Những năm qua, cùng với việc không ngừng cải tiến chế độ tiền lương, tiền công và nâng cao thu nhập cho người lao động, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đến việc bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo cho nhân dân, trong đó có người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo nước ta đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn dưới 3%, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích sớm trong thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo. 100% số xã có đường ô-tô đến trung tâm, 80% số thôn có điện, trên 50% số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm y tế miễn phí.
Mặc dù là điểm sáng của thế giới về giảm nghèo nhưng công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta vẫn còn nhiều thách thức. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao”. Nhiều chuyên gia cho rằng cần đánh giá cụ thể và kỹ lưỡng những tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo, đặc biệt là công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để trên cơ sở đó, có những giải pháp phù hợp.
Quan tâm đến vấn đề này. TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng cần đánh giá các chương trình, chính sách giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2020 theo 5 tiêu chí: Tính kịp thời trong việc hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách (văn bản pháp luật và văn bản hướng dẫn); Tính phù hợp của cơ chế, chính sách, dự án đã ban hành trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo về đối tượng thụ hưởng, đặc điểm vùng, miền (dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, an toàn khu, bãi ngang, thôn nghèo, xã nghèo, huyện nghèo, vùng kinh tế - sinh thái,...), phù hợp với nguồn lực và năng lực thực thi của các địa phương; Tính đồng bộ và hệ thống của cơ chế, chính sách và giải pháp giảm nghèo; Tính đầy đủ thể hiện ở mức độ bố trí nguồn lực, bảo đảm đầy đủ và kịp thời nguồn lực cho thực hiện các dự án, chính sách trong chương trình giảm nghèo; Tính hiệu lực và hiệu quả.
TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội
Theo đó, TS. Bùi Sỹ Lợi nêu rõ công tác giảm nghèo còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc cần kịp thời giải quyết, tháo gỡ. Trước hết, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ thoát nghèo chủ yếu chuyển sang hộ cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm không đồng đều trong các vùng của cả nước. Tình trạng nghèo sâu, nghèo kinh niên tập trung vào đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn, chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong đó “lõi nghèo” tập trung nhiều ở khu vực các tỉnh thuộc miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, nhất là khu vực miền núi Tây Bắc. Đây là nhóm dân cư có tốc độ giảm nghèo chậm, luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo. Thực trạng này kéo dài qua nhiều năm nhưng chưa được khắc phục triệt để. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm chậm, từ năm 2015 đến năm 2019 chỉ giảm được 0,95%, trung bình 0,19%/năm. Tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng khó khăn chỉ đạt 5,66% (đạt 20% - 30% mục tiêu). Sự thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như nhà ở, y tế, nước sạch và vệ sinh còn lớn.
Tỷ lệ hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế đạt mục tiêu, nhưng nguyên nhân chủ yếu do các địa phương (58/63 tỉnh, thành phố) sử dụng ngân sách địa phương trong việc huy động nguồn lực để hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Cơ sở vật chất, nhân lực của các trạm y tế xã chưa đồng đều ở các vùng, miền, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, do đó chưa tạo được niềm tin của người dân vào chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở.
Cùng với đó, TS. Bùi Sỹ Lợi cho biết, chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Mức chuẩn nghèo về thu nhập chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm mức sống tối thiểu như Nghị quyết số 76/2014/QH13, ngày 24/6/2014, của Quốc hội khóa XIII, “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020” đặt ra; Một số chỉ số đo lường chưa phù hợp gây ảnh hưởng đến việc xác định hộ nghèo ở các địa phương; Chính phủ chưa công bố được kết quả tổng hợp toàn quốc về tình trạng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.
Thêm vào đó, nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo dàn trải trong nhiều chính sách, có chính sách khi bố trí được nguồn lực đầu tư đã vào năm cuối của giai đoạn thực hiện. Việc huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân còn hạn chế. Các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ thị trường phù hợp đặc điểm vùng, miền, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa bàn khó khăn, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Công tác giảm nghèo còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ, giải quyết
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện mới chỉ dừng ở chính sách tín dụng, các mô hình sản xuất (vốn đối ứng), hoặc cam kết thoát nghèo, chưa phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bên liên quan để có thêm nhiều chính sách đa dạng và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương; chưa khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo.
TS. Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, hiện nay tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số học trung học phổ thông chưa cao (63,03%); mới hỗ trợ đào tạo được khoảng trên 1,1 triệu người (14%) trên tổng số gần 8 triệu người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động. Giai đoạn 2016 - 2018 mới có trên 800 nghìn người dân tộc thiểu số, trong đó có 412 nghìn lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; nhiều địa phương không bố trí được việc làm cho người học cử tuyển sau khi tốt nghiệp. Công tác đào tạo cử tuyển chưa gắn với sử dụng lao động; việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhiều chuyển biến tích cực; tình trạng di dân không theo quy hoạch ở một số địa phương chưa được giải quyết triệt để.
Ngoài ra, TS. Bùi Sỹ Lợi nhận định hệ thống chính sách về giảm nghèo vẫn phức tạp, nhiều tầng nấc, khó khăn cho việc áp dụng của cán bộ cơ sở và việc tiếp cận của người dân. Việc rà soát, tích hợp, sửa đổi, ban hành chính sách về giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu, gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai thời gian đầu của chương trình. Một số chính sách chưa phù hợp, như chính sách hỗ trợ nhà ở, chính sách đầu tư nguồn nhân lực cho người dân tộc thiểu số, chính sách cử tuyển,... chưa gắn với sử dụng sau đào tạo và chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, hiệu quả chưa cao. Chưa có chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Công tác xác nhận, quản lý đối tượng hộ nghèo, cận nghèo còn hạn chế; còn có tình trạng đưa đối tượng không đủ điều kiện vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để trục lợi chính sách./.