QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT 24-NQ/TW: ĐẢNG ĐOÀN QUỐC HỘI LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT, KHUYẾN KHÍCH, HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN VÙNG ĐÔNG NAM BỘ

23/10/2022

Sáng ngày 23/10, tại Hội nghị trực tuyến Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày tham luận về Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết.

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG CHỦ TRÌ HỘI NGHỊ QUÁN TRIỆT VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 24-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN VÙNG ĐÔNG NAM BỘ

QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 24-NQ/TW: VÙNG ĐÔNG NAM BỘ CÓ VAI TRÒ, VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG CỦA CẢ NƯỚC

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu kết luận chỉ đạo Hội nghị. Cùng chủ trì Hội nghị có các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.

Tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Nhà Quốc hội có các đồng chí thành viên Đảng đoàn Quốc hội; Thành viên Tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ cơ quan; các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đảng bộ cơ sở, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ quan, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở... 

Theo sự phân công của đồng chí Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo tham luận về Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết. 

Theo đó, mục đích yêu cầu trong Chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội là nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện thiết thực, hiệu quả Nghị quyết 24 với chức năng, nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và toàn thể cán bộ, đảng viên.

Cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại các Nghị quyết 24 bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Quốc hội, gắn với chương trình hành động theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.

Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội là căn cứ để các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu các địa phương vùng Đông Nam Bộ xây dựng chương trình hành động của mình theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết đồng bộ và hiệu quả.

Công tác tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 phải được tiến hành nghiêm túc, hiệu quả và chất lượng. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch công tác toàn qua, hàng năm các cơ quan Quốc hội lựa chọn, xác định nội dung và nghị quyết liên quan trực tiếp đến lĩnh vực được giao phụ trách để xem xét đưa vào sinh hoạt chi bộ thường kỳ và chuyên đề hàng quý.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Đảng đoàn Quốc hội sẽ tập trung triển khai gắn với chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ nhất, lãnh đạo và chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ.

Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng Đông Nam Bộ. Trình Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài Nghị quyết số 54 năm 2017 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022. Xây dựng, ban hành Nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54 đặt trong tổng thể Nghị quyết 24 của Trung ương. Xem xét, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, trong đó tích hợp quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.

Phối hợp với Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét, bố trí, cân đối vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có tính chất liên kết vùng bằng các nguồn đầu tư công và hợp tác PPP. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chính sách và thể chế ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm. Phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa các tiểu vùng, các địa phương trong vùng, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng nhằm tạo không gian thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, điều phối hiệu quả các hoạt động liên kết nội vùng và vùng với vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Trung Bộ.

Xem xét, nghiên cứu, xây dựng cơ chế thí điểm phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, quy hoạch, đất đai, môi trường và tổ chức bộ máy. Nghiên cứu xây dựng cơ chế thí điểm mang tính đột phá, vượt trội cạnh tranh quốc tế để thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh, thành phố, đặc biệt là các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không để phát huy tính chủ động của các địa phương trong huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng.

Nghiên cứu thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với đặc thù vùng Đông Nam Bộ theo hướng đô thị hóa phải đảm bảo đồng bộ với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nền tảng xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục đáp ứng yêu yêu cầu và nhu cầu sống của người lao động.

Thứ hai, tổ chức giám sát, kiểm tra, đánh giá triển khai thực hiện pháp luật về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá triển khai thực hiện pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ. Thực hiện giám sát các dự án quan trọng quốc gia trong vùng và liên vùng như: Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn một và dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh. Giám sát việc thực hiện Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn mới, sau khi được Quốc hội thông qua.

Thứ ba, lãnh đạo, chỉ đạo việc thẩm tra, quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Đảng đoàn Quốc hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thẩm tra, quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực. Qua đó thúc đẩy kinh tế vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh và bền vững, phát triển văn hóa xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, căn cứ vào định hướng Chương trình xây dựng Pháp lệnh của cả nhiệm kỳ và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội, các tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện thiết thực, hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, gắn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Tiếp đó, Hội nghị trực tuyến Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nghe các báo cáo tham luận của lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Hội nghị Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận chỉ đạo Hội nghị trực tuyến Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Tham dự Hội nghị trực tuyến Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị tại điểm cầu Nhà Quốc hội có các đồng chí thành viên Đảng đoàn Quốc hội; Thành viên Tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ cơ quan; các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đảng bộ cơ sở, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ quan, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở... /.

Lan Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác