CẦN TIẾP TỤC HOÀN THIỆN NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI

27/10/2022

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, bên hành lang Hội trường Diên Hồng, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các đại biểu Quốc hội kiến nghị cần tiếp tục điều chỉnh hoàn thiện nội dung chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

TỔNG THUẬT SÁNG 24/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Kỳ họp

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, bên hành lang Hội trường Diên Hồng, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Việt Nam đã trải qua đại dịch COVID-19 đầy khó khăn với những hậu quả nặng nề về kinh tế, xã hội trong hơn 2 năm qua. Mặc dù các biện pháp kiểm soát chặt chẽ Covid năm 2020 đã giúp Việt Nam hạn chế được đáng kể sự lây lan của dịch bệnh, đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta năm 2021 đã ảnh hưởng nặng nề, gây ra những thiệt hại và ảnh hưởng lâu dài đến đời sống kinh tế xã hội của nước ta, đặc biệt là ở các trung tâm phát triển kinh tế phía Nam.

Trong bối cảnh đại dịch, Chính phủ đã chủ động đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời ngăn chặn bệnh dịch lây lan đồng thời cũng đã chuẩn bị các điều kiện phục hồi và phát triển cho thời kỳ hậu Covid. Ngay từ tháng 7 năm 2021, khi dịch bệnh còn đang hoành hành, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân tại nhiều địa phương trên cả nước, ý tưởng về một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch đã được hình thành và dần trở thành một chủ trương chính thức của Nhà nước. Chủ trương này đã được hiện thực hóa thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH 15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43) và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ngày 30 tháng 01 năm 2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp

Các đại biểu Quốc hội nhận định, Chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể trong việc xây dựng và chỉ đạo triển khai Chương trình này trong thời gian qua. Về cơ bản cho đến cuối tháng 6 năm 2022, các văn bản pháp lý cần thiết để thực hiện Chương trình đã được hoàn thiện. Đến cuối tháng 8 đã ban hành tới 29 văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chương trình này. Tuy nhiên đến hết tháng 8 năm 2022 khi 1/3 thời gian thực hiện chương trình đã trôi qua mới chỉ có khoảng 13.5% kinh phí cho chương trình được giải ngân.

Việc triển khai thực hiện thành công chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa to lớn về nhiều phương diện chính trị, kinh tế, xã hội. Thành công của Chương trình sẽ củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Chính phủ, tạo điều kiện khôi phục, tạo dựng và thúc đẩy các nền tảng, động lực phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong giai đoạn phát triển mới.

Nghiên cứu khảo sát tình hình thực tế ở một số địa phương, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng, thực tế triển khai cho thấy Chương trình vẫn tiếp tục có ý nghĩa lớn trên phương diện chính trị, kinh tế xã hội. Tuy nhiên bối cảnh phát triển mới đang đặt ra những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh trong quá trình thực thi nhằm đạt được các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả với sức lan tỏa lớn. Khảo sát ở các địa phương mặc dù ở giai đoạn rất ban đầu về Chương trình này khi thậm chí nhiều nội dung chưa được triển khai cũng cho thấy sự cần thiết của việc tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh nội dung của Chương trình trong thời gian tới. Việc lồng ghép nhiều mục tiêu (‘phục hồi’ và ‘phát triển’ trong cùng một nội dung) có thể hạn chế việc triển khai chương trình đúng với các đối tượng cần ‘phục hồi’ và tạo đà ‘phát triển”.

Các đại biểu Quốc hội cũng nêu rõ, Chương trình hỗ trợ tiền thuê nhà trọ đã kết thúc nhưng còn nhiều đối tượng cần phục hồi nhưng không được hỗ trợ do không đáp ứng tiêu chí “phát triển”.  Nhiều nội dung trong Chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn là những hạng mục thông thường, nhưng nội dung ít nhiều gắn với nhu cầu phục hồi do đại dịch lại có thể không còn cần thiết như ở các giai đoạn trước. Các nội dung thực sự có thể tạo ra những hiệu ứng lớn, ít khó khăn về mặt thực lại khó được mở rộng do những lo ngại khác. Việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất với kỳ vọng giải ngân tới mức gần 20% tổng dư nợ tín dụng tính tới thời điểm cuối năm 2021 trong thời gian chưa đến 16 tháng còn lại của chương trình trong khi trần dư nợ tín dụng cho cả năm 2022 chỉ là 14%.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, việc điều chỉnh hạn mục đầu tư phát triển hạ tầng theo Nghị quyết 584 của Ủy ban thường vụ Quốc hội với cả nội dung ‘điều hòa vốn’ giữa ngân sách dành cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình đầu tư công trung hạn là bước đi cần thiết trong bối cảnh chậm triển khai nội dung này. Tuy nhiên điều đó cũng sẽ đặt ra những thách thức mới cho việc thực hiên giải ngân trong thời gian còn lại cũng như kỳ vọng về các “dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế” như trong tiêu chí đề ra trong Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Hùng