NĂNG LỰC CẠNH TRANH GẮN LIỀN VỚI TƯ DUY PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

31/10/2022

Nội dung thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân. Quan tâm đến vấn đề này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp gắn liền với tư duy phát triển bền vững, sự chú trọng đến yếu tố môi trường, xã hội và quản trị.

TỔNG THUẬT SÁNG 25/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ DỰ ÁN LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)

Năng lực cạnh tranh gắn liền với tư duy phát triển bền vững

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nội dung về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu, cử tri và nhân dân hết sức quan tâm. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả khả quan đáng trân trọng. Cùng với các chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, nền kinh tế có các dấu hiệu phục hồi, hơn 100 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bên cạnh đó số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng khá cao, hơn 50 nghìn doanh nghiệp, với mức tăng là 38% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có thể một phần do hệ quả của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các doanh nghiệp không còn khả năng duy trì khả năng cạnh tranh hoặc cũng có thể do chính sự yếu kém trong nội tại quản trị của doanh nghiệp. Vì thế, bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của doanh nghiệp trước các cú sốc và các thách thức bất ổn là vấn đề mấu chốt trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Nhiều chuyên gia nhận định, năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp được thể hiện ở khả năng tồn tại của doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh, bằng cách chứng minh sản phẩm và dịch vụ có tính đổi mới và đa dạng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, cùng với giá cả cạnh tranh ngay cả thị trường trong nước và quốc tế. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đang được phân tích dựa trên hai chỉ số chính là năng suất và sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp, mà ở đó phải thỏa mãn tốt nhất cho khách hàng trên thị trường nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có lợi nhuận. Bên cạnh đó có tỉnh đến các yếu tố nội tại của doanh nghiệp, đó là các yếu tố đầu vào của sản xuất như lao động, đất đai, máy móc cũng như trình độ quản lý, tiếp thị, nguồn tài chính, công nghệ và khả năng sáng tạo.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà quản lý, trong điều kiện mới - phục hồi hậu Covid, năng lực cạnh tranh cần tính đến cách doanh nghiệp tiếp cận với tư duy phát triển bền vững, chắc chắn bên cạnh lợi nhuận thì các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị tốt cần được đưa vào chiến lược và đo lường qua các các kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm. Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình phát triển trong thị trường trong nước đã bộc lộ năng lực cạnh tranh kém so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngay tại thị trường trong nước. Hơn thế, việc trải qua thời kỳ dịch bệnh vừa qua thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất dễ bị tổn thương khi có các cú sốc bất lợi từ bên ngoài như dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh.

Hàng năm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cũng dễ bị tổn thương. Khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ rút lui khỏi thị trường vì họ không có khả năng vượt qua được khủng hoảng thì vốn doanh nghiệp đã đầu tư bị phá hủy, người lao động bị mất việc làm, mức độ bất bình đẳng trong xã hội có thể tăng lên. Chính vì vậy việc Chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp giúp doanh nghiệp có thể tăng khả năng chống chịu trước những cú sốc.

Chủ động giành cơ hội để phục hồi bền vững

Nhiều chuyên gia cho rằng, các biện pháp hỗ trợ nhằm vào các mục tiêu chính như: Cải thiện tính ổn định về tài chính và tính thanh khoản: giúp các doanh nghiệp tránh khả năng mất thanh khoản do bị suy giảm loại nhuận tạm thời trước cú sốc bất khả kháng, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc duy trì hoạt động và thích ứng thông qua việc cải thiện tính linh hoạt trong điều hành hoạt động giúp doanh nghiệp tăng năng suất, hỗ trợ lao động trong việc duy trì việc làm và khả năng thích ứng giúp hỗ trợ lao động chống chọi được khi cú sốc bất lợi đến hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ vì họ là nguồn nhân lực quan trọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thủ tục tái cơ cấu để giảm số lượng và tác động của các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản liên quan đến những thách thức pháp lý và tài chính khi có một cuộc khủng hoảng kéo dài.

Bàn về giải pháp thiết thực để doanh nghiệp nâng cao sức chống chịu - chủ động giành cơ hội, phục hồi bền vững, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh chỉ ra rằng, các doanh nghiệp cần thực hiện các hành động thiết thực để đảm bảo tính hoạt động kinh doanh liên tục – liên tục ứng phó với các rủi ro bất ổn không chỉ bởi đại dịch, mà trong mọi điều kiện. Cụ thể, cần cần ưu tiên cao đến các hoạt động tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp, có hiệu quả tức thì, hoàn toàn trong khả năng thực thi và kiểm soát của mỗi doanh nghiệp, tập trung vào các ưu tiên quan trọng và lâu dài, quản trị dòng tiền. Cần tối ưu hóa hệ thống và doanh nghiệp hoàn toàn chủ động được trong khâu thực thi, tập trung vào Thị trường và các sáng tạo để thích ứng với thay đổi thói quan của người tiêu dùng. Xây dựng các chính sách gắn kết với các nhà cung ứng đảm bảo tỉnh liên tục của Chuỗi Giá trị và chuỗi Cung ứng.

Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh

Đồng thời, cần ưu tiên các hành động mang tính chiến lược, dài hạn, là sự lựa chọn khôn ngoan của doanh nghiệp để phục hồi kiên cường, bền vững, tập trung vào điều chỉnh/ thay đổi/ nâng cao chất lượng các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp; Tái thiết các nhóm sản phẩm trọng tâm; tối ưu hóa Thương mại điện tử.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định, trong bối cảnh hiện nay, 3 yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) không chỉ là một xu hướng tất yếu mà những nội dung này còn là những vấn đề then chốt đối với hội đồng quản trị và ban lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp Việt Nam. Những vấn đề này được coi là quan trọng trong việc tuân thủ và quản trị tốt, thương hiệu và danh tiếng, khả năng tiếp cận thị trường và tài chính bền vững. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đang nhìn nhận ESG là một rủi ro, tuy nhiên, trên thực tế, đây chính là yếu tố cơ hội cho doanh nghiệp, đặc biệt khi các quỹ đầu tư quốc tế cũng đang lấy các yếu tố ESG làm cơ sở để đánh giá hiệu quả đầu tư của một doanh nghiệp, giúp tạo dựng uy tín và danh tiếng trên thị trường.

Trong điều kiện mới, phát triển bền vững gắn với quản trị biến đổi khí hậu, với các thông số liên quan và các yếu tố của 2 tiêu chí này được sử dụng để đánh giá cam kết của một công ty đối với các điều kiện về môi trường. Sự tập trung vào quản trị biến đổi khí hậu & phát triển bền vững chủ yếu chịu sự thúc đẩy từ người tiêu dùng, các cơ quan quản lý và nhà đầu tư, vì ngày càng có nhiều nhu cầu về các thực hành môi trường bền vững và công bằng từ các công ty trên khắp Việt Nam, khắp Đông Nam Á và trên toàn cầu.

Ngoài ra, các chuyên gia, nhà quản lý cũng cho rằng, bên cạnh các yếu tố về môi trường và xã hội, yếu tố quản trị cũng được xem là nền tảng cho phát triển bền vững. Khi sở hữu hệ thống quản trị tốt, doanh nghiệp có thể có được nhiều lợi ích về mặt tài chính như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng tiếp cận thị trường vốn, giảm chi phí; nâng cao uy tín của công ty, hội đồng quản trị và ban điều hành và hướng tới mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Minh Hùng