ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NHẬN DIỆN MUÔN VẺ LÃNG PHÍ

31/10/2022

Phiên thảo luận toàn thể về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 31/10 tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân cả nước bởi các đại biểu đã nhìn thẳng vào những tồn tại hạn chế. Không phủ nhận kết quả nhưng còn đó những vấn đề cần được quan tâm đúng mức hơn. Đó còn là những lãng phí vô hình, khó định lượng nhưng ảnh hưởng lại rất lớn.

TỔNG THUẬT CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2016-2021

TỔNG THUẬT SÁNG 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2016-2021 

GIÁM SÁT TỐI CAO THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ: TẠO CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC NGAY TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI 

HÌNH ẢNH BÊN LỀ PHIÊN THẢO LUẬN VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2016-202

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên thảo luận, các đại biểu ghi nhận những kết quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhất là từ khi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được ban hành. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng trụ sở làm việc công. Nhiều khu đất có vị trí đắc địa là đất vàng, giá trị lớn ở các trung tâm đô thị nhưng bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực. Cùng với đó là tình trạng nợ đọng thuế, nhiều dự án đầu tư công trên các lĩnh vực chậm tiến độ, tình trạng công trình chờ vốn, vốn chờ công trình không phải là hết hiếm. Việc thất thoát vốn ở các doanh nghiệp nhà nước mặc dù có khắc phục nhưng chưa được nhiều…Các đại biểu cho biết có những lãng phí về nhà cửa và đất đai đang còn bị lãng phí rất lớn và cũng là vấn đề có tính nhạy cảm cao, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy, liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách.

Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình ghi nhận cuộc giám sát tối cao thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một cuộc rà soát tương đối tổng thể, quy mô đối với lĩnh vực công. Đây là một cuộc giám sát khó về mặt lượng hóa, sự lãng phí, giá trị của việc thực hành tiết kiệm. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ rõ còn đó những lãng phí vô hình, khó định lượng. Đó là lãng phí nhân lực, lãng phí trách nhiệm, lãng phí cơ hội, lãng phí luật…vẫn hàng ngày tồn tại nhưng ảnh hưởng rất lớn.

Lãng phí luật – khởi nguồn cho những bất cập, vướng mắc, kém hiệu quả

Đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà chỉ rõ, hệ thống pháp luật liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đồ sộ, gồm 179 luật, pháp lệnh, nghị quyết, 5968 văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật trong thực hành tiết kiệm chưa nghiêm, sự lãng phí trên nhiều lĩnh vực ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều đó cho thấy hệ thống pháp luật, chính sách, biện pháp tổ chức thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí chưa bảo đảm tính pháp chế, tính kỷ luật, kỷ cương và chưa đạt hiệu quả.

Đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà 

Trước thực tế này, đại biểu cho rằng cần sớm rà soát các hệ thống pháp luật hiện hành, về các chính sách quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực gây ra sự lãng phí lớn tài sản của Nhà nước và của xã hội. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn, nhằm sớm hạn chế sự lãng phí các nguồn lực quốc gia và xã hội.

Đại biểu nhấn mạnh điều quan trọng, cốt lõi hơn là Đảng và Nhà nước ta cần có chiến lược xây dựng cho được trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức và toàn xã hội văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm, tư duy làm việc hiệu quả dù là việc nhỏ nhất gắn với việc thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật và chế tài mạnh đối với các hành vi gây lãng phí, thất thoát tài sản công mới tạo được sự chuyển biến tích cực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.

Trong khi đó, đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, trong thực thi chính sách, tình trạng "đầu voi, đuôi chuột" thường dẫn đến sự lãng phí và không chỉ thế còn đem lại sự khó khăn, khó xử cho rất nhiều người đáng ra phải là đối tượng được hưởng lợi từ chính sách. Đại biểu cho rằng để khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ giữa chính sách và nguồn lực, cần có sự nghiên cứu đầy đủ, đánh giá tác động của chính sách từ khi ban hành và triển khai.

Mặt khác, nếu chính sách không khả thi thì cần dũng cảm không bắt đầu, còn nếu bắt đầu phải triển khai cho tới nơi, tới chốn, đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện chính sách, có như thế mới hạn chế được sự lãng phí, đại biểu nêu rõ.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Bế Trung Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng nhận định sai nguyên nhân cũng là một lãng phí. Lãng phí này là lãng phí cơ hội. Lãng phí đầu tư. Bày tỏ ấn tượng với nhận định trong báo cáo giám sát về nguyên nhân cho toàn bộ hạn chế đó là "việc chấp hành luật pháp còn chưa nghiêm". Theo đại biểu Bế Trung Anh, một khi nhận định trên thì cũng cần chỉ rõ ai, tổ chức nào chấp hành luật chưa nghiêm và nếu đúng thế rồi thì theo luật phải làm thế nào? Nếu chưa thực hiện được hai công đoạn này có nghĩa chúng ta có luật nhưng chưa làm theo hoặc chưa dùng đến, tức là lãng phí luật. Nếu đó là nguyên nhân của những lãng phí thì lãng phí này là lãng phí tiềm tàng và có thiệt hại lớn.

