ẤN TƯỢNG PHIÊN THẢO LUẬN SỬA ĐỔI NỘI QUY KỲ HỌP QUỐC HỘI
ẤN TƯỢNG PHIÊN THẢO LUẬN TOÀN THỂ VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)
ẤN TƯỢNG PHIÊN THẢO LUẬN VỀ VIỆC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2016-2021
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh: "Từ năm 2017 đến nay các tòa án phải giải quyết tăng 5.000 vụ án một năm, với áp lực công việc rất lớn, trong khi thời hạn tố tụng phải đảm bảo theo quy định pháp luật. Số lượng biên chế Quốc hội giao và cho phép giữ nguyên như năm 2012, đến thời điểm này là không còn phù hợp và không đáp ứng yêu cầu."
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: "Tình trạng quân xanh, quân đỏ vẫn là mảng tối trong công tác đấu thầu thời gian vừa qua, đã tạo ra nhiều cuộc thầu nội bộ, thiếu tính cạnh tranh để kiếm lời bất chính. Có tình trạng một số nhà thầu chuyên đi dự thầu chỉ để trượt, nhằm lót đường cho một nhà thầu đã định sẵn trúng thầu. Thực tế còn có tình trạng, với sự tiếp tay của bên mời thầu là chủ đầu tư đã tạo ra cuộc đấu thầu thành một vở kịch với sự tham gia của những quân xanh, quân đỏ để rồi sau đó đưa quân đỏ đường đường, chính chính trúng thầu. Hệ lụy của tình trạng quân xanh, quân đỏ này khiến cho dư luận nghi ngại, khiến cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính không được cạnh tranh một cách sòng phẳng và mất đi cơ hội đầu tư, kinh doanh, đặc biệt nghiêm trọng đó là mất đi tiền của của Nhà nước và để lại những công trình, dự án kém chất lượng."
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: "Theo thống kê, tính đến cuối năm 2021 tổng tiền không đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 10.555 tỷ đồng, tại 196.000 đơn vị, với trên 2,8 triệu người lao động. Hiện nay có 42/63 tỉnh đã thực hiện kiến nghị khởi tố với 382 vụ việc nhưng đến nay chỉ 7 vụ việc có bản án và thu hồi khoảng 1,9 tỷ đồng. 21 tỉnh chưa thực hiện việc kiến nghị, khởi tố. Nhiều lý do bất cập được nêu ra là chưa xử phạt vi phạm hành chính; khó xác định các yếu tố cấu thành tội phạm; nhiều doanh nghiệp nợ kéo dài, số tiền lớn nên bỏ trốn và không lập được hồ sơ, nhiều doanh nghiệp cố tình không hợp tác, chưa thực hiện việc người lao động ủy quyền cho tổ chức công đoàn khởi kiện, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính vì thế mà hành vi không đóng, trốn đóng, đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài trong nhiều năm và chưa có giải pháp mạnh mẽ để xử lý."
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH Bắc Kạn: "Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch COVID-19, phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam có tuyến đường bộ chủ yếu từ hướng Lào, Campuchia, đường hàng không, chuyển phát nhanh từ một số nước châu Âu. Số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút hít sang tiêm chích, uống, ngậm ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần. Đặc biệt, thời gian qua trên thế giới và Việt Nam xuất hiện 2 dạng ma túy núp bóng, pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử thảo mộc…Thực phẩm bánh kẹo có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng ở một số nước trên thế giới. Ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống. Nhiều loại ma túy núp bóng khác như nước vui, nước biển, nước xoài, nước nho, trà chanh, bánh cần, bánh lười, lê rice cake chứa cần sa, tinh dầu thuốc lá điện tử hoặc một số dạng khác là ma túy núp bóng thảo mộc dạng cỏ Mỹ. Có thể nói, giờ đây ma túy hiện diện khắp nơi, nhiều dạng khác nhau, bằng các thủ đoạn tinh vi, các đối tượng thuận tiện trong giao dịch mua, bán."
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: "Từ khi Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 giữa các cơ quan quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/2/2022 đến nay là 11 tháng đã có 662 tòa án, trong đó có tòa 33 tòa án nhân dân cấp cao, 62 tòa án nhân dân cấp tỉnh và 557 tòa án nhân dân cấp huyện đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 3.614 vụ án. Có thể thấy, so với tổng số vụ việc đã được giải quyết trong năm là 504.681 vụ việc là không cao, chỉ chiếm 0,7% nhưng trong cả nước, số tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã tổ chức được phiên tòa trực tuyến là tương đối cao."
