THẢO LUẬN TẠI TỔ 14: CHƯA CẦN THIẾT PHẢI LẬP LIÊN ĐOÀN HỢP TÁC XÃ

01/11/2022

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khoá XV, chiều nay (01/11), Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Dự án Luật Phòng thủ dân sự. Tổ 14 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Phước. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh điều hành phiên họp tổ.

THẢO LUẬN TỔ 14: NÊN CÓ HÌNH THỨC TỰ CHỌN BIỂN SỐ XE CHO NGƯỜI DÂN VỚI MỨC PHÍ VỪA PHẢI

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh điều hành phiên họp tổ.

Cho ý kiến vào dự án Luật hợp tác xã sửa đổi, các đại biểu tán thành với việc  đổi, bổ sung toàn diện Luật HTX hiện hành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế; hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác; xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh; giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Thảo luận tại tổ 14, góp ý cụ thể vào các điều khoản, một số đại biểu đề nghị, cần phải quy định rõ hơn về Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã. Phải làm rõ vai trò, chức năng của quỹ, nguồn hình thành quỹ, cơ chế vận hành, tính công khai, minh bạch của quỹ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần phải đánh giá rất kỹ việc thành lập Liên đoàn Hợp tác xã.

Đại biểu Nguyễn Phú Cường phát biểu tại phiên họp 

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh lập luận, theo quy định tại khoản 12 Điều 4 dự thảo Luật thì Liên hiệp hợp tác xã được thành lập nhằm “mang lại lợi ích, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tham gia thị trường và xây dựng cộng đồng các tổ chức kinh tế hợp tác ngày một lớn mạnh, bền vững”. Nhiệm vụ này tương tự như nhiệm vụ của Liên đoàn Hợp tác xã tại khoản 13 điều 4 dự thảo Luật. Do đó đề nghị tiếp tục làm rõ sự cần thiết thành lập và rà soát kỹ các quy định về tổ chức, hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã. Trong trường hợp việc thành lập tổ chức này có nhiều chồng chéo, trùng dẫm về chức năng, nhiệm vụ thì đề nghị bỏ quy định về việc thành lập Liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo để tránh việc thành lập nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác có các pháp nhân tương tự.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng nhận định “chưa thấy được sự cần thiết cũng như tính chất để thành lập Liên đoàn hợp tác xã. Đây là nội dung mới được bổ sung, cần phải được đánh giá kỹ”.

Về khoản 2 điều 74, dự thảo Luật mở rộng quy định thành viên Hợp tác xã, Tổ hợp tác là cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi. Theo lý giải, việc hạ độ tuổi  nhằm góp phần tăng cường sự tham gia làm thành viên Hợp tác xã, Tổ hợp tác.

Tuy nhiên, việc mở rộng thành viên ở độ tuổi 15 khiến đại biểu  Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh băn khoăn, đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm sự phù hợp với các quy định của hệ thống pháp luật.

Theo đại biểu, thành viên ở độ tuổi này có thể không hiệu quả trên thực tế, dễ trở thành hình thức để đối tượng khác “núp bóng”.

Cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu cho biết, hiện quy định về tình trạng khẩn cấp trong các lĩnh vực đã được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Khẩn cấp về quốc phòng được quy định tại Luật Quốc phòng; khẩn cấp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được quy định tại Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp, Luật An ninh quốc gia….và hơn 30 luật có liên quan quy định về tình trạng khẩn cấp. Trong khi đó, dư thảo Luật Phòng thủ dân sự không có khái niệm, giải thích cụm từ “tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự”, hệ thống pháp luật hiện hành cũng chưa có tên gọi tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự mà chỉ là các nhiệm vụ liên quan đến phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp…Do đó cần phải xác định lại rành mạch “khái niệm phòng thủ dân sự” trong tình trạng khẩn cấp, để tránh trùng dẫm lên tình trạng khẩn cấp về thảm hoạ lớn, dịch bệnh nguy hiểm và an ninh trật tự đã quy định tại Pháp lệnh.

Về các công trình phòng thủ dân sự, quy định tại điều 12, đại biểu cho rằng xác định như trong luật đang bị quá rộng, cần phải thu hẹp lại, xác định công trình nào là công trình trực tiếp cho công tác phòng thủ, công trình nào là lưỡng dụng để quản lý.

Một số ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi và hợp lý của việc hình thành Quỹ Phòng thủ dân sự khi mà  hiện nay đã có quá nhiều loại quỹ như: Quỹ Phòng, chống thiên tai, Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Phòng, chống dịch,… và mỗi loại quỹ đều có tính chất, cách thức sử dụng, nguồn hình thành, đối tượng chi khác nhau./.

Dương Dung