Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh Ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu tại buổi làm việc với Hội LHPN tỉnh.
Ngay khi Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình được Quốc hội ban hành, Hội LHPN tỉnh Ninh Bình luôn xác định công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em là một nhiệm vụ trọng tâm, được xác định là chủ đề công tác trong nhiều năm của các cấp Hội.
Theo đó, Hội LHPN tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội trong tỉnh chủ động, tích cực tham gia công tác phòng ngừa bạo lực gia đình thông qua việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viên hội viên, phụ nữ và cộng đồng chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; Tích cực tham gia tư vấn, hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp gia đình ở cơ sở; hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.
Trong 15 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức gần 2.000 diễn đàn, giao lưu, hội thi và các hội nghị tuyên truyền pháp luật, 500 cuộc tư vấn, trợ giúp pháp lý lưu động tại khu dân cư, giúp cho 2.500 phụ nữ giải quyết mâu thuẫn hôn nhân, gia đình, bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia xây dựng các mô hình bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, ma túy, mại dâm và phối hợp với các cơ quan chức năng đề nghị có biện pháp can thiệp, xử lý vi phạm với người có hành vi bạo lực gia đình…
Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn vẫn còn những bất cập như: Công tác tuyên truyền còn hạn chế; việc phát hiện và tham gia giải quyết các vụ việc còn khó khăn do tâm lý ngại tố cáo của bản thân người bị bạo lực; tình trạng coi việc giải quyết bạo lực là việc riêng của gia đình; số lượng hòa giải viên đông nhưng trình độ, kiến thức, kỹ năng còn hạn chế; Các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc còn khá phức tạp…
Từ thực tế nêu trên, Hội LHPN tỉnh Ninh Bình và các đại biểu đã phân tích, làm rõ thêm về thực trạng, nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình; đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như: tiếp tục nghiên cứu, rà soát có quy định mở để nhận diện rõ hơn những hành vi bạo lực gia đình; Đề nghị bổ sung đối tượng ưu tiên được tư vấn hỗ trợ tâm lý, sức khỏe, kiến thức;
Quy định rõ phạm vi vụ việc bạo lực thì áp dụng nguyên tắc hòa giải; Cần có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng hoạt động của hòa giải viên, hiệu quả của địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư; Nâng mức xử phạt, nhất là xử phạt bằng tiền để đối với người gây ra bạo lực…
Phát biểu tại buổi khảo sát, đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo về nội dung, cung cấp thông tin, báo cáo cụ thể của Hội LHPN tỉnh, qua đó giúp Đoàn ĐBQH tỉnh nhìn nhận, đánh giá rõ hơn về tình hình triển khai thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.
Những ý kiến của các đại biểu là kênh thông tin quan trọng, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tiếp thu đầy đủ, tổng hợp, nghiên cứu, lựa chọn để phản ánh, tham gia góp ý vào vào dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trong kỳ họp tới.