QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 15/12/2022

15/12/2022

“Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2022…” là những thông tin nổi bật về hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong ngày hôm nay (15/12/2022).

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 14/12/2022

* Sáng nay (15/12), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 tiến hành phiên trọng thể. 

Các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội. Đến dự và chung vui với Đại hội còn có nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cán bộ lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể; các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Đại hội trân trọng nhận Điện, Thư chúc mừng của Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Lào, Hội Liên hiệp Thanh niên Campuchia, Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba... cùng hơn 30 tổ chức đối tác, bạn bè quốc tế, các đại sứ quán tại Việt Nam. Nhân dịp này, nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi Lẵng hoa chúc mừng Đại hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây:

TỔNG BÍ THƯ NHẮN GỬI THẾ HỆ TRẺ CẢ NƯỚC HAI CHỮ "TIÊN PHONG"

NHỮNG HÌNH ẢNH TẠI LỄ KHAI MẠC ĐẠI HỘI ĐOÀN TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII

* Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 18, tại Nhà Quốc hội, chiều 15/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2022 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2022). Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung Phiên họp.

Tại phiên họp đã có ba ý kiến của Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và bốn ý kiến của đại diện các cơ quan dự họp để làm rõ một số nội dung báo cáo công tác dân nguyện đã nêu. Về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác dân nguyện tháng 10 và tháng 11 của Quốc hội.

Trên cơ sở tình hình công tác dân nguyện tháng 10 và tháng 11, báo cáo cũng đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giám sát một số vụ việc cụ thể và kiến nghị một số nội dung cụ thể thuộc trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành, địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao sự cố gắng của Ban dân nguyện trong việc theo dõi, đôn đốc, thống kê, tổng hợp, bảo đảm chất lượng các nội dung giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những nhận định, đánh giá xác thực tình hình.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG THUẬT CHIỀU 15/12: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT BÁO CÁO CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN CỦA QUỐC HỘI THÁNG 11/2022

* Cho ý kiến về báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tại Phiên họp thứ 18 của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra có thuyết minh, giải trình thêm về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh, để tạo sự thống nhất, đồng thuận cao.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và Kỳ họp thứ 4 và dự thảo luật này dự kiến tiếp tục được cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội tới đây.

Tại Kỳ họp thứ 3 và thứ 4, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm  tạo cơ sở pháp lý để quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính (thể vừa và thể nặng); đề nghị xem xét quy định cụ thể trong văn bản luật về việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng đối với trẻ em; làm rõ khái niệm sản phẩm dinh dưỡng là thuốc hay thực phẩm chức năng…

Xem nội dung chi tiết tại đây: THUYẾT MINH, GIẢI TRÌNH THÊM VỀ DINH DƯỠNG TRONG DỰ THẢO LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

* Sáng ngày 15/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Họp báo về Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển”. Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì Họp báo.

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 nhận được sự tham dự, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cùng sự tham gia của lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương; các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, các chuyên gia, nhà khoa học, và đặc biệt là đông đảo đại diện của các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh trận đại dịch COVID-19. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang tiếp tục nghiên cứu tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển trước những tác động mạnh mẽ, sâu rộng của đại dịch COVID-19 và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nền kinh tế toàn cầu đã và đang đối mặt với nhiều bất ổn, khó lường. Do đó, Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu trở thành một kênh trao đổi, kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Xem nội dung chi tiết tại đây: DIỄN ĐÀN KINH DOANH VÀ PHÁP LUẬT NĂM 2022: HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SAU ĐẠI DỊCH COVID-19

* Cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 18, các ý kiến của UBTVQH lưu ý quy định về phân cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh là vấn đề lớn, quan trọng khi chuyển đổi từ 4 tuyến như hiện nay sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật. Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn và quy định đầy đủ hơn tiêu chí, điều kiện và các yêu cầu bảo đảm.

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) liên quan nhiều luật như Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 đến nay đã 33 năm và vẫn đang có hiệu lực thi hành. Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân có các chương quy định về khám và chữa bệnh, về y học, dược học cổ truyền dân tộc, quy định về thuốc phòng bệnh, chữa bệnh. Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ quy định về quyền được khám bệnh và chữa bệnh, điều kiện hành nghề của thầy thuốc, trách nhiệm của thầy thuốc, trách nhiệm của người bệnh, bắt buộc khám, chữa bệnh cho người nước ngoài, giám định y khoa…đều là những nội dung trong Luật Bảo vệ sức khỏe nêu rất cụ thể. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra tại kỳ họp nhưng đến nay trong dự thảo Luật vẫn đang còn có nhiều nội dung chồng chéo cần rà soát, cụ thể để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ PHÂN TUYẾN CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT TRONG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

* Tại phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, dự kiến năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức 12 phiên họp thường kỳ và sẽ có các phiên họp chuyên đề.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về cách thức tổ chức xây dựng chương trình công tác, kèm theo đó là xây dựng dự thảo nghị quyết về nội dung này; việc bố trí thời gian các phiên họp, dự kiến nội dung và các biện pháp để thực hiện. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội trong việc chuẩn bị chương trình công tác năm 2023 công phu, bài bản, quy mô, bảo đảm bao quát, đầy đủ.

