DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI): NHIỀU NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CHỜ ĐỢI CÁC PHÂN TÍCH, QUYẾT ĐỊNH CỦA ĐBQH

23/10/2022

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng mai (24/10), Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là một trong 7 luật dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Tuy nhiên đến này dự án luật vẫn còn số lượng lớn các nội dung còn ý kiến khác nhau. Do đó trong phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đã đặc biệt lưu ý đối với dự án luật này và đề nghị cho ý kiến sâu hơn về cơ chế bảo đảm tinh thần “lấy người bệnh làm trung tâm” gắn với bảo đảm công bằng xã hội trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV: LAN TỎA TINH THẦN HỘI NGHỊ BCH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG GẮN VỚI NHỮNG QUYẾT SÁCH ĐÚNG ĐẮN, SÁNG SUỐT

THÔNG BÁO KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI): CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG ĐỂ BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG LUẬT CÓ TÍNH ỔN ĐỊNH LÂU DÀI

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), có 163 lượt phát biểu ý kiến tại Tổ, 27 lượt đại biểu phát biểu tại Hội trường và 10 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự án Luật.

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Xã hội phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật  và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Xã hội đã tổ chức nghiên cứu tài liệu, tiến hành khảo sát và lấy ý kiến tại một số tỉnh, thành phố, tổ chức các hội nghị chuyên gia, hội nghị theo chuyên đề, làm việc với Bộ Y tế, các bộ, ngành hữu quan. 

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã được trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề tháng 9/2022, sau đó tiếp tục hoàn thiện và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về khám bệnh, chữa bệnh. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Mặc dù theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được trình Quốc hội khóa XV thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 và trình xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Tuy nhiên trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật còn nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau, một số nội dung chưa có sự đồng thuận cao, có nội dung cần phải nghiên cứu đánh giá thêm. Do đó đã có ý kiến đề xuất lùi thời gian xem xét thông qua dự án Luật này sang kì họp sau để có thêm thời gian đi đến thống nhất các nội dung, hoàn thiện dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Theo đó, một số vấn đề còn cần phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét cho ý kiến thêm như: Về Hội đồng Y khoa quốc gia vẫn còn có ý kiến cho rằng, việc quy định giao Chính phủ thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia là chưa phù hợp, chưa thống nhất với Luật Tổ chức Chính phủ, vẫn chưa làm rõ mô hình tổ chức của Hội đồng Y khoa Quốc gia và chưa thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 20-NQ/TW.

Về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với phương án giữ như quy định hiện hành. Một số ý kiến thống nhất với phương án người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo, trừ một số trường hợp; có ý kiến cho rằng giới hạn chỉ sử dụng tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang sử dụng người nước ngoài; có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số.

Về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh, trong quá trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo để làm rõ một số nội dung như “sản phẩm dinh dưỡng” là thuốc hay thực phẩm chức năng để có cơ chế quản lý nhà nước, quy định chuyên môn trong sử dụng đối với loại sản phẩm này cho phù hợp, quy định về danh mục, cơ chế cung cấp, quản lý, sử dụng sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị và tính thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, đến nay, những nội dung này hiện vẫn chưa được rõ ràng, thống nhất từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cũng như các cơ quan tham gia ý kiến đối với dự án Luật.

Một số nội dung còn hai loại ý kiến khác nhau hay có nội dung còn phải thiết kế thành hai phương án để xin ý kiến Quốc hội như: Việc phân định cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành 03 cấp chuyên môn kỹ thuật; loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ như quy định hiện hành, phân thành 04 tuyến (xã, huyện, tỉnh, trung ương). Các nội dung về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan chủ trì thẩm tra đã thiết kế hai phương án để xin ý kiến.

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Ngoài ra, có một số chính sách mới được Ban soạn thảo đề nghị bổ sung trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật như quy định thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh; quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi đề xuất chính sách mới cần có tổng kết, rà soát và đánh giá tác động của chính sách mới. Bên cạnh đó, những bài học từ thực tiễn, những vấn đề phát sinh trong thực tế ứng phó với khủng hoảng cần tiếp tục nghiên cứu để thể hiện trong dự thảo Luật.

Trong số 7 dự án Luật dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có phạm vi tác động rất lớn. Đây là luật có tính chất “xương sống” của ngành y tế, định hướng công tác quản lý và sự phát triển bền vững công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế. Do đó, trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ những vấn đề cần tập trung đối với dự án Luật này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cho biết đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao, các cơ quan có liên quan đã phối hợp chặt chẽ, tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, nhất là đã nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 2, ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện, nhất là đối với các vấn đề lớn, các vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau, đảm bảo chất lượng cao nhất khi xem xét, thông qua các dự án luật và dự thảo nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tập trung phân tích, cho ý kiến sâu đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến sâu hơn về cơ chế bảo đảm tinh thần “lấy người bệnh làm trung tâm” gắn với bảo đảm công bằng xã hội trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh; các quy định cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; định hình hệ thống y tế hiện đại, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ở từng mặt, từng nội dung, từng khâu; cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở khám chữa bệnh công lập, trước hết là tự chủ tài chính, hợp tác công tư, giá dịch vụ…; đồng thời, xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng và tính ổn định, dài hạn của Luật này khi được Quốc hội thông qua.

Theo chương trình, sáng mai (24/10), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Truyền hình Quốc hội Việt Nam truyền hình trực tiếp phiên họp. Cổng thông tin điện tử Quốc hội sẽ tổng thuật nội dung phiên họp để cử tri và Nhân dân theo dõi./.

Bảo Yến

Các bài viết khác