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: "Tội phạm giết người tăng 13,17%, tăng cả về số vụ và đối tượng giết người, đặc biệt xảy ra một số vụ giết người mà nạn nhân là người thân tăng 4,83% như trong báo cáo đã nêu và một báo chí cũng đưa tin về một số vụ điển hình. Như là con giết bố, chồng giết vợ, anh giết em, gần đây nhất vụ việc 3 cô con gái dùng xăng đốt nhà mẹ đẻ không chỉ gây nhức nhối bức xúc, bàng hoàng trong dư luận mà còn dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam là luôn biết ơn "công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy" hay tình cảm "anh em như thể tay chân" phải chăng đã không còn được coi trọng, hay là do các quy định của pháp luật còn chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe để các đối tượng bất chấp luân thường đạo lý, coi thường pháp luật mà phạm tội."
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: "Từ một quốc gia dồi dào tài nguyên rừng, đến nay diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam đã bị thu hẹp đến mức đáng báo động. Dù là rừng tự nhiên hay rừng trồng vẫn luôn luôn bị đặt trong thế hiểm nguy trước nguy cơ bị xâm hại. Chúng ta đã và đang phải đối mặt với rất nhiều những thảm họa thiên tai, trong đó theo nghiên cứu thì nạn phá rừng chiếm từ 12 đến 20% nguyên nhân làm tăng lượng khí thải nhà kính, là một trong số các tác nhân chính gây biến đổi khí hậu. Với các vụ hủy hoại rừng thông thường, chúng ta mới thống kê được những thiệt hại trước mắt như bao nhiêu diện tích rừng đã bị phá hủy mà chưa thống kê được những thiệt hại lâu dài, đặc biệt là những tác động tệ hại tới môi trường và khí hậu."
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: "Hình thức của "tham nhũng vặt" rất đa dạng và ngày càng tinh vi. Có thể đó là gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách bóp chặt và thậm chí là hù dọa. Với cách làm đó người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp, biếu xén, v.v. Nhiều vụ việc thì còn đòi hỏi "phí bôi trơn". Đáng sợ là việc này ngày càng trở nên phổ biến, có thể gặp ở trong mọi lĩnh vực như: khám, chữa bệnh, làm các thủ tục về hải quan, xây dựng, tư vấn đất đai, các kỳ thi tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, làm luận văn, luận án, phong học hàm, học vị các kỳ thi âm nhạc, nghệ thuật, v.v.. Họ lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, họ tranh thủ cả sự thiếu hiểu biết về pháp luật của công dân, họ tận dụng tối đa vị trí công tác của họ đang nắm giữ để đòi hỏi "lót tay", để yêu cầu "bôi trơn". Tình trạng "tham nhũng vặt" với vòi bạch tuộc vừa nhiều vòi, vừa đeo đẳng, bám chặt đã gây bức xúc lớn cho Nhân dân, cho doanh nghiệp, đã làm chùn bước các nhà đầu tư, đã làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, thậm chí bị đổ vỡ, đã làm xói mòn lòng tin của Nhân dân."
Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng: "Qua báo cáo cho thấy, từ năm 2016 đến nay biên chế công chức thi hành án dân sự liên tục cắt giảm, giảm 1.016 biên chế, tức là giảm 10,16% so với biên chế được giao năm 2015. Trong khi đó, khối lượng công việc trung bình qua các năm theo xu hướng tăng cả về việc và về tiền, năm 2021 tăng 5% so với năm 2020 về việc và 4% về tiền, năm 2022 tăng 6,67% về việc và 45,42% về tiền so với năm 2021. So với năm 2016 số việc phải thi hành năm 2022 tăng 5% nhưng giá trị phải thi hành tăng đến 259%. Tính chất công việc càng ngày càng phức tạp, giá trị phải thi hành ngày càng lớn, nhưng biên chế liên tục bị cắt giảm...Thực tế trên là nguy cơ dẫn đến hoạt động thi hành án dân sự trở thành điểm nghẽn trong chuỗi hoạt động tố tụng, vì các cơ quan này đang trong tình trạng không có đủ nguồn lực để thực hiện. Bình quân mỗi chấp hành viên phải thi hành 227 việc/1 năm. Tại một số địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai trung bình mỗi chấp hành viên có số lượng việc phải đi hành lên đến gần 400 việc/1 năm. Đây thực sự là một áp lực rất lớn đối với đội ngũ chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự cần được quan tâm một cách đúng mức."
Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: "Khi nhìn nhận tính chất phức tạp của các hành vi tội phạm, nhất là các loại tội phạm như giết người, tham nhũng, xâm hại trẻ em cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn hay thù tức cá nhân. Đây là yếu tố tiêu cực của chính người phạm tội. Cái tôi tiêu cực quá lớn, đã lệch chuẩn về nhận chân giá trị. Mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động đến một bộ phận người dân bỏ giá trị chạy theo giá cả, háo danh thay cho chính danh, lối sống thực dụng, ích kỷ, thiếu trách nhiệm, hệ lụy của lối sống buông thả, ma túy, cờ bạc đỏ đen. Đáng báo động là nhiều nhóm thanh niên, thiếu niên và người thân trong gia đình bột phát đánh nhau gây thương tích hoặc sát hại lẫn nhau mà động cơ chủ yếu là từ những mâu thuẫn trong cuộc sống, tranh chấp đất đai, thù tức cá nhân, ảo giác do sử dụng ma túy, sống ảo trên mạng xã hội đã để lại hậu quả khôn lường."
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: "Từ đầu năm đến nay, số vụ cưỡng dâm trẻ em tăng 400%; số đối tượng vi phạm tăng 450%; có 71,9% vụ hiếp dâm mà nạn nhân là trẻ em; số vụ dâm ô với trẻ em tăng. Thực tế trên cho thấy tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đang có chiều hướng gia tăng cao, diễn biến phức tạp và đáng báo động. Đây là một trong những tội phạm rất nguy hiểm, không chỉ gây ra thiệt hại cho xã hội, làm băng hoại nền tảng đạo đức mà còn gây ra những tổn thương nặng nề về thể chất và tâm lý rất khó khắc phục đối với nạn nhân. Nhìn vào số liệu này, tôi cùng nhiều vị đại biểu Quốc hội khác hết sức đau lòng."
Đại biểu Cao Mạnh Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá: "Môi trường mạng xã hội như một xã hội thứ hai mà tại đó ngoài đời thực có gì thì trên không gian mạng hầu như cũng có. Đời thực có các loại vi phạm pháp luật, tội phạm gì thì cơ bản hầu như cũng xảy ra trên môi trường không gian mạng, như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tín dụng đen, mua bán trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ; phát tán, chia sẻ thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội; xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; đăng tải thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, v.v. Ngoài sự đa dạng, phức tạp thì tính chất, mức độ của tội phạm và vi phạm pháp luật diễn ra trên không gian mạng còn có giác độ nguy hiểm hơn ngoài đời thực, bởi tính chất đặc thù của môi trường không gian mạng, đó là: tính không biên giới của môi trường không gian mạng, đối tượng vi phạm phạm tội có thể ở bất cứ đâu, kể cả ở nước ngoài và do sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng thường đi trước một bước, nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn thì khi hậu quả xảy ra rất khó xử lý...."
Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: "Cần phải xây dựng một bộ quy tắc ứng xử theo tiêu chuẩn liêm chính ở cả cơ quan công quyền và cả khối doanh nghiệp cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác. Việc phòng là quan trọng, chúng ta làm tốt thì đó là bảo vệ cán bộ. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử để bảo vệ cán bộ thanh tra chứ không phải để ngăn chặn hoặc gây ức chế trong quá trình công tác. Người ta công tác, thực thi công vụ nhưng phải trong một tâm lý thoải mái, yên tâm đang được bảo vệ. Bởi vì, ở các nước phát triển người ta có bộ quy tắc phân định rất rõ hành vi tham nhũng, thế nào là tham nhũng người ta định nghĩa rõ. Khi cán bộ, công chức thực thi trong đấy, người ta biết lằn ranh tới đâu được làm, tới đâu không được làm. Việt Nam chúng ta, một vài cơ quan có thể ban hành nhưng chưa thành một phong trào trên toàn xã hội, tất cả các doanh nghiệp, tất cả cơ quan công quyền, các tổ chức."