ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI LÀ CẦN THIẾT

12/05/2022

Tại phiên thảo luận về Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết đầu tư hai dự án nêu trên.

Toàn cảnh phiên họp

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội của Chính phủ, tuyến đường này có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long) qua địa phận: Thành phố Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km). Dự án có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341ha. Theo đó, dự án sử dụng hình thức đầu tư hỗn hợp, giữa đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự kiến dự án cơ bản hoàn thành năm 2025.

Trong khi đó, theo Tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh của Chính phủ cho thấy, tổng chiều dài tuyến là 76,34 km; bao gồm: Tp. Hồ Chí Minh: 47,51km; Đồng Nai: 11,26km; Bình Dương: 10,76km; Long An: 6,81km. Tổng diện tích đất của dự án khoảng 642,7ha. Dự án đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh được chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.

Nêu ý kiến thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư các Dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó yêu cầu “khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, các Dự án được lập cơ bản phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và phù hợp với quy hoạch của các ngành, các địa phương có liên quan.

Về phương án thiết kế sơ bộ, phân kỳ đầu tư, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, đề xuất của Chính phủ (quy mô 4 làn xe, mặt đường 17m, mặt cầu 17,5m và không có 2 làn dừng xe khẩn cấp) chưa phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5729 : 2012) về đường ôtô cao tốc, do đó đề nghị thuyết minh thuyết phục hơn về quy mô đầu tư phân kỳ này. Ngoài ra, cần rà soát cắt giảm tối đa các nút giao trên toàn tuyến... để bảo đảm hiệu quả khai thác, an toàn giao thông và tối ưu tổng mức đầu tư của Dự án.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu ý kiến

Thảo luận về nội dung này, ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, việc xây dựng hai tuyến đường này là rất cấp thiết; không chỉ giúp thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh khắc phục tình trạng quá tải về giao thông mà còn giúp hai địa phương này mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Nhấn mạnh Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố  Hồ Chí Minh là 2 dự án án quan trọng năm trong tổng thể các dự án quan trọng quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng; nghiên cứu, tính toán nguồn vốn sao cho phù hợp, cân đối các nguồn lực, đánh giá năng lực các nhà thầu… để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi của các dự án./.

 

Thu Phương