ẤN TƯỢNG PHIÊN THẢO LUẬN TOÀN THỂ VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)

01/11/2022

Sáng 01/11, theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng chống rửa tiền, phòng chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với các cam kết quốc tế. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị nhằm khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Dưới đây là một số phát biểu tại phiên họp.

ẤN TƯỢNG PHIÊN THẢO LUẬN VỀ VIỆC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2016-2021

NHỮNG PHÁT NGÔN ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

KỲ HỌP THỨ 4: PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN THẢO LUẬN ĐẦU TIÊN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

TỔNG THUẬT SÁNG 01/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)

Đại biểu K' Nhiễu – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: "Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền là cơ sở quốc gia tập trung nguồn lực một cách hiệu quả vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực rủi ro cao về rửa tiền và được coi là một trong những trụ cột, nền tảng của công tác phòng, chống rửa tiền theo chuẩn mực quốc tế. Việc đánh giá rủi ro ngành về rửa tiền hỗ trợ cho các cơ quan quản lý trong việc thực hiện công tác thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền đối với các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền. Trên thực tế, Việt Nam bắt đầu thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia và rủi ro về ngành rửa tiền."

 

Đại biểu Hoàng Thị Đôi – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La: "Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, sử dụng khoa học, công nghệ dữ liệu trên không gian mạng để thực hiện các thỏa thuận trao đổi giữa các cá nhân có xu hướng toàn cầu vượt qua các quy định về mặt tài chính, tiền tệ của các quốc gia và khu vực. Đây là giao dịch trên các nền tảng trực tuyến hoặc thỏa thuận cá nhân không chính thức và không hề được kiểm soát, do loại dữ liệu này chưa được pháp luật công nhận về mặt giá trị. Xét một khía cạnh nào đó đã tồn tại thị trường giao dịch loại dữ liệu trên không gian mạng. Xét về mặt kinh tế sẽ có tiền thật, tài sản thật đổ vào các loại tài nguyên này mà không hề có cách nào kiểm soát và hậu quả là mất tiền của một số người dân khi đầu tư vào loại tài nguyên này để mong kiếm lời nhưng có sự sụp đổ của các loại tiền này, trong đó không loại trừ yếu tố lừa đảo. Đó là sự lãng phí về nguồn lực cần được kiểm soát."

 

Đại biểu Nguyễn Hải Trung – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: "Thời gian qua, nổi lên hoạt động liên quan đến sử dụng thông tin, giấy tờ giả để mở tài khoản hoặc thuê người khác mở tài khoản, sau đó bán lại tài khoản cho đối tượng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Mục đích của hành vi này là nhằm che giấu thông tin về tài sản của cá nhân, tổ chức thực sự quản lý, sở hữu tài sản, gây khó khăn, tránh né công tác phát hiện của các cơ quan quản lý nhà nước. Đây là vấn đề rất quan trọng. Nếu nhận diện, xác định rõ đối tượng trực tiếp quản lý, sử dụng tài khoản sẽ góp phần triệt tiêu được việc giả mạo thông tin tài khoản. Do vậy, tôi kiến nghị có cơ chế phối hợp đối chiếu thông tin chủ tài khoản ngân hàng, tài khoản trên nền tảng trung gian thanh toán khi đăng ký mở tài khoản với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...."

 

Đại biểu Thái Thị An Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: "Cùng với ngân hàng, bất động sản là lĩnh vực có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công, bởi vì đầu tư bất động sản tương đối thuận lợi và thủ tục đơn giản hơn khi tham gia thị trường. Các giao dịch mua, bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản hoặc trực tiếp giữa người mua và người bán. Việc thanh toán thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên có thể bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản nên rất khó kiểm tra, xác minh nguồn gốc của tiền. Thực tế cho thấy, việc thanh toán bằng tiền mặt đối với các giao dịch bất động sản tại Việt Nam khá phổ biến. Giao dịch không qua sàn giao dịch chiếm số lượng lớn và giá trị các giao dịch cao. Qua đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy các đối tượng phạm tội thường rửa tiền bằng cách nhờ người thân, gia đình mua, chuyển nhượng, tặng, cho bất động sản. Chính vì vậy, việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết."

 

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: "Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, công nghệ hiện đại không chỉ tạo ra điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn là cơ hội để các đối tượng thực hiện các hành vi gian lận tinh vi và phức tạp hơn, bao gồm các hình thức rửa tiền sử dụng công nghệ cao qua các kênh thương mại điện tử, dịch vụ tài chính trên nền tảng số, trí tuệ nhân tạo, công cụ chuyển nhượng Blockchain (như là topten hay là coin). Trong khi đó, luật chưa có những quy định cụ thể nhằm điều chỉnh các giao dịch liên quan đến tiền ảo và tài sản ảo. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo để kịp thời ngăn chặn các hành vi rửa tiền..."

 

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: "Theo Ngân hàng thế giới, ước tính mỗi năm có khoảng 300 đến 500 tỷ USD thu được từ hoạt động phạm tội và đã bị rửa. Ở nước ta, từ năm 2013 đến năm 2020 đã chuyển giao 857 vụ việc liên quan đến 5.614 báo cáo, giao dịch đáng ngờ cho các cơ quan chức năng và đã nhận được phản hồi từ các cơ quan chức năng liên quan đến 528 vụ việc, trong đó có 10 vụ việc đã được khởi tố vụ án. Việc xác định chính xác tình hình tội phạm rửa tiền rất khó khăn. Đề nghị báo cáo tổng kết phải nói rõ hơn bức tranh tổng thể hoạt động rửa tiền tại nước ta hiện nay ra sao. Tiền thường được rửa dưới hình thức nào, quy mô ra sao, ở lĩnh vực nào là chính, đây là thông tin quan trọng để đại biểu Quốc hội thảo luận, xem xét khi quyết định các quy định của dự thảo luật."

 

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: "Các lĩnh vực như ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, trò chơi có thưởng, bất động sản, chuyển tiền điện tử… là những lĩnh vực có khả năng cao xuất hiện các giao dịch đáng ngờ mà đối tượng phải báo cáo. Tuy nhiên phần lớn các quy định về dấu hiệu đáng ngờ còn mang tính định tính, chưa thật sự rõ ràng, rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ."

 

Đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá: "Đề nghị bổ sung quy trình đánh giá rủi ro ngành về rửa tiền nhằm hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện công tác thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền đối với các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ có rửa tiền và là một trong những yêu cầu thuộc nhóm vấn đề then chốt và cơ bản trong công tác phòng, chống rửa tiền, đồng thời đáp ứng yêu cầu xử lý các thiếu hụt của Việt Nam liên quan đến phòng, chống rửa tiền."

 

Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng: "Lĩnh vực kinh doanh bất động sản là một trong những lĩnh vực có tiềm ẩn nguy cơ về rửa tiền cao, các giao dịch bất động sản thường có giá trị lớn, hệ thống thông tin để có thể truy xét về nguồn gốc, quá trình giao dịch chưa đầy đủ, điều này ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền. Để thực sự xây dựng được một thị trường bất động sản hoàn toàn minh bạch thì việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền theo tôi là chưa đầy đủ. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu các quy định liên quan đến thủ tục giao dịch, phương thức giao dịch, thanh toán giao dịch bất động sản, việc kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý về đất đai, xây dựng công chứng, v.v. tại các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Công chứng."

Bảo Yến - Phạm Thắng