Cơ bản tán thành với khối lượng công việc như Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị, Chủ tịch Quốc hội lưu ý điều chỉnh số lượng phiên họp chuyên đề pháp luật ít hơn, chủ yếu nhằm phục vụ cho 2 kỳ họp Quốc hội. Thời gian mỗi phiên họp ít nhất 1 ngày và có 1 ngày dự phòng. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết ngắn gọn, rõ ràng.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 2023

* Để nâng cao hiệu quả việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm nghiên cứu, xây dựng Luật Biến đổi khí hậu làm căn cứ pháp lý cao nhất cho tổ chức mọi hoạt động ứng phó với Biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, đặc biệt được quan tâm trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Biến đổi khí hậu cũng đang có xu hướng diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi thế giới, đòi hỏi sự chung tay và nỗ lực của mọi quốc gia trong việc đề ra các hành động khẩn trương và mạnh mẽ để tăng khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Trong thời gian qua, Quốc hội Việt Nam luôn chú trọng việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, phát luật về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐỀ XUẤT NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG LUẬT BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

* Năm 2022, những hoạt động của Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã đóng góp tích cực vào kết quả chung của Quốc hội cũng như góp phần nâng cao vị thế, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, tạo tiền đề bảo đảm hiệu quả hoạt động trong năm 2023 với nhiều nhiệm vụ hết sức quan trọng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Trong thành công chung của hoạt động Quốc hội năm 2022, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã tham gia, đóng góp tích cực ở cả ba chức năng: Lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Về công tác lập pháp, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào 23 dự án luật theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thể hiện trách nhiệm cao và tinh thần dân chủ, sát thực tế khi tham gia đóng góp xây dựng nội dung dự án luật, Đoàn đã lấy ý kiến góp ý của chuyên gia, các ngành, các đơn vị có liên quan như các hội nghề nghiệp; các sở, ban, ngành; các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn của thành phố vào các dự thảo luật.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TP.HÀ NỘI: TẠO TIỀN ĐỀ BẢO ĐẢM HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI

* Sáng 15/12, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chủ trì hội nghị.

Năm 2022, để có cơ sở tham gia ý kiến vào nội dung các dự thảo Luật, cơ chế, chính sách, báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh, các ngành trong khối nội chính để lắng nghe tình hình chung, để cung cấp thông tin cho ĐBQH. Tổ chức các hội nghị lấy ý kiến của các ngành, cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, các nhà quản lý, một số doanh nghiệp cho các dự thảo luật trình tại kỳ họp.

Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh những tháng đầu năm, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nghiêm túc việc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thứ 3, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV để lắng nghe ý kiến, tâm tư, đề xuất, kiến nghị và báo cáo đến cử tri về hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, của ĐBQH và nội dung của các kỳ họp…

Xem nội dung chi tiết tại đây: THANH HÓA: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TIẾP XÚC CỬ TRI, ĐÔN ĐỐC GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ TRẢ LỜI KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT ĐẾN CÔNG DÂN

* Sáng 15/12, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở y tế dự phòng.

Trong giai đoạn dịch, cán bộ y tế chịu nhiều áp lực, quá tải khi phải kiêm nhiệm nhiều công việc cùng lúc: tiêm chủng vắc xin COVID-19, trực khu cách ly, khu điều trị, trực các chốt kiểm soát y tế… Trong khi đó, đội ngũ y, bác sĩ còn thiếu. Mặt khác, Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID – 19 không áp dụng chế độ phụ cấp chống dịch cho người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm công việc xét nghiệm SARS-CoV-2 ngoài cơ sở y tế. Trong khi đó, các văn bản quy định, hướng dẫn về chuyên môn đều hướng dẫn, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ này ngoài cơ sở y tế và thực tế đã phát sinh trên địa bàn tỉnh. Do đó, đến nay đối tượng này vẫn chưa được hưởng chế độ.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIÁM SÁT VIỆC HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC NGUỒN LỰC PHỤC VỤ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Minh Thành - Nghĩa Đức