KỲ HỌP THỨ 4: PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN THẢO LUẬN ĐẦU TIÊN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

27/10/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 27/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch năm 2023. Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết, nhìn thẳng vào vấn đề, phân tích đánh giá sâu sắc và đưa ra kiến nghị, đề xuất cụ thể. Cùng nhìn lại những phát biểu ấn tượng trong phiên thảo luận

TỔNG THUẬT SÁNG NGÀY 27/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, DỰ KIẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Quảng Trị: "Từ ngàn xưa, ông cha ta đã có lời nguyền về những mối hiểm họa khôn lường "nhất thuỷ, nhì hỏa", ấy vậy mà công cuộc phòng thủy, phòng hòa của chúng ta hôm nay nhìn lại còn quá nhiều điều phải bàn, phải làm. Việc lũ lụt miền Trung, sạt lở, lũ quét vùng miền núi, xói lở bờ sông, bờ biển, nước triều dâng thường xuyên đã đành thì gần đây những thành phố lớn được đầu tư hiện đại đều lần lượt bất ngờ xuất hiện ngập lụt lớn."

Đại biểu Nguyễn Huy Thái - Bạc Liêu: "Cử tri đang rất lo lắng về tình trạng lương chưa tăng, chỉ mới rục rịch tăng thôi thì giá cả đã "nhanh chân mà chạy trước" rồi, câu chuyện giá - lương - tiền cái nào đứng trước cái nào để có lợi nhất cho người lao động luôn là câu chuyện mà người lao động tha thiết quan tâm. Lương bổng luôn bị rớt lại phía sau trong cuộc đua với giá cả thị trường, giá xăng tăng, giá thực phẩm tăng, phí dịch vụ tăng, phí đại học tăng, v.v., tất cả đã dồn gánh nặng lên đôi vai người lao động, chen chân vào và chi phối từng bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình."

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Gia Lai: "Việt Nam GDP tăng thì thế giới lại giảm, khi thế giới tăng thì Việt Nam lại thấp. Năm 2020 GDP Việt Nam đạt 2,91% thì thế giới âm 3,1%. Năm 2021 thế giới tăng 5,9% thì Việt Nam giảm còn 2,58%. Năm 2022 Việt Nam tăng đạt 8,0% thì thế giới giảm còn 2,4 đến 3,2%. Việt Nam có nền kinh tế rất mở nhưng ta lại ngược độ tăng trưởng GDP với thế giới. Nếu chúng ta xác định đi một mình để đi nhanh thì cũng cần phân tích, rút ra kinh nghiệm để chỉ đạo, điều hành bảo đảm tăng trưởng cao nhưng bền vững."

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Bắc Kạn: "Khi dịch bệnh ập đến thì vất vả nhất là các trạm y tế xã, phường, vốn đã ít người vừa phải đảm trách nhiệm vụ của 19 chương trình mục tiêu quốc gia, vừa phải tỏa đi khắp nơi để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 và tiêm chủng vắc xin, trong khi đó lương tháng chỉ có khoảng 5 triệu đồng."

Đại biểu Trần Văn Khải - Hà Nam: "Chúng ta xác định mở cửa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch là một cuộc đua đường dài, không chỉ là những thành công của năm 2022, những thách thức của năm 2023 mà công cuộc phát triển đất nước ta có đi nhanh và đi xa được hay không tùy thuộc vào rất nhiều nền tảng và khả năng vượt qua thách thức hơn là chậm nắm bắt một cơ hội cụ thể."

Nguyễn Trường Giang - Đắk Nông: "Vấn đề đặt ra là chúng ta đang thực hiện khuyến khích việc xã hội hóa, tôi cho rằng việc mà giáo viên rời khỏi khu vực công và chuyển sang khu vực tư đó là chuyện rất bình thường, điều quan trọng nhất ở đây mà chúng ta cần phải đánh giá đúng là khi rời khỏi khu vực công người ta có tiếp tục làm giáo viên nữa hay không, đó mới là điều chúng ta cần phải đánh giá đúng. Nếu như họ chuyển sang làm khu vực tư thì hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, mà đều là phục vụ cho nhân dân, phục vụ cho sự tăng trưởng và phát triển của đất nước. Ở đây chúng ta cần phải đánh giá một cách sát nhất, thực chất nhất để có một giải pháp phù hợp."

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - TP Hà Nội: "Có rất nhiều hạn chế, vướng mắc là hệ quả của các giai đoạn trước và ngày hôm nay bộ máy mới, những con người mới, nhiều đồng chí lãnh đạo cũng đang quyết liệt để xử lý vướng mắc. Nhưng đất đai là vấn đề phức tạp, không phải một sớm một chiều để có thể giải quyết được ngay. Dưới góc độ của người dân thì người dân vẫn luôn mong rằng chính quyền cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý các vướng mắc về đất đai. Theo đó cần đưa ra một lộ trình cụ thể, một thời hạn cụ thể và điều này thì cần được nghị quyết hóa, bởi vì đó là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan công quyền. Cần xử lý nghiêm đối với lối tư duy nhiệm kỳ, cần đề cao trách nhiệm nhưng cũng rất cần một cơ chế minh bạch, ranh giới giữa đúng - sai phải rõ ràng để tạo công cụ bảo vệ những người trong bộ máy công quyền, để không tạo một tâm lý e dè, lo lắng, khơi thông tư tưởng. Có như vậy thì hiệu quả quản lý nhà nước mới không đi xuống."

Đại biểu Lê Đào An Xuân - Phú Yên: "Rừng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức xuất phát từ cạnh tranh mục đích sử dụng đất, khai thác tài nguyên quá mức, năng lực quản trị và quản lý rừng yếu, mặc dù độ che phủ rừng nhận được duy trì ổn định, suy thoái rừng, suy giảm chất lượng rừng tự nhiên vẫn tiếp tục tăng. Cách chúng ta hiểu thuật ngữ rừng phần nhiều theo nghĩa là một trảng cây chứ chưa quan tâm đầy đủ đến bản chất yếu tố hệ sinh thái, điều đó lý giải vì sao rừng vẫn có nhưng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nhiều hơn và khốc liệt hơn."

Bảo Yến