ĐẠI BIỂU THƯỢNG TỌA LÝ MINH ĐỨC: GIẢI QUYẾT KỊP THỜI, HIỆU QUẢ KHI CÓ BẠO LỰC XẢY RA Ở CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ

31/10/2022

Đưa ra ý kiến góp ý về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Thượng tọa Lý Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho rằng các quy định về phòng, chống bạo lực gia đình cần mang tính đồng bộ, đi vào chiều sâu, giải quyết kịp thời, hiệu quả khi có bạo lực xảy ra ở cộng đồng dân cư.

SỬA ĐỔI LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LƯC GIA ĐÌNH: CẦN QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM BÁO TIN CỦA CÁC THÀNH VIÊN GIA ĐÌNH

Đại biểu Thượng tọa Lý Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tham gia phát biểu

Tham gia phát biểu tại Hội trường, Thượng tọa Lý Minh Đức nêu rõ, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. Cả đàn ông và đàn bà đều phải có trách nhiệm xây dựng một gia đình yên ấm, hạnh phúc, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, như vậy sẽ góp phần xây dựng nên xã hội văn minh, lành mạnh.

Giải quyết kịp thời, hiệu quả khi có bạo lực xảy ra ở cộng đồng dân cư

Tham gia đóng góp dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu tập trung vào nhũng nhóm vấn đề chính sau:

Về hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1 Điều 3, đại biểu kiến nghị bổ sung một khoản quy định về hành vi tự bản thân bạo lực như là tự tử, tự gây thương tích cho bản thân mình nhằm đưa ra điều kiện gây sức ép đối với các thành viên trong gia đình để đạt được nhiều mong muốn hoặc đáp ứng theo yêu cầu của bản thân.

Về về địa chỉ tin cậy tại quy định tại Điều 36, đại biểu kiến nghị tại khoản 4 bổ sung cụm từ "phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp" sau cụm từ "tuyên truyền, vận động tham gia xây dựng các địa chỉ tin cậy với cộng đồng dân cư". Vì thế, khoản 4 được viết lại như sau: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp tuyên truyền, vận động tham gia xây dựng các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư.

Bởi vì, các thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, trong đó có các cơ sở tôn giáo không có đủ điều kiện, chỉ có thể phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước mới có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật. Quy định như vậy sẽ đảm bảo phòng, chống bạo lực gia đình mang tính đồng bộ, đi vào chiều sâu, giải quyết kịp thời, hiệu quả khi có bạo lực xảy ra ở cộng đồng dân cư.

Đảm bảo các yêu cầu trong truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình

Liên quan đến vấn đề mục đích, yêu cầu trong thông tin truyền thông, giáo dục, đại biểu cho biết tại Điều 13 khoản 2 quy định việc thông tin truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình phải đảm bảo yêu cầu như sau: Thường xuyên, chính xác, rõ ràng, đơn giản, thiết thực; Phù hợp với trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, địa bàn; chú trọng đến phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người thường xuyên kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, định kiến giới, kỳ thị, phân biệt đối xử khác, có hành vi cổ xúy cho bạo lực.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm bình đẳng giới, không làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị bạo lực gia đình và các thành viên khác trong gia đình; Bảo đảm an toàn đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình khi sử dụng để làm tư liệu thông tin, truyền thông, giáo dục.

Để thực hiện như quy định trên, đại biểu kiến nghị tại Điều 46 nên bổ sung một khoản quy định cung cấp thông tin, tài liệu, văn bản luật và các quy định có liên quan về phòng, chống bạo lực gia đình. Bởi vì, muốn làm tốt công tác tuyên truyền thông tin, truyền thông thì các thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã rất cần các cơ quan nhà nước thường xuyên cập nhật và cung cấp các văn bản quy định, các luật có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình để làm tài liệu, làm cơ sở cho công tác thông tin, truyền thông đạt kết quả tốt, góp phần làm thay đổi hành vi của đối tượng cần hướng đến. Đặc biệt, trong một số đồng bào dân tộc thiểu số còn chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán dân tộc mình nên rất cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về kiến thức pháp luật để họ hiểu và góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, hạn chế dẫn đến bạo lực.

Đại biểu chia sẻ, khi còn tại thế, Đức Phật đã rất quan tâm đến mối quan hệ trong gia đình, ngài đã khuyên dạy trong các tản kinh về cách cư xử của con người, của con đối với cha mẹ, của vợ đối với chồng, của chủ đối với người giúp việc và ngược lại. Nói rộng ra, mối quan hệ giữa người với người, giữa người với vạn vật thiên nhiên để đem lại cho mỗi người, mỗi gia đình một giá trị hạnh phúc đích thực, đầy trí tuệ và đạo hạnh. Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, góp phần đưa ra những phương pháp khuyên nhủ để các phật tử là mọi thành viên trong gia đình có cách giải quyết những vấn đề bức xúc, có nghĩa, có tình, góp phần xây dựng nên con người đạo hạnh./.

Hồ Hương