TẠO HÀNH LANG PHÁP LUẬT, THÁO GỠ KHÓ KHĂN XÃ HỘI HÓA TRONG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

27/10/2022

Thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiếu ý kiến đại biểu cho rằng cần nghiên cứu quy định đầy đủ và rõ ràng hơn về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Tiếp sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, cũng như rà soát, tiếp thu, chỉnh lý về từ ngữ, văn phong, kỹ thuật lập pháp ở hầu hết các điều, khoản của dự thảo Luật; bổ sung 16 điều, bỏ 01 điều. Tại Kỳ họp thứ 4, Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Cho rằng vấn đề xã hội hóa là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đại biểu Trịnh Xuân An- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh những điều quy định ở Chương X, đó chương về cơ chế bảo đảm. Đại biểu chỉ ra rằng, Chương này có 9 điều nhưng đã dành tới 5 điều là giao cho Chính phủ quy định cụ thể và 5 điều này lại còn phương án 1, phương án 2. Đại biểu cho rằng chương này là rất quan trọng, cơ chế bảo đảm cũng giống như công tác hậu cần, kỹ thuật, đi trước và về sau.

Đại biểu Trịnh Xuân An- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tham gia thảo luận

Theo đại biểu, vấn đề xã hội hóa không nên để mang tính chất nguyên tắc mà nên đi cụ thể vào các hình thức xã hội hóa, chính sách thu hút xã hội hóa như thế nào? Trong khoản 3 Điều 170 có quy định về vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng thiết bị y tế. Đại biểu cho rằng, việc vay vốn là câu chuyện của tín dụng, liên quan đến vay vốn, liên quan đến ngân hàng, đây không phải là nội dung về xã hội hóa, nên đề nghị cân nhắc nội dung này có nên xã hội hóa không? Trong một số trường hợp có thể ưu tiên việc mượn máy móc vì có những loại máy móc, phương tiện chỉ đi với loại một loại hóa chất nhất định, các hãng đề nghị cho mượn nhưng phải dùng loại hóa chất của họ. Nhưng chúng ta lại căn cứ vào quy định của đấu thầu, lúc nào cũng phải chăm chăm để đấu thầu, đấu thầu được máy lại không đấu thầu được hóa chất, đấu thầu được hóa chất thì không đấu thầu được máy. Do đó phải rất lưu ý vấn đề này.

Bên cạnh đó, đối với quy định tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, chúng ta phải xác định được là tài trợ xong thì tài sản này phải thành tài sản công, nếu không chúng ta không quản lý được. Do vậy, khoản 4 Điều 107 cần phải cụ thể hơn về việc thu hút nguồn lực để khả thi khi áp dụng.

Liên quan đến về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái chỉ ra rằng, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước là thực hiện xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, là nguyên nhân dẫn đến nhiều cán bộ trong ngành y tế vi phạm pháp luật, đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí là bị truy tố trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, dự thảo Luật chỉ có duy nhất Điều 107 quy định về vấn đề này, mặc dù tại khoản 3 có quy định về các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, tuy nhiên tại khoản 4 quy định việc thực hiện thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật, đồng thời tại khoản 5 có giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái phát biểu

Đại biểu cho rằng nội dung quy định tại Điều 107 không thể giải quyết được những vướng mắc, bất cập hiện nay, kể cả việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Bởi lẽ, các hình thức huy động nguồn lực xã hội hóa quy định tại khoản 3 điều này còn bị điều chỉnh bởi nhiều luật khác như: Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Chẳng hạn, với các quy định hiện hành, các bệnh viện công không thể góp vốn đầu tư, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất, cũng không thể lấy một phần đất được Nhà nước giao để cho các nhà đầu tư thuê để xây dựng các công trình phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, cũng không được sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư để đảm bảo cho các khoản vay tín dụng có thể thế chấp để vay vốn đầu tư xây dựng công trình, nâng cấp trang thiết bị phục vụ khám bệnh, chữa bệnh. Việc đầu tư theo phương thức đối tác công - tư không dễ thực hiện, bởi theo quy định chỉ được áp dụng phương thức này đối với các dự án có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ trở lên, là mức vốn rất lớn so với dự án hợp tác đầu tư phổ biến hiện nay tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện.

Đại biểu phân tích một ví dụ cụ thể để khái quát vấn đề, đó là ví dụ như hiện nay, hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các bệnh viện tuyến huyện thường xuyên bị hư hỏng, phải đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới. Do không có chuyên môn sâu về lĩnh vực này nên các bệnh viện mong muốn được hợp tác với doanh nghiệp chuyên về công nghệ môi trường theo hướng doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành công trình thu gom, xử lý nước thải còn bệnh viện sẽ chi trả phí thuê doanh nghiệp xử lý nước thải hàng tháng. Tuy nhiên, bệnh viện không thể cho doanh nghiệp thuê đất để xây dựng công trình, cũng không thể trả lại một phần đất để Nhà nước cho doanh nghiệp thuê, vì đường ống thu gom nước thải đan xen trong các tòa nhà, hai bên cũng không thể hợp tác đầu tư theo phương thức PPP do tổng mức đầu tư dưới 200 tỷ. Còn nếu bệnh viện chấp thuận để doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình thì cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể cấp giấy phép xây dựng do doanh nghiệp không có giấy tờ về đất đai, do đó cũng không thể nghiệm thu cấp phép cho công trình đi vào hoạt động. Đây thực sự là một bài toán chưa có lời giải.

Với phân tích trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu quy định đầy đủ và rõ ràng hơn về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Cùng mối quan tâm, đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, liên doanh, liên kết đầu tư, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế và các chính sách liên quan đến bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, phù hợp với tình hình mới và đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống y tế công lập; cần Luật hóa bổ sung một Chương về tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh, nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc về tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh, không để nằm rải rác như hiện nay, điều chỉnh tại văn bản dưới luật và sửa đổi như ghi tại Điều 105, 106, 107 và 108 của dự thảo Luật. Mặt khác, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và các rào cản, vướng mắc đang nằm trong các luật liên quan đang được xem xét sửa đổi, bổ sung như Luật Giá, Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế….

Đại biểu phân tích, khi các luật này được Quốc hội thông qua là phải sau ngày 1/7/2024 thì mới có hiệu lực pháp luật, sẽ không giải quyết được các tồn đọng rất nóng của ngành y tế, vẫn chưa được tháo gỡ triệt để, để các bệnh viện công lập chỉ không chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ mà còn làm nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao, bảo đảm mục tiêu bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do vậy đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi.

Hồ Hương