mới có thể giảm nhẹ được những thiệt hại do BĐKH gây ra.
Tạo thuận lợi để thu hút các dòng vốn đầu tư, các dòng tài chính xanh vào ứng phó với biến đổi khí hậu
Để ứng phó hiệu quả với BĐKH, theo các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, bên cạnh thực hiện các chính sách, Việt Nam cần triển khai các giải pháp kịp thời để thu hút các dòng vốn đầu tư, các dòng tài chính xanh vào triển khai các nhiệm vụ đặt ra.
TS.Nguyễn Đăng Mậu-Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu quan điểm: Các giải pháp công trình trong thích ứng với BĐKH thường đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Trong khi nguồn lực tài chính cho ứng phó với BĐKH còn hạn chế, các hoạt động thích ứng thường khó thu hút sự tham gia của cộng đồng cư dân, tổ chức xã hội và khối tư nhân. Do vậy, để có cơ sở tin cậy cho việc ban hành chính sách thích ứng với BĐKH hiệu quả, tránh dàn trải và lãng phí, cần phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu đánh giá tác động, rủi ro và tổn thương do BĐKH. Thực tế, tại các quốc gia như Hàn Quốc và Trung Quốc, công tác đánh giá tác động, rủi ro và tổn thương do BĐKH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác nghiên cứu ban hành văn bản luật về BĐKH.
TS.Nguyễn Đăng Mậu-Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Ngoài ra, Việt Nam cần chú trọng xây dựng, áp dụng khung chính sách về khuyến khích và ưu đãi đầu tư, cơ chế và các công cụ tài chính nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, huy động hiệu quả nguồn lực tài chính của khối doanh nghiệp cho ứng phó BĐKH; xác định các chương trình, dự án, nhiệm vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao và đóng góp thực hiện mục tiêu thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính để doanh nghiệp thực hiện thông qua các hình thức hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; ưu tiên các dự án áp dụng công nghệ, giải pháp chuyển đổi sử dụng từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng.
Mặt khác, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, tạo thuận lợi để thu hút các dòng vốn đầu tư, các dòng tài chính xanh của các định chế tài chính, tổ chức tín dụng quốc tế vào Việt Nam; thu hút các tập đoàn quốc tế, tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam hợp tác và triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án chuyển đổi sản xuất và tiêu thụ năng lượng thấp; ưu tiên sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi, ODA, hỗ trợ kỹ thuật của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ cho ứng phó với BĐKH; xây dựng và triển khai nhân rộng các mô hình hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực.
Ông Phạm Vĩnh Phong-Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu quan điểm về thu hút nguồn lực đầu tư cho việc ứng phó với BĐKH.
Đề cập về nguồn lực đầu tư cho việc ứng phó với BĐKH, ông Phạm Vĩnh Phong-Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, Chính phủ cần xem xét, phê duyệt và bố trí nguồn lực kịp thời (ngay từ năm đầu kỳ Kế hoạch 5 năm 2026 - 2030) để triển khai các chương trình đầu tư công có quy mô quốc gia, có tính chất trọng điểm về BĐKH giai đoạn 2026 – 2030. Việc làm này nhằm huy động hệ thống chính trị chủ động tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, góp thần thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, bao gồm cam kết tại COP26 về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện, đồng bộ hóa chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, bao gồm phát triển rừng ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư cho ứng phó với BĐKH, tăng trưởng xanh. Ngoài ra, thúc đẩy tăng cường ngoại giao nghị viện nhằm huy động nguồn lực tài chính, kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ từ các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính cho ứng phó với BĐKH.
Với những ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu, chuyên gia, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định: Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định quan điểm nhất quán, chủ động ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Chủ động ứng phó với BĐKH trên cơ sở phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất, liên ngành, liên vùng vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản. Chủ động ứng phó với BĐKH cũng vừa bảo đảm toàn diện, vừa phải có trọng tâm, trọng điểm; có bước đi phù hợp trong từng giai đoạn; dựa vào nội lực là chính, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ và kinh nghiệm quốc tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.
Nhiều giải pháp nhằm tổ chức thực hiện ứng phó với BĐKH hiệu quả trong thời gian tới, trong đó, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách pháp luật đã ban hành về quản lý phát thải khí nhà kính; Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về BĐKH.
Thông qua những tham vấn, kiến nghị của các đại biểu, chuyên gia, Ủy ban ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ nghiên cứu, tiếp thu, tiếp tục bổ sung các căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc để hoàn thiện báo cáo giám sát về BĐKH trong thời gian tới; đồng thời tham mưu việc rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là các luật, nghị quyết của Quốc hội và tăng cường giám sát của Quốc hội đối với các Bộ, ngành của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về ứng phó với BĐKH./.