TRIỂN KHAI CÓ HIỆU QUẢ CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN CÓ GẮN CHIP

25/02/2022

Triển khai các luật do Quốc hội thông qua, nhằm phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia, từ ngày 25/02, công dân trên cả nước sẽ được cấp tài khoản định danh điện tử thông qua việc cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân, đồng thời được sử dụng thay cho bảo hiểm y tế, lệ phí làm căn cước công dân gắn chip giảm...

 

Thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và sẽ được sử dụng thay cho bảo hiểm y tế

Phát huy giá trị thẻ căn cước công dân gắn chip, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia

Triển khai thực hiện Luật Căn cước công dân năm 2014, dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được tiến hành và cơ bản hoàn thành vào tháng 07/2021. Ghi nhận thành công của dự án này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu phát huy tối đa giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân gắn chip để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thúc đẩy hoàn thành công cuộc chuyển đổi số quốc gia. 

Để tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, bắt đầu từ ngày 25/02/2022, công dân trên cả nước sẽ được cấp tài khoản định danh điện tử thông qua việc cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân. Người dân khi sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ tiết kiệm thời gian khai báo lại các thông tin cá nhân mỗi khi đi làm thủ tục hành chính; chia sẻ thông tin cá nhân cho bên thứ ba bằng cách quét mã QR Code; giảm thiểu tối đa các giấy tờ cá nhân cần mang theo; thực hiện các dịch vụ công không phải đến tận nơi. Khi sử dụng tài khoản định danh điện tử, công dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.

Trước đó, ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu năm 2022 sẽ dùng căn cước công dân gắn chip thay cho thẻ bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam trở thành đơn vị đầu tiên thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Là ngành phục vụ trên 90% dân số tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và giao dịch điện tử hàng năm đạt trên 220 triệu hồ sơ, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi số, giảm thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt chống gian lận và trục lợi bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với mục đích xác thực cũng là cơ sở quan trọng để Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục chuẩn xác, hoàn thiện, làm giàu thêm thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

Bên cạnh cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, thẻ căn cước công dân gắn chip còn có thể kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe… cơ bản tích hợp, lưu trữ đủ các thông tin của công dân để tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại.

Tăng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm liên quan đến thẻ Căn cước công dân

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Đặc biệt, mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm liên quan đến thẻ Căn cước công dân tại Nghị định này đã tăng so với quy định cũ. Cụ thể, các hành vi không xuất trình thẻ Căn cước công dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền; không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân… sẽ bị phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Tương tự, các hành vi cử dụng Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân giả, làm giả Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị tăng mức phạt lên thành 4 đến 6 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định này quy định thêm một số hành vi bị xử phạt mới, chưa có trong quy định cũ, bao gồm các hành vi hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, cầm cố, nhận cầm cố, mua bán, nhận mua bán Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân.

Giảm 50% lệ phí làm căn cước công dân gắn chip

Triển khai thực hiện Luật Phí và lệ phí, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, vừa qua Bộ Tài chính ban hành Thông tư 120/2021/TT-BTC tiếp tục gia hạn giảm phí, lệ phí, trong đó có nội dung giảm lệ phí cấp căn cước công dân. Cụ thể, thông tư quy định nguời dân chỉ phải nộp bằng 50% mức thu lệ phí quy định hiện hành. Theo quy định đang được áp dụng, nếu công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân, sẽ nộp 30.000 đồng/lần; Nếu đổi thẻ căn cước công dân sẽ nộp 50.000 đồng/lần; Nếu cấp lại thẻ căn cước do mất sẽ nộp 70.000 đồng/lần.

Như vậy, theo Thông tư 120/2021/TT-BTC, lệ phí cấp căn cước công dân sau khi giảm 50% mức thu như sau: Công dân chuyển từ chứng minh nhân dân Chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang cấp thẻ căn cước công dân, sẽ nộp 15.000 đồng/thẻ Căn cước công dân. Trường hợp đổi thẻ căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu, sẽ nộp 25.000 đồng/thẻ Căn cước công dân. Trường hợp cấp lại thẻ căn cước công dân khi bị mất, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, sẽ nộp 35.000 đồng/thẻ Căn cước công dân. Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/06/2022./.

Minh Hùng