UBTVQH ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ GIẢI TRÌNH THUYẾT PHỤC VỀ VIỆC CHƯA THỰC HIỆN ĐƯỢC ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

25/08/2022

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung của Tần số vô tuyến điện. Theo Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này của Tổng Thư ký Quốc hội, dự thảo Luật đã đáp ứng yêu cầu đặt ra, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát hoàn thiện và có giải trình thuyết phục hơn về lý do sau 13 năm chưa thực hiện được việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật tần số vô tuyến điện

Xác định kỹ lưỡng tài nguyên tần số vô tuyến điện phải được sử dụng, khai thác hiệu quả nhất

Toàn cảnh Phiên họp về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan khác của Quốc hội cũng như sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; về cơ bản dự thảo Luật đáp ứng quan điểm, mục tiêu và yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với Chính phủ, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; các quy định về quản lý, phân bổ tần số vô tuyến điện, quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần, các phương thức cấp phép, cấp lại giấy phép, chuyển nhượng quyền sử dụng băng tần, phí, lệ phí, tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, điều khoản chuyển tiếp; tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến, bảo đảm chất lượng dự án Luật trình Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ giải trình thuyết phục hơn về lý do sau 13 năm chưa thực hiện được việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, vướng mắc, bất cập trong việc không thu hồi được giấy phép sử dụng tần số, gây lãng phí lớn nguồn lực; Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo báo cáo, khẳng định và chịu trách nhiệm về việc bổ sung khoản 5 và khoản 12 Điều 1 dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi để đấu giá được trong thực tế.

Về vấn đề sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra; tiếp tục rà soát về căn cứ pháp lý và cơ sở lý luận, thực tiễn; đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động; đánh giá kỹ ưu, nhược điểm, tác động về mặt quy hoạch, kỹ thuật, về “trường hợp đặc biệt”, về yêu cầu bảo mật, kinh nghiệm quốc tế và đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Trong đó, lưu ý làm rõ nội hàm của sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế; đánh giá tác động của nội dung này liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng băng tần; nghiên cứu cơ chế theo hướng cấp quyền sử dụng tần số thương mại cho doanh nghiệp quốc phòng, an ninh để khi cần có thể huy động sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp.

Giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, xin ý kiến theo quy định để lựa chọn phương án phù hợp báo cáo Quốc hội thảo luận. Đồng thời gửi tài liệu dự án Luật được tiếp thu, chỉnh lý để Chính phủ tham gia ý kiến bằng văn bản. Việc tham gia ý kiến của Chính phủ cần khẩn trương để bảo đảm thời gian tiếp thu và trình Quốc hội.

Giao Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Chính phủ, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật; chuẩn bị hồ sơ báo cáo, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, và các cơ quan, tổ chức hữu quan; tập hợp đầy đủ các ý kiến tham gia để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật, gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý trong giai đoạn này, đề nghị Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự thảo Luật./.

Bảo Yến

Các bài viết khác