Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Tham gia ý kiến hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đánh giá cao quá trình chuẩn bị, tiếp thu ý kiến tại các cuộc thảo luận và hoàn thiện dự thảo luật của Ban soạn thảo, các cơ quan có liên quan để hoàn thiện nội dung của dự thảo luật. Về phạm vi áp dụng của dự thảo luật, đại biểu cho biết, khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật đã đưa ra khái niệm về bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình. Khoản 1 Điều 4 quy định cụ thể các hành vi được coi là hành vi bạo lực gia đình. Khoản 2 Điều 4 quy định hành vi bạo lực gia đình được áp dụng đối với người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng. Theo đại biểu, khái niệm gia đình theo khoản 2 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của luật này. Theo đó người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng không được xác định là thành viên trong gia đình. Như vậy, quy định tại khoản 2 Điều 4 thực chất là mở rộng phạm vi áp dụng của hành vi bạo lực gia đình đối với đối tượng không phải là thành viên gia đình và không thống nhất với khái niệm bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo.
Vì vậy, đại biểu cho rằng phòng, chống bạo lực gia đình chỉ nên áp dụng trong phạm vi các quan hệ gia đình, không nên mở rộng đối với trường hợp người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng trừ trường hợp được pháp luật công nhận hôn nhân thực tế như dự thảo luật. Nhất là đối với trường hợp người đã ly hôn thì không còn phát sinh quan hệ hôn nhân, cho nên nếu có hành vi bạo lực sẽ do pháp luật về lĩnh vực khác như hình sự, hành chính điều chỉnh.
Về khái niệm bạo lực trên cơ sở giới, thuật ngữ bạo lực gia đình trên cơ sở giới là dựa trên cơ sở thuật ngữ bạo lực gia đình chỉ đơn giản dựa trên giới tính. Do đó, khi giải thích dự thảo nên đưa ra một thuật ngữ, không nên đưa ra một thuật ngữ mới khác với nội hàm của bạo lực gia đình. Thuật ngữ này không sử dụng trong luật, vì vậy đại biểu đề nghị không nên đưa vào dự thảo luật.
Về nguyên tắc hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình tại khoản 2 Điều 20, đại biểu cho rằng việc quy định về nguyên tắc hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới tôn trọng sự thỏa thuận tinh thần tự nguyện giữa hai bên. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn nội dung của một số nguyên tắc. Ví dụ tại điểm d cần làm rõ hơn sự phù hợp với chính sách pháp luật của Nhà nước là phù hợp với quy định nào, luật nào. Đồng thời rà soát, đối chiếu các nguyên tắc này với quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn chồng chéo. Ví dụ cần quy định rõ không được tiến hành hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình khi các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Hòa giải ở cơ sở trường hợp không được phép hòa giải.
Về việc bảo vệ, hỗ trợ người tham gia phòng chống bạo lực gia đình và người báo tin tố giác vụ việc bạo lực gia đình, tại khoản 3 Điều 39 có quy định người tham gia phòng chống bạo lực gia đình không phải bồi thường thiệt hại về tài sản liên quan đến người gây bạo lực gia đình. Trong trường hợp áp dụng các biện pháp cấp thiết để giải cứu người bị bạo lực gia đình đang trong tình trạng nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Đại biểu cơ bản tán thành với quy định này nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tham gia vào công tác phòng chống bạo lực gia đình, cũng như khuyến khích họ báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu đối với trường hợp gây ra thiệt hại về tài sản liên quan đến những người khác mà không phải là người gây ra bạo lực gia đình như người bị bạo lực gia đình hoặc người sinh sống cạnh nhà của người bị bạo lực gia đình. Đồng thời, đề nghị quy định việc bảo vệ bí mật thông tin của người báo tin tố giác vụ việc. Trên thực tế người báo tin thường là người thân hoặc hàng xóm, nếu không được pháp luật bảo vệ bí mật thông tin thì họ sẽ ngại báo tin tố giác vụ việc.
Về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, Điều 45 của dự thảo luật quy định: "Các cơ sở khác có chức năng trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình là cơ sở cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập theo quy định của pháp luật và việc đăng ký nội dung phạm vi hoạt động của các cơ sở này với cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình". Đại biểu đề nghị làm rõ trường hợp do cơ quan tổ chức thành lập là loại hình cơ sở công lập thì có đảm bảo thực hiện đúng Nghị quyết số 19 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đó là giảm về đầu mối tối thiểu bình quân cả nước giảm 10%, đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công lập cơ bản, thiết yếu.
Trên cơ sở đó, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc pháp luật chuyên ngành không quyết định thành lập tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập. Trường hợp cần thiết phải thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thì đơn vị đó phải tự đảm bảo toàn bộ về tài chính, trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp cơ bản, thiết yếu. Trường hợp là các cơ sở ngoài công lập thì cần quy định cụ thể hơn về tổ chức hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ sở này. Bên cạnh đó, tại Điều 46 đang quy định quá nhiều điều kiện, tiêu chuẩn đối với nhân viên tại cơ sở này. Do vậy, đại biểu đề nghị rà soát để quy định đảm bảo tính khả thi, thu hút được nguồn nhân lực vào làm việc tại các cơ sở.