Đại biểu Bế Trung Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu Bế Trung Anh chia sẻ mỗi đại biểu Quốc hội có trách nhiệm lớn lao được cử tri giao phó là thể chế các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước là làm luật. Trong đó, mỗi bộ luật mất tối thiểu 1 năm, 2 năm và thậm chí nhiều hơn thế. Vất vả, tốn kém như vậy càng thôi thúc Quốc hội, mỗi đại biểu Quốc hội phải sử dụng hết quyền năng của luật. Do đó, đại biểu kiến nghị tuyệt đối không nên tiết kiệm trong việc tìm chính xác các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế. Đồng thời, cải cách thể chế theo định hướng tăng năng suất chịu trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Cuối cùng là không nên lãng phí luật, đại biểu Bế Trung Anh chỉ rõ.

Lãng phí trách nhiệm – làm suy giảm năng lực làm việc của cán bộ, công chức, viên chức

Ghi nhận Báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu lên và phân tích khá toàn diện các vấn đề liên quan, đại biểu Trần Hữu Hậu – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng với những con số, những đúc kết mà kết luận giám sát đưa ra thì bất cứ ai khi đọc tới cũng khó có thể làm ngơ. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hữu Hậu, đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng, mới chỉ là một phần của những lãng phí hữu hình có thể nhìn thấy được, chỉ ra được, đo đếm được để thấy được rằng đã rất lớn, rất nghiêm trọng rồi. Đằng sau những lãng phí hữu hình ấy là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí nguồn lực quý giá của quốc gia, làm suy yếu bộ máy công quyền.

Đại biểu Trần Hữu Hậu – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Đại biểu Trần Hữu Hậu cho biết, một trong những lãng phí như vậy đã được nêu lên trong kỳ họp thứ 3 là "lãng phí niềm tin". Tại kỳ họp này sẽ đề cập đến một lãng phí khác. Đó là "lãng phí trách nhiệm", đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Trần Hữu Hậu phân tích có những chuyện không thể đấu thầu được thuốc, vật tư y tế trong nhiều bệnh viện công đã và đang ảnh hưởng lớn tới việc khám, chữa bệnh cho hàng triệu người dân. Chuyện không ít cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước không làm hoặc không dám làm những việc cần phải làm đang gây trì trệ biết bao nhiêu công việc lớn, nhỏ trong bộ máy quản lý hành chính gây lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp. Ở một góc độ nào đó, những người trong cuộc bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức đấu tranh, thiếu năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhưng theo đại biểu Nguyễn Hữu Hậu, phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm, chỉ có điều tinh thần trách nhiệm của họ do nhiều nguyên nhân không được phát huy, bị lãng phí.

Đại biểu cho biết, có một quy luật của sự phát triển, đó là khi tiêu cực, yếu kém, trì trệ trở thành phổ biến thì lỗi không chỉ thuộc về những người trực tiếp làm ra tiêu cực, yếu kém, trì trệ mà lỗi trước hết thuộc về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành của bộ máy ấy. Để xóa đi những tiêu cực, trì trệ, yếu kém thì không chỉ dừng ở sự xử lý những người trực tiếp gây ra nó mà vấn đề căn bản là phải cải tổ bộ máy và phương thức vận hành của bộ máy ấy.

Từ câu chuyện trên và nhiều vấn đề được các đại biểu nêu lên trong những ngày gần đây cho thấy thất thoát, lãng phí trách nhiệm đang trở nên phổ biến trong các cấp, các ngành, ở một bộ phận không nhỏ các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức. Sự thất thoát, lãng phí này đã và đang gây ra những hậu quả khôn lường trong hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước trong thực thi công vụ, làm thất thoát, lãng phí lòng tin của Nhân dân với Đảng, với Nhà nước. Đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm thấu đáo quy luật này, loại lãng phí này để có giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt, biện pháp cụ thể để chúng ta không bị lãng phí trách nhiệm, lãng phí niềm tin, những tài sản, tài nguyên vô giá của sự phát triển đất nước.

