LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ: CẦN ƯU TIÊN TẬP TRUNG NGUỒN LỰC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ SỰ CỐ

01/11/2022

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 01/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Thảo luận tại tổ 10, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm chính sách ưu tiên tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả sự cố vào nội dung chính sách của Nhà nước trong phòng thủ dân sự.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 10: KHUYẾN KHÍCH CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ HỢP TÁC THÀNH LẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ 

Toàn cảnh phiên họp

Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Phòng thủ dân sự để khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, hồ sơ dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều nội dung được nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu. Cơ quan soạn thảo đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến tại các Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng- An ninh; rà soát thể chế hóa các chính sách tại Nghị quyết số 22/NQ-TW thành nhiều nội dung quan trọng tại dự thảo Luật; bổ sung thông tin, kinh nghiệm quốc tế về phòng thủ dân sự. Nội dung dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật rộng, vì vậy, cần phân biệt rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng thủ dân sự với phạm vi điều chỉnh của các luật chuyên ngành, để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, khó áp dụng. Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung như: các biện pháp phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy; nhiệm vụ của lực lượng phòng thủ dân sự; trang bị cho lực lượng phòng thủ dân sự; cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện hoạt động phòng thủ dân sự.

Đại biểu Trần Văn Tiến- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, dự thảo Luật có 71 Điều, nhưng có đến 11 Điều, khoản còn giao Chính phủ, Bộ, ngành quy định chi tiết, hoặc hướng dẫn chi tiết thi hành luật. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu những nội dung nào đã rõ, đã cụ thể hóa được thì cần quy định ngay trong Luật để tăng tính công khai, minh bạch của dự thảo Luật.

Về tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, Luật Phòng thủ dân sự hiện hành liên quan tới 95 văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, tại điều 70 về bãi bỏ, sửa đổi một số điều của các Luật có liên quan đến phòng thủ dân sự, mới đề cập tới việc sửa đổi một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Năng lượng nguyên tử… Hiện còn nhiều Luật chưa được điều chỉnh như Luật Quốc phòng, Luật Phòng cháy chữa cháy. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để chỉnh sửa, điều chỉnh cho phù hợp.

Về giải thích từ ngữ, khoản 1 Điều 2 giải thích phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Đại biểu Trần Văn Tiến cùng một số đại biểu cho rằng, cách giải thích này không tương thích với khoản 1, Điều 3, đồng thời đề nghị cần làm rõ khái niệm cấp độ phòng thủ dân sự.

Đối với nội dung Chính sách của Nhà nước trong phòng thủ dân sự, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thêm chính sách ưu tiên tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả sự cố. Về nội dung xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần quy định rõ về tiêu chuẩn kỹ thuật khi xây dựng các công trình phòng thủ dân sự nhằm đảm bảo an toàn cho công trình khi có sự cố, thảm họa xảy ra.

Các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Tất Hiếu- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, để đảm bảo tính bao quát của quy định pháp luật, cần bổ sung thêm hanh fvi nghiêm cấm là hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự.

Dự thảo Luật đã liệt kê một số biện pháp mà Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng, tuy nhiên, theo đại biểu Lê Tất Hiếu cùng các đại biểu, quy định này còn chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện. Đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm biện pháp huy động lực lượng, phương tiện ứng phó thảm họa, ví dụ như biện pháp sơ tán người dân, tuần tra, canh gác tại các khu vực có nguy cơ thảm họa, sự cố, để bảo đảm hiệu quả cho việc thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự.

Đại biểu Lê Tất Hiếu cùng các đại biểu cũng cho biết, tại Điều 21 về cấp độ phòng thủ dân sự, dự thảo Luật có quy định rõ, có 4 cấp độ phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, tại Điều 22 quy định về thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự, lại chỉ quy định về thẩm quyền ban bố bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1, 2, 3. Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh của Chủ tịch nước về tình trạng khẩn cấp, các địa phương được đặt trong tình trạng khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 4. Đại biểu cho rằng, luật chưa quy định rõ việc bãi bỏ cập độ phòng thủ dân sự, chưa đảm bảo chặt chẽ, thống nhất.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị xây dựng dự án Luật cần bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 22-NQ/TW, các Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và yêu cầu thực tiễn để quy định toàn diện hơn các nội dung về phòng thủ dân sự; rà soát hệ thống pháp luật để bổ sung những quy định còn thiếu liên quan đến phòng thủ dân sự để triển khai phù hợp trên thực tế. Như vậy, Luật Phòng thủ dân sự sẽ cùng với quy định của các luật chuyên ngành tạo thành cơ chế đồng bộ, thống nhất, có phân công, phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng, đặc biệt là vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố.

Minh Hùng- Nghĩa Đức