QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO TỔNG KẾT VIỆC THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu đều khẳng định việc tổng kết Nghị quyết số 54/2017/QH14 có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Tp.Hồ Chí Minh mà còn tạo cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với nhiều địa phương trên cả nước. Đồng thời nhấn mạnh do đây là Nghị quyết thí điểm để nhân rộng mô hình, áp dụng cho một trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nhằm tạo sức lan tỏa trong phạm vi quốc gia thì nội dung tổng kết cần khẳng định rõ việc thực hiện thí điểm có được coi là thành công hay không, sức lan tỏa đến đâu và hiệu quả mang lại trên các mặt: kinh tế - xã hội, đối với đời sống người dân...
Thảo luận tại Tổ 9 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, Hà Nam, Thừa Thiên - Huế và Phú Thọ
Cho biết qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 vẫn còn nhiều chính sách chưa đạt, các đại biểu đề nghị, Tp.Hồ Chí Minh làm rõ kiến nghị gì cần phải sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là khi 3 chính sách lớn như tạo nguồn để cải cách tiền lương; ban hành các lệnh phí, lệ phí và việc hưởng 50 % khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền với đất theo quy định vẫn chưa thể đạt mục tiêu như kỳ vọng.
Đánh giá rất cao sự nỗ lực triển khai thực hiện của Chính phủ cũng như của Tp.Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng sau thực hiện thí điểm cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, khi đó những chính sách thí điểm hiệu quả cần phải nhân rộng cần đưa thành các quy định áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Đại biểu nêu rõ đây là nội dung cần có đề xuất cụ thể.
Đồng thời, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị đối với những chính sách chưa thực hiện hiệu quả cũng cần cho biết đề xuất xử lý. Đại biểu chỉ rõ, Thành phố mới chỉ thực hiện được 1 phần nhỏ hoặc không làm được nhiều chính sách như tăng thuế đối với hàng hóa chịu thuế đặc biệt; mới chỉ tăng được phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Đặc biệt, những vướng mắc liên quan đến chuyển đổi đất của các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương hay thu từ cổ phần hóa của doanh nghiệp mà do thành phố quản lý, hầu như không thực hiện được.
Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa tiến hành tổng kết và chưa có đề xuất để hoàn thiện pháp luật. Do đó, đề nghị tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo. Đại biểu phân tích, trong các cơ chế chính sách đặc thù được trao, Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ thực hiện được việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên và tăng thu nhập cho cán bộ, công chức của Thành phố. Còn các nội dung khác mới chỉ được thực hiện một phần rất nhỏ hoặc chưa thể thực hiện.
Bày tỏ đồng tình với việc cho phép tiếp tục kéo dài để thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, song đại biểu Vũ Tuấn Anh cũng lưu ý để tiếp tục thực hiện Nghị quyết cần làm rõ nội dung nào tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết bởi đến nay cũng đã có nội dung trong Nghị quyết thí điểm đã được luật hóa. Đại biểu chỉ rõ như quy định về quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A của Thành phố, đến nay trong Luật Đầu tư công đã có quy định, hay việc thu về từ cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc diện địa phương quản lý đã có quy định khoản thu này thuộc ngân sách địa phương. Ngoài ra đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31/12/2023. Như vậy chỉ có thêm 01 năm để thực hiện. Đây là khoảng thời gian không dài, khó có thể mang lại những thay đổi căn bản trong kết quả thực hiện.
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam tại phiên thảo luận Tổ
Với 05 năm triển khai, trong đó có 02 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch, kết quả đạt được là đáng trân trọng song vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 54; đặc biệt là một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách chậm triển khai như việc thực hiện thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; tăng mức thu phí, lệ phí và ban hành các loại phí, lệ phí chưa được quy định; huy động từ nguồn vay trong nước và vay từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài cho Thành phố vay lại; về thưởng vượt thu và bổ sung có mục tiêu từ nguồn vượt thu NSTW hưởng trên địa bàn Thành phố; việc hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền với đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; việc hưởng số thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; ban hành Luật Thuế tài sản.
Do đó, Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ lý do, tính thuyết phục, căn cứ phù hợp để áp dụng việc kéo dài thời gian thực hiện; cần dự báo được hiệu quả sẽ mang lại nếu tiếp tục thực hiện thêm 01 năm. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do dịch COVID-19, Báo cáo cần chỉ ra nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện dẫn đến phải kéo dài thời gian thực hiện./.