Cũng liên quan đến cán bộ và bộ máy quản lý, đại biểu Phạm Trọng Nhân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương thẳng thắn cho rằng, xử lý cán bộ sai phạm là rất đau xót. Tuy nhiên, để có được một cán bộ cấp cao, không thể cân đong được số tiền cũng như định lượng được công sức mà Nhà nước, xã hội bỏ ra để đào tạo.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, nếu xem thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đơn thuần là việc đối chiếu, soi rọi các định mức, tiêu chuẩn có phù hợp với quy định hay không thì có thể chưa đủ, bởi có những lãng phí vô hình mà chính sách, pháp luật, kể cả báo cáo chưa đề cập và khó đo đếm được. Ở một khía cạnh khác, đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu quan điểm, để xử lý cán bộ sai phạm là rất đau xót. Tuy nhiên, để có được một cán bộ cấp cao, không thể cân đong được số tiền cũng như định lượng được công sức mà Nhà nước, xã hội bỏ ra để đào tạo.

Từ những lãng phí được nêu ra, đại biểu đặt câu hỏi, với cơ chế chưa phù hợp thì thành phố hay các địa phương phát triển bị nêu trong báo cáo phải làm thế nào để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí? Cùng với đó, đại biểu trăn trở, cơ chế chính sách hiện hành có thực sự ngăn ngừa và bảo vệ cán bộ công chức khỏi cám dỗ của vật chất để họ chỉ có một lựa chọn duy nhất là làm đúng ngay từ đầu? Bởi, nếu giáo dục chưa đủ mạnh, dũng khí còn chông chênh trước những kẻ xấu thì luật pháp phải là phát súng chỉ thiên để cảnh báo những ai đang có ý định vượt lằn ranh của thể chế.

Hiện hữu nguy cơ lãng phí nguồn nhân lực của thời kỳ dân số vàng

Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã chỉ ra lãng phí về mặt nhân lực. Đại biểu phân tích, nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động hùng hậu là 51,5 triệu người, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới là 67% và tỷ lệ có văn bằng chứng chỉ mới đạt 27%. Nếu chúng ta không có chính sách để tận dụng thời cơ và phát huy thế mạnh của thời kỳ dân số vàng thì đây sẽ là lãng phí rất lớn, có tác động tiêu cực về nhiều mặt và kéo dài qua nhiều thế hệ.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Trong 10 năm qua, năng suất lao động của nước ta có sự cải thiện đáng kể. Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất khu vực ASEAN, giai đoạn 2011-2015 là 4,53%, giai đoạn 2016-2020 là 5,97%. Tuy nhiên, năm 2021 và năm 2022 thì tốc độ này tăng trưởng giảm xuống và trong cả 2 năm này thì tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân đều không đạt chỉ tiêu Quốc hội ban hành. Mặt khác, do xuất phát điểm thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đủ nhanh nên khoảng cách về năng suất lao động giữa nước ta với các nước trong khu vực vẫn còn rất xa. Nếu không có giải pháp quyết liệt, năng suất lao động của Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn so với các quốc gia trong khu vực, nguy cơ lãng phí nguồn nhân lực của thời kỳ dân số vàng là hiện hữu, đại biểu nhấn mạnh.

Mặt khác, theo số liệu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mỗi năm cả nước có 38% sinh viên ra trường không có định hướng nghề nghiệp cụ thể, có 60% làm trái ngành. Nghiên cứu công bố năm 2022 của Trường Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật, công nghệ, kiến trúc và xây dựng làm trái ngành là 31,6%, tỷ lệ này ở các ngành nhân văn và nghệ thuật là 63%, các ngành nông, lâm, ngư và thú y là 67%. Sinh viên dành từ 4 đến 6 năm học đại học cho một chuyên ngành nhưng sau đó một tỷ lệ không nhỏ lại làm việc ở một lĩnh vực khác. Đây là lãng phí cho bản thân sinh viên và gia đình, cho doanh nghiệp và xã hội.

Tại kỳ họp này nhiều đại biểu đã thảo luận nhiều về tình trạng công chức, viên chức thôi việc, nhất là viên chức y tế và giáo dục. Việc hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc là hiện tượng rất bất bình thường, bởi vì hầu hết số nghỉ việc là bỏ nghề giáo. Trong bối cảnh Nhà nước đang thiếu hơn 100.000 giáo viên thì tình trạng bỏ nghề của nhà giáo là hồi chuông báo động về việc sử dụng, đãi ngộ các thầy, các cô. Theo đại biểu, đây là sự lãng phí lớn cả về khía cạnh kinh tế, cả về khía cạnh xã hội, có nhiều tác động tiêu cực, trong đó có cả tác động về niềm tin yêu, sự tự hào với nghề cao quý này. Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung nội dung chống lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực vào báo cáo giám sát, đồng thời bổ sung các giải pháp để phát triển tối đa lợi thế thời kỳ dân số vàng để chuyển dân số chúng ta từ vàng về số lượng sang vàng về chất lượng.

Bảo Yến